| Hotline: 0983.970.780

Âu sầu tôm chết

Thứ Ba 09/11/2010 , 13:45 (GMT+7)

Niềm vui giá tôm cao kỷ lục của người nuôi tôm Cà Mau trở nên không trọn khi một tháng gần đây, tôm nuôi bỗng dưng đâm đầu vào bờ, chết hàng loạt…

Những tưởng người nuôi tôm ở Cà Mau được một năm tròn thắng đậm bởi chưa khi nào giá tôm lại cao kỷ lục như hiện nay. Tuy nhiên, niềm vui ấy không trọn khi một tháng gần đây, tôm nuôi bỗng dưng đâm đầu vào bờ, chết hàng loạt…

Ngay đầu tháng 11, ở Cà Mau mưa gần như suốt ngày, suốt đêm. Chờ hoài mưa không tạnh, tôi làm liều chạy xe xuống Đầm Dơi-huyện có diện tích chuyên tôm lớn nhất của tỉnh Cà Mau với trên 60.000ha. Tới địa bàn khóm 1, tôi xuống đại một nông hộ có tới 6 ao nuôi tôm công nghiệp, ông chủ vuông đang ngồi thẫn thờ bên chiếc thùng nhựa tự chế. 

Ngó vào thùng, tôi đếm có hơn 10 con tôm sú hơn 2 tháng tuổi, kích cỡ khoảng chừng 70- 80 con/1kg, toàn thân màu hồng, có nhiều đốm trắng li ti như dính vôi. “Hôm qua vẫn còn “ngon” lắm, ăn ào ào. Vậy mà sáng ra tụi nó lủi mé lờ đờ như cá bị xiệc điện vậy. Nãy giờ tôi dầm mưa, lượm được bao nhiêu đây nè, còn lại chắc chết chìm hết rồi” – ông buông giọng buồn bã!

Hỏi ra mới biết ông là Châu Hoàng Bon - một trong những hộ nuôi tôm công nghiệp lâu năm ở khóm 1 thị trấn Đầm Dơi. 5 năm đánh liều với mô hình nuôi này, thành công nhiều nhưng rủi ro cũng không ít. Nhờ tôm có giá cao nên 4 tháng trước, 6 đầm tôm (5 đầm nuôi tôm sú, 1 đầm nuôi tôm thẻ chân trắng) của ông thu hoạch được trên 1,2 tấn, thu về hơn 1,7 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí còn lời khoảng 500 triệu.

Tưởng ngon ăn, ông làm tiếp vụ 2, thả toàn tôm sú, định đón thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Nào ngờ, mới được nửa chặng đường, tôm nuôi của ông trở chứng. "Sáng mai tát đầm, bắt được bao nhiêu hay bấy nhiêu, may ra còn gỡ lại chút tiền dầu, con giống”- ông Bon chán nản nói.

Lang thang trên đầm tôm, tôi gặp anh Vẹn, cán bộ khuyến nông khuyến ngư của huyện và anh Sơn, cán bộ kỹ thuật ở Chi cục Thú y thủy sản tỉnh. Thì ra, nghe tin tôm chết, các anh sốt ruột chạy xuống nắm tình hình. Anh Vẹn cho hay: “Diễn biến tôm bệnh căng lắm, bữa nào ở cơ sở cũng báo có đầm tôm bị chết hết. Mới đầu tháng mà có hơn 10 hộ nuôi công nghiệp báo tôm bị bệnh rồi. Ngoài chú Bon ra, ở khóm 1 này có cả chục hộ tình cảnh tương tự, dân lo lắm!”

Không chỉ tôm nuôi công nghiệp mà tôm nuôi theo hình thức quảng canh cũng mắc dịch bệnh. Trong tháng 10 vừa qua, toàn huyện Đầm Dơi có trên 680ha tôm nuôi bị dịch bệnh gây hại, mức độ thiệt hại ước tính ban đầu trên 20%, và hiện tôm vẫn còn chết lai rai.

Anh Trần Văn Của, ở ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Dầm Dơi, cho biết: “Trong vuông tôi lúc nào cũng có 3 lứa tôm thả luân phiên để thu hoạch gối vụ. Vụ này, sợ nước ngoài sông bị ô nhiễm nên tôi đóng cống, không dám lấy nước vào, vậy mà tôm cũng bị quạng. Mới đầu nó lờ đờ bám vào thành lú (dụng cụ để bắt tôm), về sau nó chui vô mé bờ, đỏ thân. Hổm rày muốn xả nước ra để bắt tôm cũng không được vì mưa nhiều quá khiến mực nước ngoài sông cao hơn trong vuông, giờ mò bắt được bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi”!

Theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, tình hình mưa lớn, triều cường… sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới nên dịch bệnh gây hại tôm nuôi sẽ còn diễn biến phức tạp. Kỹ sư Bùi Trung Quân, Trưởng Trạm KN- KN huyện Đầm Dơi, khuyến cáo: “Đối với hộ nuôi tôm công nghiệp, khi phát hiện tôm có triệu trứng bệnh cấn báo ngay cho cán bộ KN- KN cơ sở. Chúng tôi sẽ kết hợp với Chi cụ Thú y Thủy sản  gửi mẫu tôm bệnh đi xét nghiệm, nếu kết quả bị một trong 3 loại bệnh là đốm trắng, đầu vàng, hội trứng Taura thì chúng tôi sẽ hỗ trợ hóa chất và tìm cách dập dịch, triệt tiêu mầm bệnh trong đầm”.
Theo báo cáo của Sở NN - PTNT tỉnh Cà Mau, trong tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh có trên 35.000ha diện tích tôm nuôi bị thiệt hại (mức độ thiệt hại từ 20% đến trên 50%), trong đó có khoảng 200ha diện tích nuôi tôm công nghiệp, tập trung nhiều ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng trên được ngành chuyên môn tỉnh Cà Mau xác định là do ảnh hưởng từ đợt nạo vét, cải tạo ao đầm tập trung kéo dài từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10. Sự giám sát thiếu chặt chẽ của chính quyền cơ sở cộng với việc người dân thiếu ý thức, lén xả đất bùn, chất thải từ vuông tôm trực tiếp ra sông, rạch… khiến nguồn nước phục vụ NTTS bị ô nhiễm nặng. Khi hộ nuôi tôm lấy phải nguồn nước ô nhiễm đó vào vuông nuôi, tôm bị bệnh rồi chết.

Cùng với đó, phải nói đến ảnh hưởng từ đợt mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày liền khiến triều cường tăng đột ngột, làm nước vuông tôm bị phân tầng, thiếu ô xy khiến tôm nổi đầu chết. Ngoài ra, những cơn mưa kéo dài kèm theo không khí lạnh khiến nhiệt độ môi trường trong vuông nuôi tôm xuống mức thấp (dưới 25 độ C). Đó là cơ hội để virus đốm trắng, gan tụy gây hại tôm nuôi.

Xem thêm
Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.