| Hotline: 0983.970.780

Ba đã để lại cho chúng tôi kho báu quý giá

Chủ Nhật 25/03/2018 , 10:20 (GMT+7)

Tôi là con thứ hai trong gia đình, là đứa con được sống với ba tôi ít nhất, nhưng lại cũng là đứa có nhiều kỷ niệm sâu sắc mà tôi đã mang theo mãi trong tim cho đến tận ngày nay.

Những ngày hạnh phúc

Tối thứ bảy, đó là tối vui nhất của gia đình. Như bình thường, thì cả nhà quây quần quanh mâm cơm cùng ăn và chuyện trò ấm cúng. Nhưng hồi đó có những luật lệ oái oăm là ba tôi phải ăn cơm riêng theo tiêu chuẩn của ông còn cả nhà ăn riêng theo tiêu chuẩn khác.

09-00-27_tuyet-minh-105-tuoi-cu-trinh
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh cùng gia đình mừng thọ cụ Phạm Thị Trinh sang tuổi 105 (2018)

Ba tôi vốn có tính “tuân thủ” nên đành phải làm theo mấy chú bảo vệ và cần vụ là “ăn riêng” để đảm bảo sức khoẻ. Nhưng rồi ba tôi không chịu được, nên đã khôn khéo đề nghị các chú dọn cơm cùng một bàn, để riêng suất ăn của ông một góc ăn cho vui.

Ông thuyết phục các chú bằng cách nói nửa đùa nửa thật: “Lẽ nào vợ con tôi lại không biết lo cho sức khoẻ của tôi mà ăn tranh phần tôi ư?”. Các chú thấy ba tôi có lý, thế là từ đó ba tôi được ăn chung với gia đình một mâm. Đó là những ngày tràn đầy hạnh phúc, nhưng hiếm hoi trong cuộc đời ngắn ngủi của ông.

Tuy ba tôi rất bận, nhưng bao giờ ông cũng rất quan tâm đến các con. Hồi anh tôi học ở Bắc Kinh, còn tôi ở Mát-xcơ-va, hầu như tuần nào ba tôi cũng viết thư cho chúng tôi. Thư ông thường viết rất ngắn, thông tin cho chúng tôi biết tình hình gia đình và dặn dò chúng tôi cố gắng học tập. Cuối thư không bao giờ ông quên “hôn” chúng tôi.

Các bạn tôi thường phải ghen tị với tôi vì tôi nhận được nhiều thư hơn các bạn. Có bạn không có gia đình còn viết thư xin ba tôi nhận làm con nuôi. Tôi viết thư gửi kèm theo cho ba tôi, và ngay sau đó bạn ấy nhận được thư ba tôi trả lời rằng ông đồng ý coi bạn đó là con.

Hè năm 1956, trong số 100 người chúng tôi được cử sang Liên Xô học tiếng Nga có 80 người về nước phục vụ trước, còn 20 người, trong đó có tôi ở lại tiếp tục vào học Đại học Văn khoa. Trong số các bạn về có mấy người bạn thân của tôi là Diễm Quỳnh, Quỳnh Như, Thanh Nhàn, Ngọc Mỹ, Hồng Hải. Chẳng biết bằng cách nào mà ba tôi lại biết họ về và đón các bạn về nhà chơi, lại còn thết đãi món bánh xèo - đặc sản quê tôi - mà ông thích nhất.

09-00-27_tuyet-minh-ngoi-truong-ng
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh và ngài Lavrop, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga

Năm 1996, khi tôi về phép thăm gia đình, tôi có mời mấy chị em bạn thời thơ ấu đến chơi, trong đó có các bạn Quỳnh, Như, Nhàn... và “chiêu đãi” các bạn món bánh xèo “truyền thống”. Không ngờ khi nhìn thấy trên bàn bày bánh xèo, các bạn liên tưởng ngay đến lần đầu tiên được ăn bánh xèo do ba tôi thết đã 40 năm và câu chuyện vô tình chuyển đề tài sang ba tôi. Các bạn ôn lại những kỷ niệm trong những buổi gặp gỡ ngắn ngủi với ba tôi. Tuy biết ba tôi ít, nhưng những ấn tượng về ông rất chính xác và giống nhau.

Tôi không ngờ đã 40 năm trôi qua mà các bạn tôi vẫn dành cho ông những tình cảm sâu sắc và đằm thắm như vậy. Lòng tôi rất xúc động và tôi thầm cám ơn các bạn.
 

Điều còn mãi

Là một nhà quân sự nhưng ông lại rất thích những hoạt động văn hoá, văn nghệ. Sau khi ông mất, tôi có nhiều lần được gặp bác Lê Duẩn, lần nào cũng kể là ba tôi rất thích “hát bội” (tức là hát tuồng). Hồi ở trong tù ông thường múa côn và hát bội nhưng vì ba tôi khổ người không được cao lớn lắm nên thường hay đóng vai nữ.

09-00-27_tuyet-minh-nguyen-chnh
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh tại Lễ tưởng niệm 60 năm ngày mất tướng Nguyễn Chánh (2017)

Mẹ tôi kể là khi ba tôi mất, ông để lại một sổ tiết kiệm, trong đó có 5 đồng - một gia sản quá ít ỏi dành cho 6 đứa con còn bé dại. Nhưng ông đã để lại cho chúng tôi một kho báu vô giá: đó là tấm gương sáng chói về cuộc đời trong sạch của ông, về sự hy sinh vì sự nghiệp chung, về một trái tim rộng mở đầy tình người, về một tấm lòng độ lượng và khoan dung, về một con người rất “người”, xứng đáng được viết hoa.

Tấm gương đó chúng tôi luôn soi vào và tự hỏi: ta đã làm gì để xứng đáng là con của người? Chính câu hỏi đó đã luôn động viên, khích lệ chúng tôi trong quá trình phấn đấu để tự khẳng định mình, để trở nên những con người có ích và cần thiết cho xã hội, để xứng đáng là những đứa con của ông.

PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh (SN 1938) tại Quảng Ngãi, trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha bà là tướng Nguyễn Chánh (1914 - 1957), Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu V, Cục trưởng Cục Cán bộ - Bộ Quốc phòng; mẹ là cụ Phạm Thị Trinh, lão thành cách mạng 88 năm tuổi Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

Bà từng làm Phó Chủ nhiệm Khoa tiếng Nga - Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội suốt 15 năm liên tục. Năm 2017 PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận Huy chương Pushkin từ Tổng thống Nga Putin, tại Điện Kremlin.

 

(Kiến thức gia đình số 12)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất