| Hotline: 0983.970.780

"Bà hoàng" cá chình

Thứ Hai 22/11/2010 , 09:26 (GMT+7)

Chị Võ Thị Thu Nga, chủ một trang trại nuôi cá chình lớn nhất huyện Củ Chi, TPHCM, tuy chỉ tự nhận mình “học lóm”, nhưng thật ra chị giàu lên là nhờ vào mô hình này.

Chị Võ Thị Thu Nga, chủ một trang trại nuôi cá chình lớn nhất huyện Củ Chi, TPHCM, tuy chỉ tự nhận mình “học lóm”, nhưng thật ra chị giàu lên là nhờ vào mô hình này.

Sinh ra ở Cà Mau, mới 14 tuổi, đã một buổi đi làm, một buổi đi học. Xin làm phụ việc trong một gia đình trí thức, nhưng không hiểu sao bà chủ nhà là một bác sĩ lại bắt bà đứng bán ở quầy thuốc kiêm luôn giữ “két bạc”. “Đó là bước đầu tiên cho hành trình kinh doanh sau này. Sau mỗi lần rầy la hay cốc đầu tôi là bà BS ấy khuyên dạy rất chân tình. Nhờ thế, khi bước vào tuổi thiếu nữ, so những cô gái cùng lứa còn mơ mộng thì tôi đã có phần nào chín chắn hơn nhiều” - chị nói.

Sau này, năm 2001 khi trở thành nhà DN, chị ký hợp đồng mua gỗ với một Cty XNK ở Bến Tre. Khi ký kết, họ trưng ra giấy phép chỉ tiêu khai thác gỗ với đầy đủ chữ ký và con dấu của các cơ quan chức năng. Chuyến gỗ đầu tiên không có vấn đề gì, nhưng chuyến thứ hai bị bắt giữ toàn bộ. Lúc đó, chị mới biết chỉ tiêu khai thác đó dành cho lực lượng thanh niên xung phong chứ không phải của công ty đó. Không dính vào vòng lao lý nhưng số tiền trả trước cho hợp đồng này bị mất trắng.

Thất bại lần đó, thấy làm nghề mua bán dịch vụ không phù hợp với bản thân, chị chuyển sang SXNN cho chắc ăn, bỏ tiền mua 12.000m2 đất phèn ở xã Trung An nhưng làm gì trên mảnh đất này cho sinh lợi thì lúc đó chị cũng lúng túng chưa nghĩ tới. May thay, chị gặp một cán bộ nông nghiệp của TP.HCM, ông này đã gợi ý nên nuôi cá chình. Năm đó là 2006. Chẳng bao lâu sau đó chị nổi tiếng là “bà hoàng cá chình".

Nghe chị kể mà mê, 1 con cá chình giống mua có 15.000 đ thì chỉ sau 2 năm, chúng đạt trọng lượng 1 kg bán giá lên tới 450-500 ngàn, trong khi đó 1 kg cá thành phẩm chỉ tiêu tốn có 12-15 kg thức ăn. Nguồn thức ăn lại do gia đình tự tạo, lấy từ phân bò sữa, giun đất... nên chi phí không đáng kể. Sản phẩm làm ra bán “1 vốn 10 lời” mà không có hàng để bán. Ban đầu, chị thả có 30.000 con, cứ 2 năm là thu hoạch 1 đợt, sau đó thả tiếp con giống, đến nay chị thu được 4 đợt, lãi ròng trên 4 tỷ đồng!

Tuy nhiên, không phải ai cũng nuôi được, cũng có nhiều người đến đây tìm hiểu mô hình, sau đó về nuôi bị thất bại. Theo chị Nga, không phải có vốn nhiều là nuôi được cá chình. Cái khó nhất là khâu kiểm soát nước trong ao phải thường xuyên, luôn theo dõi biến động của cá để xử lý kịp thời. Có thời điểm chị mất ăn, mất ngủ vì mỗi lần thời tiết thay đổi là cá chình nổi đầu, sau đó bệnh và chết hàng loạt mà không rõ lý do.

Bỏ gần trăm triệu đồng mua cá giống về thả, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, chúng chết quá nửa, chị nghĩ cá chết có thể do nguồn nước ô nhiễm. Thế là chị tìm sách kỹ thuật, tìm hỏi các chuyên gia thuỷ hải sản về cách nuôi cá chình. Rồi đích thân chị tự làm thí nghiệm bằng cách cho xây ba hồ xi măng, thả cá giống vào nuôi trong môi trường nước, thức ăn khác nhau, từ đó quan sát, ghi chép kỹ lưỡng từng giai đoạn phát triển của cá chình. Sau nhiều lần nghiên cứu, chị phát hiện nguyên nhân cá chết là do thiếu oxy. Vì lẽ đó, mỗi lần thấy cá chình nổi đầu là chị lập tức tạo khí oxy “nhân tạo” bằng cách bơm nước từ trên trời cho rớt xuống mặt nước.

Từ đó, chị rút ra bài học, nguyên tắc bất di bất dịch trong nuôi cá chình là mặt nước phải lạnh, khoảng 10 độ, còn phía dưới cần ấm 30 độ, theo đó chiều sâu của ao tốt nhất từ 1,5-2 mét. Nuôi cá chình mà gặp nước trong ao xử lý không tốt thì nó cũng chết hàng loạt cũng như con tôm sú. Nhất là con cá giống mới thả có tỉ lệ hao hụt rất cao, lên tới 20%.

“Hiện nay, còn quá ít người nuôi cá chình nhất là bà con nông dân, trong khi khả năng tiêu thụ rất lớn, do con giống rất khan hiếm. Nếu Sở NN-PTNT TP.HCM có cách sản xuất con giống cá chình thì tôi tin rằng sẽ góp phần giúp nông dân làm giàu”. (Chị Võ Thị Thu Nga).
Đáng lưu ý, cá chình rất thích bóng tối nhưng sợ ánh sáng mạnh nên ban ngày chui núp, đến đêm mới bơi ra kiếm mồi. Vì vậy, khi nuôi thì bất cứ nơi nào, thời điểm nào mà cho mồi xuống ao thì cá chình đánh hơi bơi vào ăn được ngay. Trong đó, trùn quế vẫn là món khoái khẩu nhất của nó.

Theo chị, nếu có vốn đầu tư nên đào ít nhất 3 cái ao để gối đầu, mỗi ao chừng 500 m2 với mục đích phân loại cá theo đà tăng trưởng. Ao đầu tiên thả giống, khi cá đạt trọng lượng 0,5kg/con là chuyển sang ao thứ 2. Tại đây, khi cá đạt trọng lượng chừng 0,7 kg/con thì chuyển sang ao thứ 3 để nuôi cá thương phẩm.

Sau khi bảo công nhân lặn xuống ao lấy vợt bắt mấy con cá chình lên, chỉ vào từng con có cái đầu hơi tròn, mõm gập xuống, hàm dưới mở ra, chị Nga nói: “Cá giống chỉ có ở ngoài miền Trung, nhiều nhất là vùng Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, nếu 200 con/kg thì 1 con giá 15.000 đ, còn 400 con/kg có giá 10.000 đ/con chứ hiện không nhân giống được, người ta vớt lên từ biển sau đó thuần dưỡng nước lợ rồi bán ra thị trường, đặc điểm cá còn nhỏ có màu xám hoặc vàng, trên thân có những vết lốm đốm màu nâu, còn cá trưởng thành thì có màu nâu nhạt, nếu nuôi đạt có con nặng trên 2 kg, bán gần cả triệu/con, "sướng" tay luôn!”.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.