| Hotline: 0983.970.780

Ba lần vượt ngục bằng trực thăng, diễn ra chỉ trong 5 phút

Thứ Tư 20/09/2017 , 13:05 (GMT+7)

Pascal Payet là cái tên ám ảnh nhiều giám thị trại giam ở Pháp với “thành tích” ba lần vượt ngục bằng trực thăng, hai lần cho chính hắn và một lần giúp đồng bọn.

13-48-57_vuot-nguc1
Một vụ cướp ngục bằng trực thăng ở Canada năm 2013 (Ảnh: CNN)

Vụ vượt ngục đầu tiên bằng trực thăng của Pascal Payet diễn ra hồi năm 2001. Hai năm sau, trong khi đang lẩn trốn cảnh sát, hắn tiếp tục lấy một trực thăng khác quay lại chính nhà tù đã từng bị giam để cứu ba tù nhân khác.
 

Vượt ngục trong 5 phút

Khi giới chức Pháp bắt lại được Payet, họ quyết định giam hắn bằng cách đặc biệt: không cho phạm nhân ở một nhà tù nào quá 6 tháng.

Tuy nhiên, Payet vẫn tìm cách tẩu thoát bằng trực thăng vào năm 2007, khi đang thụ án tại nhà tù Grasse.

Cảnh sát Pháp huy động toàn lực cho cuộc tìm kiếm tên tội phạm giết người. Thông cáo của cảnh sát Pháp khi đó cho biết Payet đã thoát khỏi nhà giam với sự giúp sức của bốn gã bịt mặt đi trên một chiếc trực thăng.

Kế hoạch được dàn dựng “hoàn hảo”, theo nhận định của các cảnh sát dày dặn kinh nghiệm. Toàn bộ quá trình Payet vượt ngục chỉ kéo dài 5 phút.

Maurice Barate, quan chức an ninh nhà tù Grasse, cho biết vụ vượt ngục xảy ra sau khi 4 gã bịt mặt cướp được một chiếc trực thăng ở thành phố Cannes gần đó, bắt phi công làm con tin.

Chúng cho trực thăng hạ cánh xuống nóc nhà tù vào ban đêm, sau đó dùng máy móc hạng nặng để phá hai cánh cửa dẫn xuống khu giam giữ, đập vỡ tường phòng giam để cứu Payet ra. Lúc đó, tên tù nhân này 43 tuổi.

“Toàn bộ quá trình diễn ra chỉ trong 5 phút. Vị trí đỗ của trực thăng khiến lực lượng bảo vệ trại giam không thể bắn vào những kẻ ở trong đó”, Barate biện giải.

Payet bị tòa án tuyên phạt 30 năm tù vì sát hại một cảnh sát khi nhân viên công lực ngăn hắn thực hiện vụ cướp.

Sau khi bắt lại được Payet, cảnh sát Pháp đã giam hắn tại một địa điểm bí mật. Có thông tin phỏng đoán hắn bị giam trong phòng đặc biệt dưới nước, hoặc trong buồng giam gần núi lửa đã tắt. Nguồn tin khác cho rằng Payet bị giam tại nơi máy bay trực thăng không thể tiếp cận, ví dụ như tàu ngầm.
 

Vợ lái trực thăng cứu chồng khỏi nhà tù

Không phải ai cũng như trùm ma túy El Chapo, với hàng triệu, thậm chí có thể lên đến con số tỷ USD để hối lộ quan chức nhà tù, thuê nhân công đào hầm xuyên tới tận buồng giam. Trực thăng, từng là công cụ được sử dụng nhiều trong các vụ vượt ngục.

Trực thăng có thể dễ dàng vào được nhà tù, hạ cánh, để người bên trong ra ngoài, chỉ trong một phút. Giới giám thị trại giam Pháp, cho biết họ cảm thấy khó khăn khi đối đầu những vụ cướp ngục bằng trực thăng. Bắn hạ một vật thể lớn như vậy, có thể dẫn đến cháy nổ, gây thiệt hại, hỗn loạn trong nhà tù. Tình hình có thể trở nên rất khó kiểm soát khi một chiếc trực thăng phát nổ trong nhà tù, gây hỏa hoạn.

Thậm chí, lấy cảm hứng từ các vụ vượt ngục bằng trực thăng, ít nhất đã có 9 vụ như vậy xảy ra ở Pháp, Hy Lạp, Mexico và nhiều nước khác, trang thông tin mở Wikipedia còn có mục hướng dẫn cho hành vi phạm pháp này.

Pascal Payet không phải kẻ đầu tiên vượt ngục bằng trực thăng ở Pháp, hắn là kẻ nhiều lần thành công nhất. Xét về độ nổi tiếng, thậm chí được lấy làm cảm hứng cho nhiều nhà làm phim hành động, là cặp vợ chồng Michel và Nadine Vaujour, từng khiến nước Pháp rúng động hồi năm 1986.

Michel bị giam 10 lần vào tù ra tội, từ khi còn là thanh niên 17 tuổi. Hắn đã 6 lần vượt ngục, một nửa trong số đó thành công. Vì thành tích bất hảo, Michel bị cảnh sát Pháp đưa tới nhà tù Sante, nơi giam giữ hầu hết những tội phạm nguy hiểm nhất. Nhà tù này cũng được coi là có an ninh mức độ cao nhất tại Pháp.

13-48-57_vuot-nguc2
Pascal Payet và chiếc trực thăng giúp y vượt ngục lần 3 (Ảnh: AFP)

Bằng một khẩu súng giả, cùng quả đào được sơn phết cho giống lựu đạn, Michel uy hiếp các giám thị, sau đó chạy lên nóc trại giam. Vợ hắn, Nadine, đang đợi tại đó với chiếc trực thăng. Vài tháng trước, Nadine đã học lái trực thăng, công khai thuê máy bay để lái cho thành thục để chuẩn bị cho vụ cướp ngục.

Tới gần trại giam, Nadine cho trực thăng sà xuống nóc, thả dây để chồng leo lên, rồi cả hai bay tới một sân bóng gần đó.

Ít lâu sau, cảnh sát Pháp bắt Nadine, trong khi Michel cũng bị trúng đạn khi đang cướp ngân hàng nhưng không chết. Hắn từng cố vượt ngục bằng trực thăng lần nữa vào năm 1993, song bị cảnh sát phát hiện, phá vỡ âm mưu. Michel ra tù năm 2003, sau 27 năm đền tội trong tù.
 

Thuê trực thăng cứu bạn gái khỏi trại giam

Cũng trong năm 1986, tại Mỹ xảy ra vụ cướp ngục tương tự Pháp. Ronald McIntosh, 42 tuổi, cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam, dùng trực thăng bay tới sân tập thể dục của Sở Cải huấn Liên bang Pleasanton, thành phố Dublin, Mỹ. Bạn gái của hắn là Samantha Lopez, 37 tuổi, đang chịu án 50 năm tù tại đây do tội cướp có vũ trang. Vốn là phi công trực thăng thời chiến, việc dùng máy bay vào một nhà tù như Pleasanton không gây khó khăn cho McIntosh.

Nhà tù này có hệ thống an ninh lỏng lẻo, do các phạm nhân đều là nữ giới. Cặp đôi đã ung dung ngoài vòng pháp luật 10 ngày sau đó, để lại cảnh sát Dublin trong cơn giận dữ và xấu hổ vì bị báo chí chế nhạo, nghi vấn.

Các tờ báo ở Dublin và nhiều nơi khác của Mỹ nhấn nhá chi tiết “dùng trực thăng cướp ngục giữa ban ngày”, khiến cảnh sát liên bang yêu cầu các nhân viên công quyền toàn lực truy tìm cặp đôi liều lĩnh.

McIntosh sơ hở khi dùng séc để đặt mua cặp nhẫn cưới cho Lopez. Cả hai bị bắt ngay khi đến cửa hàng để lấy nhẫn. Trước khi bị cảnh sát áp giải đi trong các xe riêng biệt, McIntosh vẫn cố hét lên qua cửa sổ hàng trang sức: “Lopez, anh yêu em”.

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.