| Hotline: 0983.970.780

Bà mẹ cùng tuổi Bác Hồ và "Ngũ hổ" Tam Đảo: Ngót 7 thập kỷ gắn bó keo sơn

Thứ Ba 30/12/2014 , 09:05 (GMT+7)

Mẹ Nguyễn Thị Vĩnh là một người phụ nữ mang đầy đủ những nét của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 

Mẹ đã sống qua hai thế kỷ. Tên thật của mẹ là Nguyễn Thị Đào (Vĩnh là gọi theo tên chồng), sinh năm 1890 tại làng Lã Điền thuộc huyện Mỹ Lộc (Nam Định).

Mẹ sinh được 6 người con, 5 trai, 1 gái - cả 6 người đều là chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp; trong đó, 5 người con trai từng được mệnh danh là “ngũ hổ” núi rừng Tam Đảo, lần lượt là Nguyễn Huy Minh (bí danh là Thạch Sơn), Nguyễn Huy Mục (Tam Sơn), Nguyễn Huy Tân (Ngân Sơn), Nguyễn Huy Văn (Kim Sơn), Nguyễn Huy Khoa (Mai Sơn). Trên Báo Nhân Dân số 34 ngày 29/11/1951, xuất hiện một bài viết ngắn của Bác Hồ (bút danh C.B) với nhan đề “Cả nhà kháng chiến”, nguyên văn:

“Con đi đi, đi đi con!

Đánh Tây để giữ nước non Lạc Hồng

Bao giờ kháng chiến thành công

Con về giúp mẹ vun trồng lúa khoai”

Đại khái đó là lời bà cụ Nguyễn Thị Vĩnh dạy các con của bà như thế. Bà cụ Vĩnh quê ở Nam Định. Ngày trước, lên làm ăn ở Tam Đảo. Nay tản cư đến Thái Nguyên. Khi đó cụ 62 tuổi. Bà cụ có 6 người con: 5 trai, 1 gái. Cả 6 người đều ở bộ đội.

Tuy nhà nghèo, bà cụ Vĩnh vẫn hăng hái giúp đỡ cán bộ và bộ đội như con cháu ruột thịt. Bà cụ nói: “Con mình ở bộ đội, đi đến đâu cũng được đồng bào yêu thương giúp đỡ, vậy đối với con cháu đồng bào ở bộ đội, mình cũng phải yêu thương giúp đỡ như con cháu mình”.

Bà cụ Vĩnh chẳng những là mẹ hiền của 6 chiến sĩ con cụ mà còn là mẹ chung của các chiến sĩ Việt Nam. Vì cả nhà kháng chiến, bà cụ Vĩnh và các con cụ thật xứng đáng với Tổ quốc. Và bà cụ thì xứng đáng là gương mẫu cho các bà mẹ Việt Nam.

Chuyện về mẹ Vĩnh và các con chiến sĩ có thể viết thành một pho sách, nhưng trong phần này, chúng tôi chỉ xin kể về mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa mẹ Vĩnh cùng các con cháu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bắt đầu từ tháng 4/1945, đến nay, vừa tròn 69 năm…

Vào hạ tuần tháng 4/1945, hai anh em Tam Sơn và Mai Sơn nhận lệnh từ anh cả Thạch Sơn - Đội trưởng đội du kích Cao Sơn (sau đổi tên là đội du kích Phạm Hồng Thái) đi đón “thượng cấp”. Lúc này cả 5 anh em trai đều tham gia đội du kích này.

“Thượng cấp” chính là Võ Nguyên Giáp và Chu Văn Tấn. Kể từ đó, tình cảm giữa vị Đại tướng đầu tiên của Việt Nam với gia đình cụ Vĩnh bắt đầu nảy nở. Thạch Sơn, sau này trở thành một trong những “cận vệ” thân tín của “Anh Văn” và đã hy sinh anh dũng năm 1952.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, cứ mỗi lần đi công tác qua Tam Đảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều không quên ghé thăm gia đình cụ Vĩnh. Năm 1980, khi vừa tròn 90 tuổi, nhân lúc con cháu tề tựu đông đủ, cụ Vĩnh kể cho cả nhà cùng nghe về cuộc đời mình từ khi theo cha lên làm ăn sinh sống ở Tam Đảo.

Con cháu đã ghi âm lại và cất giữ như một báu vật của dòng họ. Lúc đó, cụ còn khỏe mạnh và minh mẫn, cụ nhớ từng chi tiết trong quãng đời ngót 1 thế kỷ của mình. Trong băng ghi âm, có đoạn nói về một số cán bộ kháng chiến thường qua lại, ăn ở nhà cụ.

“Nhà mình kể cũng lạ, cả trước Tổng khởi nghĩa đến thời kỳ đầu kháng chiến toàn quốc chẳng ai bảo mình là cái trạm liên lạc hay cái nơi tạm trú mà cán bộ đủ loại cấp huyện cấp tỉnh rồi bộ đội là vệ quốc đoàn, văn nghệ sĩ, bác sĩ… một số cán bộ cả vợ cả chồng đều đi công tác phải hành quân di chuyển liên tục để giữ bí mật mà con còn nhỏ quá nên các ông bà mang các cháu lên Tam Đảo thời tiết vừa tốt, giặc Pháp lại chưa đánh tới, gửi u nuôi hộ, nhà có gì các cháu ăn nấy như con các anh Vũ Tuân (nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp), Đào Duy Kỳ (nguyên Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ)…

Còn chị Hà vợ anh Văn năm 48 - 49 cũng lên nhà mình ở Tam Đảo. Khi ấy Tam Đảo đã tiêu thổ kháng chiến, nhà mình xây cũ 2 tầng rộng, chủ Pháp cũ là Combele. U dành một gian cho chị Hà ở, cùng ăn với nhà mình, khi ấy ở Tam Đảo cũng có người làm bánh mỳ không phải mỳ thật mà là bột nếp, bột sắn… pha làm ra bánh rồi nướng ăn như bánh mỳ.

Buổi sáng, Thạch Sơn bảo mua cho chị ấy một cái để đấy lúc nào chị ấy ăn tùy ý chị, khi không có bánh mỳ thì mua xôi, có thứ gì cứ sắp thứ ấy, còn bữa chính thì chị ấy cùng ăn với nhà mình.

U bảo cái Thông (vợ Tam Sơn) nó cứ xếp riêng cho chị ấy ăn nhưng rồi chị không nghe đòi ăn chung với cả nhà. 10 năm sau - 1958, ông Võ Nguyên Giáp và chị Hà lên nghỉ mát Tam Đảo lại hỏi tìm đến u lúc u đang ở vườn su su, ông bà ấy mời u lên chơi tại nhà nghỉ, chuyện trò với cụ thân sinh ra ông Giáp.

Lúc ấy, cụ kể đã 80 tuổi, sinh được hai người con trai, ông Giáp với ông (nghĩ một lát), ông Nho và một cô con gái… Lần khác, u đang ăn cơm thì có người hỏi “Bà mẹ đồng chí Thạch Sơn có nhà không?”, u vẫn cứ ngồi ăn và trả lời có, ai đấy cứ vào rồi u đứng lên nom xem ai thì thấy ông Giáp cùng đi 4 - 5 người nữa. U bỏ bát đũa, đứng lên rót nước mời. Cái chén cái khay nước trông nhom nhem, u cứ ngần ngại nhưng ông ấy cũng uống…

Năm 1986, ông bà có việc gì lên làm việc ở tỉnh Vĩnh Phúc, ông bà lại đến thăm u và chụp ảnh cùng, mọi người thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xúm lại đón chào, ai cũng vui mừng được đến gần, nhìn rõ Đại tướng, cánh thanh niên còn muốn ông ấy ở lâu lại để nhiều người tỏ lòng kính trọng, khi xe nổ máy rồi mà đám thanh niên còn đứng sau xe kéo xe lại…”.

Mẹ Vĩnh trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7/10/1998 - thọ 109 tuổi. Sau khi mẹ qua đời, các con, cháu, chắt vẫn giữ mỗi quan hệ mật thiết với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngay sau khi Đại tướng đi vào cõi vĩnh hằng, con gái của Đại tướng đã điện thoại ngay cho cô giáo Thủy (con gái của Tam Sơn). Sau giây phút bàng hoàng, cô giáo Thủy ngồi vào bàn, vừa khóc vừa viết lại những kỷ niệm không bao giờ quên với bác Giáp, cô Hà… Bài báo được đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Các con cháu của mẹ Vĩnh cùng đọc mà không ai cầm được nước mắt - những giọt lệ kính phục và tiếc thương!

Năm 1990, nhân dịp 100 năm ngày sinh cụ Vĩnh, vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại lên Vĩnh Yên chúc thọ và Đại tướng đã ghi lại dòng chữ: “Tôi và cả gia đình xin gửi những tình cảm thân thiết nhất đến cụ nhân ngày lễ thượng thọ 100 tuổi. Xin chúc cụ khỏe mạnh, sống lâu hơn nữa để cùng vui với con cháu, với bạn bè, đồng chí mà cụ đã hết lòng thương yêu, đùm bọc”.

Rồi cho đến dịp cụ Vĩnh 105 tuổi (1995), người ta lại thấy vợ chồng Đại tướng quây quần bên “Bà mẹ chiến sĩ”.

Ngoài 6 người con là chiến sĩ, mẹ Vĩnh còn có người em ruột là Nguyễn Huy Chồi tức Thanh Sơn (cũng là một “con hổ” Tam Đảo, đã hy sinh anh dũng trong kháng chiến chống Pháp) và một người con nuôi mà mẹ thương như con đẻ là đại tá Hà Duy Trọng.

Người con nuôi này đã từng bị lạc ở rừng Tam Đảo, bị thương hàn, ốm liệt giường 10 ngày không ăn uống được gì, đã được mẹ chăm sóc tận tình và cứu thoát khỏi cơn thập tử nhất sinh. Mấy năm sau, vì không có địa chỉ của mẹ Vĩnh, Hà Duy Trọng đã viết một bức thư gửi tới chiến khu Việt Bắc với nội dung xin được mẹ Vĩnh và gia đình nhận làm con nuôi.

Thư đi rồi ít hy vọng có hồi âm vì gửi theo địa chỉ may rủi. Chẳng ngờ, ít lâu sau, Tam Sơn đã gửi thư báo gia đình đã đồng ý nhận Trọng làm con nuôi và mẹ gửi lời thăm con, động viên con cố gắng tiếp tục làm tốt nhiệm vụ. Khi Trọng bị thương, chẳng quản tuổi già, đường xa, mẹ Vĩnh tới tận nơi thăm Trọng, rồi động viên an ủi, khiến Trọng cảm động ứa nước mắt.

Trong số các cháu của mẹ Vĩnh, còn phải kể đến Đại tá Nguyễn Hữu Thịnh và Thiếu tướng phi công Trần Việt. Đại tá Thịnh là một điển hình cho lớp sĩ quan hiện đại nhưng lại luôn gắn kết với truyền thống; nhiệt tình, năng động, suy mê làm việc thiện cho mọi người xung quanh.

Ông đã bỏ ra không biết bao công sức góp phần hoàn thành Đề án phát triển vùng căn cứ cách mạng Thái Nguyên đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt. Còn Thiếu tướng Trần Việt - người phi công hạ chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ trên bầu trời Hà Nội vào ban ngày trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không - vừa mới được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lục lượng vũ trang…

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tiếp nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

CẦN THƠ Những sà lan chở cát từ mỏ Bình Phước Xuân (An Giang) đã về đến Cần Thơ phục vụ thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.