| Hotline: 0983.970.780

Bà mẹ cùng tuổi Bác Hồ và "Ngũ hổ" Tam Đảo: Trận chiến oanh liệt

Thứ Tư 31/12/2014 , 08:15 (GMT+7)

Ngay trong lần gặp đầu tiên, “Ngũ hổ” cùng người cậu ruột là Thanh Sơn (em ruột mẹ Nguyễn Thị Vĩnh) đã lập công ra mắt “thượng cấp”./ Ngót 7 thập kỷ gắn bó keo sơn

Trước đó, hai anh em Tam Sơn và Mai Sơn được lệnh của anh cả Thạch Sơn - Đội trưởng Đội du kích Cao Sơn - phân công đi đón “thượng cấp”.

Sáng sớm ngày 21/4/1945, hai anh em cùng ông Phó Tề, người dân tộc Dao, đem theo một khẩu súng săn một nòng chỉ có bốn viên đạn.

Ba người nấp kín trong bìa rừng chờ trong nhiều giờ đồng hồ thì 3 vị “thượng cấp” xuất hiện, hai người mặc quần áo nâu còn một người mặc áo dài vải thâm, quần xắn móng lợn đầu đội mũ phớt cũ, chân đi giày vải kiểu dân tộc.

Sau này, mọi người mới biết vị đội mũ phớt chính là Võ Nguyên Giáp, còn hai người mặc áo nâu là Chu Văn Tấn - con “Hùm xám Bắc Sơn” và anh Lý - người cận vệ được Bác Hồ đặt tên là Kháng.

Cũng trong buổi sáng hôm đó, Đội trưởng Thạch Sơn đã giao nhiệm vụ cho Thanh Sơn cùng một số đội viên khác, phải đi bắt bằng được tên Tổng đoàn Hốc.

Đó là một tên tay sai theo Nhật, khét tiếng gian ác, hắn đã từng bắt, giết nhiều người dân vô tội, ép dân đang đói phải nộp thóc liên đoàn vào kho cho quân Nhật; nhân dân quanh vùng rất căm phẫn, nhưng cũng rất sợ hãi khi tên Hốc cầm đuốc đốt cháy cả làng La Phát, người dân ai cũng mong chờ Việt Minh xử tội tên Việt gian tàn ác này.

Nhận lệnh xong, Thanh Sơn lên đường cùng mấy đội viên cải trang thành lính dõng và lùng sục khắp ngõ ngách làng La Phát, cuối cùng đã phát hiện và bắt sống được tên Tổng Hốc.

Khi đoàn “thượng cấp” vừa cơm nước xong thì Thanh Sơn dẫn tên Tổng Hốc về. Ngay trong đêm đó, sau khi đã vạch trần những tội ác phản quốc, hại dân, Đội du kích Cao Sơn đã quyết định tử hình tên Tổng Hốc và ngày hôm sau loan tin đi khắp nơi, khiến đồng bào quanh vùng hả lòng hả dạ…

Trong buổi tối hôm đó, “thượng cấp” đã quán triệt cho anh em trong Đội Cao Sơn rằng, chỉ trong vòng 1 tháng nữa, các lực lượng vũ trang của Đảng sẽ được tổ chức lại thành một lực lượng thống nhất lấy tên là “Việt Nam Giải phóng quân”, chuẩn bị tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền.

Về nhiệm vụ cụ thể, Đội du kích Cao Sơn nhận lệnh chuẩn bị lực lượng để tiêu diệt đồn binh Nhật ở Tam Đảo nhằm đảm bảo an toàn hành lang giao thông đưa đón các đại biểu lên họp ở Tân Trào.

Gần một tháng sau, Đội du kích Cao Sơn làm lễ đổi tên thành Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái dưới sự chỉ huy của Thạch Sơn.

Để tiêu diệt đồn binh Nhật trên Tam Đảo là điều cực kỳ khó khăn, bởi lực lượng của Trung đội Phạm Hồng Thái chỉ gồm 44 chiến sĩ, lại được cử đi làm nhiệm vụ khác, chỉ còn lại 12 người (trong đó có 4 anh em ruột Thạch Sơn), vũ khí chỉ có 1 khẩu tiểu liên Sten, 5 súng trường, 2 súng săn, một số quả thủ pháo tự tạo và kíp mìn, thuốc nổ.

Trong khi đó, đồn binh của Nhật rất kiên cố, vững chắc, số lượng binh lính Nhật đông gấp 4 lần cộng thêm hàng trăm bảo an binh với đầy đủ vũ khí hiện đại nhất thời đó.

Nhằm làm suy yếu lực lượng địch, đêm 15/7/1945, Thạch Sơn phân công cho em trai là Kim Sơn cùng với cơ sở của ta trong hàng ngũ địch là anh Bồng, thuyết phục các anh em bảo an binh người Việt rời đồn, quay súng tiêu diệt bọn Nhật.

Rất nhiều bảo an binh đã theo lời kêu gọi của Giải phóng quân về với ta, Thạch Sơn chọn được 40 người cùng với 12 chiến sĩ của ta bí mật trong đêm thắt chặt vòng vây, cắt đường điện thoại, phá cầu, cho tới sáng sớm 16/7/1945 thì tiến vào trung tâm Tam Đảo.

Người dân phát hiện Giải phóng quân thì vô cùng phấn khởi; riêng những người Pháp (một số là kiều dân, một số là tù binh của Nhật) thì lo âu, thấp thỏm, không biết Việt Minh có thắng nổi Nhật và số phận của họ sẽ ra sao, liệu có bị Việt Minh trả thù…

Khoảng 6 giờ sáng, quân ta bắt đầu tấn công, áp sát đồn địch, nhưng hỏa lực của quân Nhật từ trong bắn ra rất dữ dội, các tường thành lại xây bằng cốt thép xi măng nên ta không thể dùng vũ khí thô sơ phá hủy được.

Thạch Sơn hạ lệnh chỉ bắn cầm chừng, chờ trời tối, dùng thủ pháo, đồng thời dùng súng trường phá các cửa sổ. Cùng lúc, quân ta đột kích đánh giáp lá cà…

Nhận được lệnh, mọi người hồi hộp chờ đợi. Chạng vạng tối, tín hiệu đã phát, một loạt thủ pháo vang lên, mái đồn bị sập, súng trường của ta tập trung bắn cấp tập vào các cửa sổ, tiếng hô xung phong vang dội, nhân dân thấy vậy cũng đồng loạt hò reo khiến cho quân Nhật thất điên, bát đảo.

Thừa cơ, các chiến sĩ ta trèo tường, leo vào đồn địch. Quân Nhật không kịp trở tay, phần bị tiêu diệt, phần bỏ trốn, song không thoát, vì ngoài lực lượng Giải phóng quân truy bắt, đồng bào cũng nô nức tham gia nên toàn bộ quân Nhật tại đồn Tam Đảo đã bị tiêu diệt và bắt sống.

Riêng Thạch Sơn trong lúc truy bắt, phát hiện ra một tên Nhật trốn trong lùm cây ở vườn hoa, định bắt sống nhưng tên đó đã ném lựu đạn khiến Thạch Sơn bị thương nhẹ, song Thạch Sơn cũng kịp nổ súng kết liễu tên giặc ngoan cố!

Trận đánh kết thúc, quân ta giành thắng lợi hoàn toàn mà chỉ bị thương 2 chiến sĩ!

Các nhà nghiên cứu lịch sử quân đội ta đều thống nhất đánh giá, ngoài hai trận đầu tiên là Phai Khắt - Nà Ngần, trận chiến thắng đồn binh Nhật tại Tam Đảo có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt, nó diễn ra chỉ 1 tháng trước ngày Tổng khởi nghĩa.

Ngay sau chiến thắng Tam Đảo, Đài phát thanh Côn Minh (Trung Quốc) đã đưa tin. Ký giả Bernard Fall (Mỹ) đã ngợi ca: “Trận đánh duy nhất có tầm quan trọng ở Đông Dương mà người ta biết đến là trận đánh diễn ra ở nơi nghỉ mát Tam Đảo…”.

Còn Philippe Devillers thì cho rằng đó là “trận đột kích ngoạn mục”, có lẽ một phần bởi trận thắng này đã giải cứu được hơn 100 kiều dân Pháp bị Nhật bắt giữ làm tù binh, trong số này, có 20 người tình nguyện theo quân ta về Khu giải phóng. 19 ngày sau, 5/8/1945, số báo đầu tiên Quân Giải phóng ra đời, trên trang nhất đã đăng bài:

“Tinh thần anh em binh lính Tam Đảo muôn năm! Tam Đảo! Hai chữ Tam Đảo sẽ lưu truyền đời đời trong lịch sử cách mạng giải phóng của ta.

Năm 1995, “tứ hổ” - những người em trai của Thạch Sơn đã lên bản Mo tìm được hài cốt của Thạch Sơn. Lúc này, mẹ Vĩnh đã tròn 105 tuổi nhưng mẹ vẫn đòi lên Tam Đảo cùng con cháu, an táng hài cốt của đứa con trai cả bên cạnh mộ người em trai ruột Thanh Sơn trong nghĩa trang Tam Đảo giữa núi rừng trùng điệp.

Tại Tam Đảo, anh em đội, cai, binh lính đã theo lời kêu gọi của Việt Minh, quay súng lại tiêu diệt giặc Nhật! Anh em binh lính nổi dậy diệt trừ giặc Nhật lần này là lần đầu tiên.

Một điều đáng ghi nhận nữa là trên ngọn núi Tam Đảo, binh lính và Giải phóng quân phối hợp cùng nhau chiến đấu mãnh liệt để đưa đến kết quả tiêu diệt toàn bộ quân giặc và thu được toàn bộ khí giới của chúng. Tinh thần Tam Đảo muôn năm!”.

Sau chiến thắng, Thạch Sơn vinh dự được cử lên Tân Trào báo cáo với đồng chí Văn và giao lại toàn bộ vũ khí thu được của quân Nhật trong đó có khẩu trung liên kiểu Chiêu Hòa và một số chiếc điện thoại.

Khẩu trung liên đó được trưng bày tại Quốc dân Đại hội; còn mấy chiếc điện thoại đó, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp xác nhận, là những chiếc điện thoại đầu tiên của Quân đội ta!

Một thời gian sau, Thạch Sơn cũng được đề bạt làm Chính trị viên Tiểu đoàn 9 tại An toàn khu Việt Bắc, bảo vệ cơ quan Bộ Tổng tư lệnh cho đến 1951 thì về công tác tại Tổng cục Chính trị.

Năm 1952, Thạch Sơn được cử vào đoàn cán bộ 6 người đi kiểm tra việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ. Khi đến Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Thạch Sơn đã phát hiện thấy có 5 liệt sĩ đã hy sinh chưa được chôn cất. Thạch Sơn yêu cầu ngay lập tức phải khâm liệm rồi đích thân cầm đuốc soi đường đi an táng.

Mọi người tìm được vị trí bằng phẳng, cao ráo để đào huyệt. Không ai ngờ, nơi đó là bãi mìn do địch cài đặt, hàng loạt mìn nổ, cả 6 chiến sĩ trong đoàn hy sinh tại chỗ. Hôm ấy, ngày 18/10/1952, họ được bộ đội chôn cất thành 11 ngôi mộ. (Hết)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.