| Hotline: 0983.970.780

Ba người trên một chuyến xe

Thứ Bảy 06/01/2018 , 08:05 (GMT+7)

Thói quen mang báo và sách đi đường, theo tôi, đó là một thói quen đẹp, nói đúng, là thói quen sang.

Thời bao cấp ai cũng nghèo mà nhiều người người sang, xét theo quan điểm hơi bị cực đoan của tôi. Thời ấy nhìn quanh dễ bắt gặp người ta chăm chú với sách trong công viên, trong hệ thống thư viện nhiều cấp, trong lớp học, bên bờ ao, trên lưng trâu… Bình quân một đầu sách in ra ít nhất cũng chục ngàn cuốn.

Sự đọc bị đứt gãy không nhớ từ khi nào, chỉ biết là nó gãy. Như gãy một cây cầu nối quá khứ với tương lai. Sách nghiêm túc chỉ dám in mỗi lần một ngàn hoặc hai ngàn cuốn. Hình ảnh ngày càng quen thuộc không mô tả hẳn ai cũng biết. Cả gia đình đi quán, ai cũng cắm mắt vào bàn tay, thức ăn mang ra có người giật mình mới xúm vào, rồi lại đâu vào đó như cũ. Nhóm bạn hẹn nhau đi quán, cũng tình trạng vậy luôn. Thậm chí một đôi yêu nhau đã lâu lâu (mới yêu có khác chút), thì cũng mỗi người một thế giới trên bàn tay. Mà trong bàn tay ấy là gì, chắc chắn là một chiếc smartphone tiện ích ngất trời!

Hành khách đi chuyến xe Sài Gòn - Cần Thơ mà tôi đang nhắc khi đó chưa “phổ cập” phây-búc như bây giờ. Nghĩa là không phải đa số đều có smartphone. Tôi cũng chỉ có “cục gạch” trong túi xách. Bên cạnh tôi, ghế số bốn, một gã choai thời thượng và tóc tai sống áo, cả những cái móng tay dài cũng rất ư thời thượng. Loại siêng ăn nhát làm và chết sống gì cũng phải có iPhone trước thiên hạ. Ghế số hai cách tôi cái lối đi, một người đàn ông đứng tuổi, sơ-vin, giầy da hẳn hoi, đoán là cán bộ quèn hay công chức quèn. Không thấy anh ta có hành lý gì, chắc sẽ xuống dọc đường, Cai Lậy hay Vĩnh Long không biết chừng.

Trước khi lăn bánh, nhà xe cứ nhắc hành khách không mang thức ăn lên, xe máy lạnh khép kín giữ mùi, kiêng nhứt sầu riêng, mít, bắp luộc nghen các bà các cô ơi. Nhưng xe mới chạy một đỗi đã nghe phía sau tôi những chiếc túi nilon lạt xạt, mùi bánh mì thịt và tiếng nhai mía lách nhách. Phụ nữ bắt đầu tám, đàn ông ho, lát sau đã có tiếng ngáy. Tôi đứng lên quan sát một lượt, không ai đọc thứ gì cả! Nếp sống làm nên dân trí, nếp của người Việt ngàn đời lúa nước là hay lam hay làm. Trí thức mới có thói quen tiếp cận sách báo và con cái họ tiếp thu thói quen ấy như một thứ gu tao nhã. Trong nhà họ có nhiều đèn đọc ở góc salon, ở phòng ngủ, ở bàn buya-rô… Con số ấy không biết được 10 phần trăm không nữa.

Tôi là một trong số năm mươi hành khách của chuyến xe hôm đó. 1/50 là bao nhiêu phần trăm, thôi, tính kỹ ra thấy oải quá. Tôi lẳng lặng trở lại việc của mình. Tờ báo ngày tôi mang theo, mênh mông thời gian như vầy, tôi đọc bằng hết (trừ quảng cáo). Gã choai thời thượng ngồi bên dĩ nhiên không bao giờ rời mắt khỏi màn hình iPhone nhưng cũng không ngớt rung đùi.

Thú thật tôi căm thù cánh đàn ông con trai xứ mình ở cái tật này. Tôi đã đi nhiều nước, tiếp cũng khá nhiều khách ngoại quốc ở nhà riêng, tôi chưa thấy ai rung đùi như cánh mày râu của nước mình. Khi ta rung đùi, ta đang nghĩ, đang hướng nội và đang đắc ý điều gì đó. Nhưng đàn bà cũng nghĩ, cũng tâm đắc điều mình nghĩ, sao đàn bà không rung đùi?

Thì ra rung đùi liên quan đến nhậu nhẹt, bia rượu, chém gió. Thì ra thế hệ tổ tiên ta có Khổng giáo nên không rung đùi, một số người sau đó có Tây học nên không hay rung đùi, giờ mấy thế hệ gần đây không có gì cả nên mới hay rung đùi! Nghĩ tới đó tôi chạnh thương cho họ và tạm bỏ quên cái đứa ngồi cạnh đang khiến cho cái ghế của tôi cũng rung theo.

Lật báo trên xe đò cũng gây ra một chút tiếng lạch xạch. Người đàn ông bên kia chú ý và tò mò. Vì sao? Không phải vì tiếng động không đáng kể mà tôi, từ cung cách tới thói quen đọc này là duy nhất, có thể là chưa từng thấy trong mối bận tâm của anh ta. Đến khi tôi cất báo và lôi quyển sách ra thì anh ta công khai ngoảnh nhìn.

Vì sao? Chừng như giữa chúng tôi diễn ra một cuộc đấu trí ngầm: “tại sao đóng bộ và giày da như thế mà không ưa người đọc sách?”, “ừ, bà là cái thá gì, bà làm cái nghề gì mà dám ra vẻ ta đây biết đọc sách, hả?”. Tôi biết thừa, tôi cứ cắm cúi đọc và gã vẫn cứ hay xét nét rồi dần ngồi né nghiêng với tôi mặc dù như đã mô tả, giữa anh ta và tôi là cái lối đi. Chuyện gã trai rung đùi bỗng thành chuyện nhỏ giữa “mâu thuẫn” chưa thốt ra lời của tôi và gã đi giày.

Vì sao nên nỗi? Cái nghề của tôi, công việc viết lách của tôi đã biến tôi thành ốc đảo trong chính gia tộc mình. Người thân biết và luôn giữ với tôi khoảng cách “kính nhi viễn chi”, để tôi có tác phẩm và rồi mọi người cũng được vui lây. Ở đây, lần đầu tiên tôi phát giác một người chống lại sách. Nếu tôi làm như mọi người phụ nữ bình thường, nhai mía ghim và cười ha hả với chương trình hài trên màn hình ti-vi ở đầu xe, chắc tôi dễ có cảm tình hơn. Không, không đơn giản như vậy. Nhất định anh ta không phải thường dân có của, nhất định anh ta là quan quèn nên đã âm thầm gồng lên để chứng tỏ, vì gồng lên hống hách quen rồi!

Xe qua cầu Mỹ Thuận, sắp vào địa phận thị xã Vĩnh Long (hồi ấy chưa có đường tránh). Anh ta báo cho tài xế chỗ xuống dọc đường. Tôi ngẩng lên định nghiêm going: Cậu em làm việc ở cơ quan nào? nhưng thôi, hoặc là tôi sẽ nhận được câu trả lời gây sự, hoặc là… Xe tấp vô lề, bên trong khuôn viên và cánh cổng đồ sộ là một cơ quan quyền lực cấp tỉnh! Thì ra, đây là công chức nhỏ của cơ quan lớn (nên mới phải đi xe đò) và vì vậy, thói hư cũng lớn!

Tôi buồn rất lâu, nhớ mãi hình ảnh chuyến xe hôm nào. Như một cú sốc.

(Kiến thức gia đình số 1)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất