| Hotline: 0983.970.780

“Ba nhà” cùng góp mặt

Thứ Tư 23/03/2011 , 09:41 (GMT+7)

Muốn tổ chức triển khai thành công BHNN, cần có sự góp mặt của “”ba nhà", đó là Nhà nước, nhà DN và nhà nông, đối tượng được bảo hiểm.

Ông Phùng Đắc Lộc, TTK Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho hay, ông đã từng nghiên cứu rất kỹ mô hình BHNN của Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới nhưng có nền nông nghiệp tương tự so với nước ta. Ông Lộc rút ra một điều là, muốn tổ chức triển khai thành công BHNN, cần có sự góp mặt của “”ba nhà", đó là Nhà nước, nhà DN và nhà nông, đối tượng được bảo hiểm.

>> Triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo hướng nào?

Theo ông TTK Hiệp hội Bảo hiểm, tại tỉnh Vân Nam, một trong những tỉnh xa trung tâm của Trung Quốc, trước đây, sản lượng thịt lợn chiếm 80% nguồn cung thực phẩm ở tỉnh này. Nhưng trong quá trình chăn nuôi, do tập quán và cách quản lý không đúng kỹ thuật nên đàn lợn thường xảy ra dịch bệnh, dẫn tới thiệt hại nặng nề. Nhận thức được tầm quan trọng của BHNN, năm ngoái, chính quyền tỉnh này đã đầu tư hơn 300 triệu NDT để bảo hiểm chăn nuôi lợn. Hình thức bảo hiểm này được đông đảo nông dân tham gia bởi tính sáng tạo và hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ BHNN.

Ngay khi bắt đầu triển khai, chính quyền đã chỉ đạo ngành thú y thực hiện các biện pháp bảo đảm dịch bệnh cho đàn lợn. Một biện pháp hiệu quả mà họ đưa ra là thu BHNN không trực tiếp từ người nuôi lợn mà thu mỗi con lợn 10 NDT từ các DN chế biến thịt. Công ty bảo hiểm thanh toán với các DN này căn cứ theo số lượng lợn và mức phí đã được chính quyền quy định. Hộ nuôi lợn không phải đóng phí mà vẫn được chi trả bảo hiểm nếu gặp phải sự cố. Tuy nhiên, không vì “miễn phí” BHNN mà các hộ chăn nuôi không tích cực, bởi lẽ chính quyền quy định nếu dịch bệnh xảy ra, nếu nguyên nhân được xác định là chủ quan thì các hộ phải chịu phạt, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các DN chế biến do cạnh tranh lành mạnh nên cũng chấp nhận việc đóng phí bảo hiểm. Hình thức này được nhân rộng tại 16 huyện, thị của tỉnh Vân Nam. Theo ước tính, số tiền bảo hiểm đã chi trả đền bù cho nông dân nơi đây gần 75 triệu nhân dân tệ.

“Chính biện pháp BHNN hiệu quả này đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phục hồi và tăng trưởng mạnh theo từng năm. Theo tôi, quan trọng nhất là chính quyền phải kiên quyết triển khai thực hiện, cộng với sự hưởng ứng nhiệt tình của các DN”, ông Lộc cho biết.

Trao đổi với PV NNVN, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cũng cho hay, không chỉ riêng Trung Quốc thành công với mô hình BHNN, ngay đối với Mỹ, quốc gia có tỷ lệ nông dân cực thấp nhưng nền nông nghiệp vẫn xếp hạng nhất nhì thế giới, mức hỗ trợ của chính quyền với sản xuất nông nghiệp lên tới 50%. Lãnh đạo nước này không áp đặt thuế NK sản phẩm nông nghiệp quá cao, chủ yếu hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, phương tiện canh tác, phí bảo hiểm và thường xuyên đầu tư rất lớn cho công tác nghiên cứu giống mới. “Chính nhờ sự hỗ trợ đó, họ bảo vệ nông dân tốt hơn bởi chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, một trong những rào cản khó khắc phục nhất đối với các quốc gia mà sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ như nước ta”, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng nhận xét.

Phải để BHNN tương tự các loại hình bảo hiểm khác

Theo ông Lộc, việc triển khai BHNN thành công của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc với điều kiện phát triển nông nghiệp tương đương với Việt Nam, hoặc Mỹ với tỷ lệ nông nghiệp rất nhỏ, là minh chứng sinh động khẳng định việc triển khai BHNN ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn và có thể thực hiện được. Tuy nhiên, đó là lý thuyết, còn trên thực tế, việc phát triển loại hình BHNN ở nước ta đến nay vẫn chưa tìm được lối ra vì nhiều nguyên nhân, các bên liên quan luôn đổ lỗi cho nhau. Nhưng có một điều hiển nhiên là các dịch vụ trong BHNN chưa đa dạng, nhiều áp đặt và thường gây khó khăn cho người muốn tham gia. Đặc biệt, hộ nuôi trồng nhỏ, hoặc bảo hiểm gia súc, gia cầm là những loại hình thường dễ bị từ chối dịch vụ nhất. Bởi đơn giản, tính rủi ro quá cao.

Năm 2007, BHNN của Trung Quốc đã đạt được những bước đột phá mang tính lịch sử. Số địa phương tham gia loại hình bảo hiểm này ngày càng gia tăng. Cty Bảo hiểm China Life cho biết, số liệu thống kê khẳng định doanh thu từ BHNN trong năm 2010 tăng 16,2% so với năm 2009, đạt mức gần 1 tỷ NDT (tương đương 180 triệu USD). Hiện China Life vẫn đang nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động bảo hiểm nông thôn nói chung và tăng cường hệ thống dự phòng để phục vụ kinh doanh BHNN.

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho hay, tại một số nước trên thế giới, việc cạnh tranh giữa các DN tham gia thị trường BHNN khốc liệt không kém gì các lĩnh vực bảo hiểm khác như nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm vật chất… Chỉ khác một điều, BHNN nhận được nhiều hỗ trợ từ Nhà nước hơn. Ví dụ như ở Mỹ, nơi nông nghiệp trang trại rất phát triển, BHNN thường được nông dân chú trọng. Cho dù nơi đây nền kinh tế chủ yếu được xây dựng trên nền tảng công nghiệp và dịch vụ, song các nhà lãnh đạo vẫn đánh giá cao vai trò của nông nghiệp. Họ tìm mọi cách bảo hộ hợp pháp nền nông nghiệp của nước mình để tạo sự ổn định cho nông dân, đồng thời giúp nông dân bản địa cạnh tranh được với các sản phẩm nông nghiệp NK. Trên mặt bằng châu Á và các quốc gia lân cận Việt Nam như Philippin, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc..., hình thức BHNN cũng rất đa dạng và được hỗ trợ đầu tư khá công phu.

Từ thực tiễn các quốc gia cho thấy, sự hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực BHNN là đặc biệt cần thiết. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này phải trên cơ sở khung pháp lý vững chắc, không nhất thiết phải hỗ trợ bằng tiền. Đặc biệt là phải có cách thức để tăng tính chủ động cho nông dân.  “Trên hết, cần làm cho nông dân hiểu rằng, họ là chủ thể của BHNN, nên phải có trách nhiệm tham gia, và nếu xảy ra dịch bệnh, thiên tai, thì đối tượng chịu thiệt đầu tiên vẫn là nông dân. Việc tham gia BHNN chỉ góp phần giảm thiểu những thiệt hại không đáng có”, ông Hùng nói.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất