| Hotline: 0983.970.780

Bà nội ăn xin từng bữa nuôi 3 cháu thơ và con trai bạo bệnh

Thứ Sáu 17/04/2015 , 06:20 (GMT+7)

Từ xa những tiếng khóc thét của con trẻ văng vẳng bật ra từ ngôi nhà nhỏ và tiếng ru vội vàng, ầu ơ của người bố trẻ nghe não nề.

Nhiều năm nay, mọi người dân thôn Đồng Lạc, xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đều cám cảnh và xót thương mỗi khi nhắc đến gia đình cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Thị Xuân, phải đi ăn xin từng bữa để nuôi 3 đứa cháu và người con trai bạo bệnh, trong khi người con dâu chết trẻ vì bệnh ung thư.

Đến thăm gia đình bà Xuân vào buổi trưa giữa cái nắng oi bức của những ngày đầu hè tháng 4. Căn nhà nhỏ thó cấp bốn xiêu vẹo nằm giữa xóm nghèo sâu hun hút với một bên là ao nước và không có gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo rách, đống xoong nồi vứt chỏng trơ.

Từ xa những tiếng khóc thét của con trẻ đã văng vẳng bật ra từ ngôi nhà nhỏ đó và tiếng ru vội vàng, ầu ơ của người bố trẻ nghe não nề. Thấy cháu khóc, bà Xuân lúi húi đang mò ốc dưới ao vội chạy vào nhà dỗ dành cháu...

Năm 1971, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà Xuân hăng hái lên đường tham gia TNXP, bà được biên chế vào đơn vị B67 làm đường giao thông tuyến đường 9 Nam Lào đóng tại khu 4 thuộc hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Năm 1974 bà được nghỉ phục viên. Vì ở quê không còn người thân thích và không có ruộng đất, bà đành ngược lên Hà Giang làm thuê. Biết thân phận hẩm hiu và bản thân mang đầy bệnh tật do chiến tranh, năm 1982 và 1984 bà đi “xin” được hai người con 1 trai, 1 gái là chị Nguyễn Thị Nga và anh Nguyễn Văn Đoàn.

Tưởng chừng cuộc sống nghèo khó sẽ mỉm cười với 3 mẹ con nghèo bệnh tật. Nhưng hai người con của bà không được khôn ngoan, lúc nào cũng như người mất hồn, ngây dại. Cách đây 3 năm chị Nga bỏ nhà đi mất tích.

Thương cảm với số phận hẩm hiu, bệnh tật, năm 2005, anh Đoàn và chị Nguyễn Thị Hương xây dựng vợ chồng. Và rồi lần lượt các con của hai vợ chồng anh chị chào đời: Nguyễn Thị Phương Yến Nhi (2006), Nguyễn Đại Anh (2008) và Nguyễn Hải Anh (2014).

Lúc bé Hải Anh được 5 tháng tuổi cũng là lúc chị Hương được chẩn đoán bị bệnh ung thư di căn giai đoạn cuối. Chị Hương đã mất vào tháng 9 năm 2014 để lại cho anh 3 người con thơ. Cùng thời điểm này anh Đoàn bị tai nạn lao động ở vùng đầu, nên mỗi khi thời tiết thay đổi, anh lại ngây dại và thơ thẩn.

Thương con, thương cháu, bà Xuân đành bỏ mảnh đất Hà Giang trở về quê hương. Hai mẹ con bà Xuân và 3 đứa cháu nhỏ không nghề nghiệp, không đất canh tác. Cuộc sống của 5 con người ấy phải dựa vào sự cưu mang, đùm bọc của dân làng Đồng Lạc.

Không nghề nghiệp, không nhà cửa và bản thân mang bệnh tật, hàng ngày bà Xuân đi các vùng trong huyện, thậm chí lên cổng Bệnh viện Hải Dương để ăn xin. Còn anh Đoàn hôm nào khoẻ mạnh, bệnh không tái phát thì 4 bố con bồng bế nhau đi hát rong. Cảnh tượng đó khiến cho chúng tôi không cầm được nước mắt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Đức cho biết: “Gia đình bà Xuân là trường hợp đặc biệt khó khăn của địa phương. Bản thân bà là cựu TNXP bị bệnh tật, là người của địa phương. Nhưng sau khi bà trở về quê hương năm 1993, lúc đó địa phương đã tiến hành chia ruộng đất xong theo chủ trương của Nhà nước, nên hiện tại bà không có ruộng đất.

Con dâu chết vì bệnh, con trai đôi lúc không bình thường và 3 cháu nhỏ nheo nhóc. Địa phương đã tiến hành làm thủ tục xin trợ cấp xây nhà cho đối tượng cựu TNXP, nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn hỗ trợ. UBND xã Hồng Đức thường xuyên tặng quà gia đình bà các ngày lễ, tết nhưng vẫn không làm vơi bớt khó khăn”.

Gạt những giọt nước mắt lăn trên gò má sạm đen, nhăn nheo và khắc khổ, bà Xuân nói trong tiếng nấc nghẹn: “Không biết ông trời có mắt không mà đày đoạ gia đình tôi khổ thế này”. Thông qua bài viết này, chúng tôi mong rằng, mọi người, mọi tấm lòng hảo tâm hãy cùng chung tay sẻ chia sự khốn khó với gia đình bà Xuân, để các cháu của bà có được bữa no, có được những bộ quần áo mới.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về, bà Nguyễn Thị Xuân, xóm Tây, thôn Đồng Lạc, xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm