| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 23/11/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 23/11/2017

Bà Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La chưa nắm vững tội danh hay có ý 'bao che'?

Phát biểu của Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La - bà Tráng Thị Xuân, có ý bao che, dung túng cho các bị can bị khởi tố trong vụ án ở Sơn La.

Liên quan đến các vi phạm trong công tác bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp khu vực mặt bằng công trường Nhà máy thủy điện Sơn La, có 13 người bị khởi tố về tội cố ý làm trái, 4 người bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

16-14-01_di_dien_cong_n_tinh_son_l_thong_tin_ve_vu_n
Đại diện công an tỉnh Sơn La thông tin về vụ án

Nhưng, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La - bà Tráng Thị Xuân, cho biết: "Một số hồ sơ để giải quyết việc bồi thường, đền bù thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ, nhưng anh em vì thương dân nên vẫn làm hoàn thiện sớm hồ sơ giúp dân, nên người dân được lợi. Chính vì thế giờ cán bộ giải quyết lại phải chịu trách nhiệm, chứ họ không tư túi gì, không đút một xu nào vào túi cá nhân”.

Với câu hỏi, “nhà nước có thiệt hại, tài sản nhà nước có bị thất thoát?”, Phó Chủ tịch Tráng Thị Xuân cũng lắc đầu.

Phát biểu của bà Xuân chứng tỏ bà không hiểu, không nắm vững về 2 nhóm tội danh Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, mà Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Sơn La quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 17 bị can đã nhắc ở trên.

Bởi động cơ vụ lợi như “tư túi, xà xẻo” hay động cơ cá nhân khác, không phải là dấu hiệu bắt buộc của 2 loại tội phạm này. Trong đó, tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999; bị bãi bỏ trong Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018), có mặt chủ quan là lỗi cố ý. Còn tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, được thực hiện với lỗi vô ý. Nên việc bà Xuân nói các cán bộ bị khởi tố là do “giúp dân, thương dân” và “không tư túi”, thì không phải là bản chất hành vi mà các bị can đã thực hiện. Vụ lợi, chỉ là tình tiết tăng nặng.

Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Sơn La phát hiện các bị can đã lập khống, hợp thức hóa các bản vẽ, đo đạc diện tích đất của hơn 600 hộ dân ở riêng huyện Mường La: tăng nhiều lần diện tích đất, báo cáo không đúng loại đất so với thực tế như đất rừng phòng hộ thành đất rừng sản xuất…, để nhận tiền bồi thường của Nhà nước. Cơ quan công an xác định việc làm này của các bị can đã gây thiệt hại cho nhà nước nhiều tỉ đồng. Tính đến 2015, hạng mục di dân tái định cư của tỉnh Sơn La được duyệt khoảng 11.100 tỷ nhưng tăng lên 16.300 tỷ đồng. Cơ quan An ninh điều tra Công an và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, thống nhất đánh giá hành vi của 17 đối tượng đã cấu thành tội phạm, đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không hiểu bà Xuân có nguồn tài liệu ở đâu để có thể cho rằng nhà nước không bị thiệt hại, tài sản nhà nước không bị thất thoát?

Việc một đại biểu dân cử, một quan chức hàng đầu tỉnh, nhìn nhận sai lệch những vấn đề pháp lý trong vụ án, chắc chắn gây hậu quả nghiêm trọng, vì nó làm xói mòn lòng tin của xã hội.

Phải chăng, đây là hành vi bao che?