| Hotline: 0983.970.780

Ba Trễ nuôi bò sữa

Thứ Sáu 03/01/2014 , 08:41 (GMT+7)

Sau nhiều năm ấp ủ “nghiệp bò sữa”, nhân có dịp được theo đoàn nông dân bay sang Thái Lan, Israel dự lớp tập huấn chăn nuôi, ông Trễ đã quyết định về đầu tư vốn xây dựng trang trại nuôi bò sữa...

Vốn là thạc sĩ ngành dược nhưng ông Trần Văn Trễ (Ba Trễ) ở ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP.HCM) lại luôn đau đáu với công việc của nhà nông. Sau nhiều năm ấp ủ “nghiệp bò sữa”, nhân có dịp được theo đoàn nông dân bay sang Thái Lan, Israel dự lớp tập huấn chăn nuôi, ông đã quyết định về đầu tư vốn xây dựng trang trại nuôi bò sữa...

DƯỢC SỸ MÊ NGHIỆP NHÀ NÔNG

Chúng tôi đến trại chăn nuôi bò sữa Thanh Phú của ông Trần Văn Trễ (Ba Trễ) ở ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP.HCM). Trang trại của ông nằm trong khuôn viên rộng hơn 1 ha, được bao bọc bởi “cánh đồng cỏ” đang phát triển xanh tốt. Những dãy chuồng bò được xây dựng quy mô rộng, thông thoáng và đàn bò cái đang cho sữa.

Lúc này ông Ba Trễ đang loay hoay phụ nhóm nhân công lo bữa cỏ chiều cho đàn bò, ông ôm cỏ đưa vào máy cắt, xong lại hốt cỏ cho bò ăn, rồi lom khom nhặt nhạnh từng trái khế chín rụng trong sân bỏ gọn làm phụ phẩm thức ăn cho bò. Công việc của ông cứ luôn tay chân chẳng mấy khi thấy ông được ngồi yên. 


Hệ thống xử lý sữa tươi ở trại bò sữa của hộ ông Ba Trễ

Qua cuộc trò chuyện với ông, chúng tôi được biết, dù đang công tác tại Viện y học dân tộc TP.HCM với trình độ thạc sỹ ngành dược nhưng ông vẫn đam mê công việc nhà nông, nhất là nghề chăn nuôi bò sữa. Sau bao năm tích lũy vốn và ấp ủ ước mơ về “nghiệp bò sữa”, mãi đến năm 1997 ông mới có điều kiện để thực hiện. 

Ông quyết định đầu tư 10 cây vàng để xây dựng chuồng trại và “rinh” được 10 con bò tơ về nuôi. Sẵn có vốn kiến thức ông tự nghiên cứu học hỏi kỹ thuật và chí quyết tâm khiến công việc chăn nuôi của gia đình ông bước đầu cũng khá thuận lợi. Chỉ sau một năm đàn bò giống của gia đình ông đã sinh thêm được 10 con bê. Đàn bò mẹ đẻ bao nhiêu con bê cái ông giữ lại để nuôi hết, chẳng bao lâu đàn bò trong chuồng trại được nhân lên gấp đôi, gấp ba và bây giờ tổng đàn đã có 92 con bò, bê, trong đó có 40 con bò đang cho sữa.

Dẫn chúng tôi tham quan hệ thống chuồng trại bò, ông Ba Trễ kể: “Từ khi “rinh” được 10 con bò tơ về nuôi, khoảng 3 tháng sau đàn bò bắt đầu cho sữa. Cả nhà tôi phải thức trắng đêm để lo vắt sữa bằng phương pháp thủ công, sáng hôm sau đem sữa lên tận trạm thu mua ở Bình Dương để chào bán. Vất vả thế nhưng thấy vui vì có nguồn sữa tươi cho “tiền tươi” hàng ngày!”. 

Theo ông Ba Trễ, trước khi bước vào “nghiệp bò sữa”, ông chỉ biết đến con bò ta (bò thịt), đến khi bắt tay vào nuôi bò sữa mới thấy gian nan vì đòi hỏi kỹ thuật cao. Do vậy, cứ nghe ở đâu tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi là ông lại lần tìm đến tham dự nhằm bổ sung kiến thức, kỹ thuật mới và tích lũy thêm kinh nghiệm cho mình. Đồng thời, ông tự nguyện đăng ký tham gia vào CLB Chăn nuôi bò - Cô gái Hà Lan để cùng trao đổi chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các hộ khác.

Ý tưởng của ông Ba Trễ lúc đầu muốn đầu tư mô hình nuôi bò sữa khép kín, với lợi thế làm ngành dược nên ông rất am hiểu việc khai thác và bảo quản sữa tươi. Ông suy nghĩ, công ty Vinamilk và Friesland Campina đang SX các sản phẩm sữa đặc có đường hay sữa chua, nhưng chủ yếu chỉ bằng sữa hoàn nguyên. Lợi thế của gia đình là sẵn có nguồn sữa tươi nguyên chất nếu tiến hành làm được các sản phẩm sữa đặc, sữa chua bằng sữa tươi thì chắc chắn chất lượng ngon và sẽ tiêu thụ được tốt. 

Do vậy, ông âm thầm tự nghiên cứu phương pháp làm với quy mô nhỏ để cung cấp cho thị trường và phục vụ các nhà trẻ, trường mầm non. Tuy nhiên, ý tưởng bất thành vì bị thiếu vốn đầu tư mua sắm hệ thống máy móc hiện đại. Hơn nữa, thời điểm đó ông cũng chưa có điều kiện để học tập thêm về kỹ thuật vận hành quy trình SX theo dây chuyền đồng bộ nên đành phải tạm gác lại để tập trung cho việc nâng đàn bò sữa và hoàn chỉnh hệ thống chuồng trại đúng tiêu chuẩn.

CHĂN NUÔI HƯỚNG NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ

Khi bước vào “nghiệp bò sữa”, ông Ba Trễ luôn chú trọng đến chất lượng đàn bò và quyết tâm chăn nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị mà TP đang khuyến khích. Ông Ba Trễ cho biết: “Tình cờ tôi đọc được những tài liệu nói về các quy trình kỹ thuật trong nông nghiệp của Israel rất hiệu quả thấy mê quá. Với mô chăn nuôi bò sữa của họ, bình quân phải đạt 40 lít/ngày/con, còn ở nước ta chỉ đạt 18 lít/ngày/con, hoặc cao nhất cũng chỉ 30 lít là cùng. Do vậy, ngay từ đó tôi đã ấp ủ ước mơ được một lần sang đất nước Isarael để học tập nghề nuôi bò sữa về áp dụng...”.



Ông Ba Trễ bên đàn bò sữa nuôi theo quy trình CNC

Năm 2010, nhân dịp đoàn nông dân tiên tiến TP đi tham quan mô hình nông nghiệp của Israel do Trung tâm Xúc tiến thương mại TP.HCM tổ chức, ông Ba Trễ tình nguyện đóng góp kinh phí đi theo học tập. Ông phấn khởi tâm sự: “Sau chuyến đi này, các chuyên gia của Israel còn trực tiếp sang VN để tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân TP. Từ những kiến thức học tập thực tế mô hình Israel, tôi về áp dụng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín theo “3 cấp”, làm mái 2 tầng khiến vừa thoáng mát, tải nhiệt tốt lại chẳng bị mùi hôi, đàn bò rất khỏe, phát triển tốt, cho năng suất sữa cao”. 

Theo ông Ba Trễ, rút kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi của Israel, cần phải đầu tư máy móc thiết bị mới đạt năng suất cao; đồng thời vừa giảm nhẹ sức lao động vừa giảm chi phí đầu ra sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như khi vắt sữa cùng một lúc cho nhiều con bò cần phải có hệ thống máy vắt sữa và bơm sữa tươi vào bồn lạnh ngay để sữa luôn luôn đảm bảo độ khô, béo, đạm... Nhờ vậy sản phẩm sữa mới giữ được lâu hơn, bán cũng được giá cao. Hơn nữa, để đảm bảo môi trường chăn nuôi, ngoài dọn vệ sinh hàng ngày, cũng nên đầu tư hầm biogas để vừa có gas chạy máy phát điện vừa giảm thiểu sự bay hơi ga từ phân gây ô nhiễm. 

Chỉ tay về phía cánh đồng cỏ của nhà ông phía trước trại bò, ông Ba Trễ nói: “Nghề chăn nuôi cần phải chú trọng đến nguồn thức ăn cho bò sao cho chất lượng, đảm bảo vệ sinh và đạt năng suất cao. Hay khâu trộn cỏ, ủ cỏ để đủ chất cho bò cũng rất quan trọng. Do vậy, gia đình tôi đã phải đầu tư cả trăm triệu đồng để sắm máy chặt cỏ, xây hầm ủ cỏ, máy đông lạnh sữa, xe vận chuyển cỏ, hệ thống máy vắt sữa vắt tự động mỗi lần chục con rất hiệu quả”. 

Mới đây, ông có dịp tiếp tục sang Thái Lan tham quan các trang trại bò mẫu có qui mô nuôi 5.000 con bò sữa cùng đoàn nông dân của TP. Trong chuyến đi này ông đã học hỏi thêm được qui trình xây hầm ủ cỏ lên men chua cho bò ăn và hệ thống xử lý phân tự động rất đỡ tốn công lao động. Để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho đàn bò, ông đầu tư mua hơn 70 công đất xung quanh trại để trồng thêm cỏ sữa và mướn nhân công thường xuyên chăm sóc, bón phân cho cho cánh đồng cỏ. 

+ Năm 2013, xuất phát từ nhu cầu thực tế, ông Ba Trễ đứng ra vận động thêm 14 hộ dân nuôi bò sữa trong huyện thành lập HTX chăn nuôi bò sữa để giúp nhau phát triển. Không chỉ là danh hiệu nông dân SX giỏi với quy mô trang trại bò sữa lớn nhất nhì TP, ông Ba Trễ còn là một tuyên truyền viên rất tích cực.

+ “Nghề nuôi bò sữa bây giờ không như trước, mọi khâu cần phải được quan tâm kiểm tra kỹ lưỡng chứ làm mà không chú trọng đến chất lượng thì cũng chẳng bền. Chăn nuôi bò đòi hỏi phải hiểu kỹ thuật qua từng công đoạn, chú tâm học hỏi thường xuyên để nắm bắt các tiến bộ KHKT mới nếu không sẽ thất bại như chơi”, ông Ba Trễ tâm sự.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.