| Hotline: 0983.970.780

Ba Vì trông ngẫm về sau

Thứ Tư 27/06/2012 , 10:50 (GMT+7)

Du lịch nông nghiệp trên thế giới rất được coi trọng vì đã chứng minh được sự đóng góp to lớn không những về mặt kinh tế mà còn về các mặt xã hội, bảo vệ môi trường gốc rễ về tự nhiên, văn hóa và lịch sử.

Du lịch học đường ở Ba Vì
Du lịch nông nghiệp trên thế giới rất được coi trọng vì đã chứng minh được sự đóng góp to lớn không những về mặt kinh tế mà còn về các mặt xã hội, bảo vệ môi trường gốc rễ về tự nhiên, văn hóa và lịch sử.

Trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa các nước đều dùng giải pháp này để giảm thiểu khoảng cách bất công giàu nghèo và khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn khi chỉ chú trọng thái quá đến sự phát triển bất động sản đô thị và xây dựng các khu công nghiệp.

Thực chất đây là một hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở (homestay) hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng nông hộ gia đình hoặc trang trại. Bên cạnh đó còn được thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh và tham gia văn hóa đồng quê nên du lịch nông nghiệp đã được khẳng định là một hình thức du lịch mang tính cộng đồng bình đẳng và bền vững.

Do tầm quan trọng về mặt xã hội và kinh tế nên hoạt động du lịch nông nghiệp bắt đầu từ Châu Âu đã được mở rộng khắp trên toàn thế giới với sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ về chính sách vĩ mô như: Quy hoạch, tài chính, luật pháp, thương mại và quảng cáo; các chính phủ của các nước đã hướng sự quan tâm của cộng đồng toàn xã hội vào phát triển du lịch nông nghiệp - Agritourism. Danh từ này có thể dùng khác nhau. Ở Ý là “Agri-tourismo (du lịch nông nghiệp), ở Mỹ là “Homestead” (du lịch trang trại), ở Nhật là “Green-tourism” (du lịch xanh) vì các sản phẩm (sản vật) dùng cho du khách bắt buộc phải được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ mang tính bản địa.

Yếu tố hàng đầu của một sản phẩm du lịch là sức hấp dẫn khách du lịch. Đối với du lịch nông nghiệp, lịch sử và văn hóa hình thành sản vật giữ một vai trò chính yếu. Để tạo ra các sản vật mang tính hàng hóa nên mỗi sản vật đều có lịch sử về nguồn gốc và lịch sử văn hóa canh tác, nuôi trồng, sơ chế, chế biến và quá trình thương mại hóa sản phẩm. Nói cách khác các sản vật mang tính văn hóa địa phương đã được các cộng đồng dân cư nông nghiệp của các làng quê sản sinh ra theo dòng lịch sử tồn tại của mình và rất gắn kết sâu sắc với thiên nhiên bản địa. Đó chính là nguồn tài nguyên vô tận để tạo ra các sản phẩm rất hấp dẫn cho du khách nếu biết tổ chức và khai thác vì ngoài yếu tố thiên nhiên còn là sản phẩm của trí tuệ và kinh nghiệm của cả một cộng đồng nông nghiệp làng xóm.

Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử phát triển nền sinh thái nông nghiệp dựa trên nền sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học thuộc 16 nước cao nhất thế giới. Đa dạng sinh học là chiếc nôi sống, nơi sản sinh ra các thảm phủ sinh thái tự nhiên cho việc phát triển và tồn tại bền vững một nền sinh thái nông nghiệp với các sản vật thiên nhiên độc đáo. Đó cũng là cái lõi chính để đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp bền vững đủ sức cạnh tranh trên thi trường quốc tế ở một nước nông nghiệp như Việt Nam. Rất đáng tiếc cho tới nay ngành kinh tế quan trọng về nhiều mặt này vẫn chưa được chú ý tới trên bình diện vĩ mô và vẫn được coi là các hoạt động lẻ tẻ đâu đó ở một địa phương, một số tỉnh thành.

Nhưng bất cứ các vấn đề nào liên quan tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở nước ta theo kinh nghiệm, muốn đạt được hiệu quả và để có thể nhân trên diện rộng được rất cần xây dựng một mô hình điểm (mô hình trình diễn) hay còn gọi là mô hình tiên phong (pilot). Vùng phụ cận xung quanh chân núi Ba Vì (Hà Nội) là một vùng thiên nhiên rất tươi đẹp với các làng xóm thôn quê có diện tích rộng rãi rất thuận tiện cho việc tổ chức các hình thức du lịch nông nghiệp với nhiều loại sản vật khác nhau và tổ chức mô hình nói trên. Nơi đây đã hình thành các làng nông nghiệp truyền thống rất lâu đời như làng chè Ba Trại, làng Việt cổ Đá ong Đường Lâm, làng thảo dược người Dao Ba Vì, các trang trại nông hộ nuôi bò sữa, trồng rau lấy giống từ rau rừng, trồng hoa quả, nuôi ong mật, gà đồi, dê, thỏ, lợn, đà điểu, đàn trâu bò vàng nổi tiếng Ba Vì...

Hơn nữa do ảnh hưởng sâu rộng của núi Ba Vì (kho gen nguyên thủy về các thảm động thực vật, côn trùng, vi sinh vật và các vi lượng khoáng, nguồn nước sạch) và hơn 100 km các dòng sông lớn (sông Đà, sông Hồng) bao quanh đã tạo thành các địa hình cảnh quan, đất đai nông nghiệp rất đa dạng như rừng, vườn rừng, các thềm sông cổ, các dạng ruộng bậc thang thấp, các sông suối, các cánh đồng bằng phẳng màu mỡ do bồi tụ phù sa... Không phải ngẫu nhiên khi Vùng phụ cận nông nghiệp rộng lớn xung quanh chân núi Ba Vì từ hàng nghìn năm trước cho tới nay là nơi luôn được chọn là vùng bảo tồn, thuần hóa và phát triển đa dạng các giống gốc về một số sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt bản địa và nhập lai cho toàn quốc và hiện nay vẫn tồn tại và phát triển các cơ sở nghiên cứu phát triển của Bộ NN - PTNT như: Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Trung tâm Nghiên cứu dê cừu thỏ, các trung tâm nghiên cứu măng, dứa suối Hai, gà lơ go, đà điểu, các loài cây lâm nghiệp... mà hàng vài chục năm là ít mới có thể thuần hóa, nuôi tạo ra sản phẩm hàng hóa, bảo tồn phát triển giống cho toàn quốc .

Nên thật rất thiển cận và có thể coi là tội ác khi vì lợi ích, nhất là lợi ích chỉ của một nhóm người trong xã hội nước ta hiện nay dưới danh nghĩa các dự án xây dựng (đô thị, sân gôn, du lịch giải trí...) chỉ trong chốc lát hủy hoại vĩnh viễn lớp phú sinh thái tự nhiên và nông nghiệp hàng nghìn năm mới tạo ra được. Và trên đó cộng với kiến thức và sự lao động cần cù từ đời này qua đời khác của rất nhiều thế hệ dân cư mới có được những sản vật quý giá cho sự tồn tại và sức khỏe của cộng đồng. Những vùng đất nông nghiệp và quỹ gen nguyên thủy của vùng rùng núi Ba Vì và vùng phụ cận nông nghiệp xung quanh chân núi sẽ càng ngày càng quý hiếm vì thảm họa đang dần tới từ biến đổi khí hậu. Vấn đề an ninh thực phẩm hiện đang dần trở thành một vấn đề gay gắt ở Việt Nam nếu như tiếp tục tàn phá các Vườn Quốc gia và vùng phụ cận nông nghiệp như đang tàn phá hiện nay ở Ba Vì. (còn nữa)

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm