| Hotline: 0983.970.780

Ba việc cần làm ngay!

Thứ Sáu 02/11/2012 , 09:44 (GMT+7)

Virus cúm gia cầm H5N1 nhánh mới 2.3.2.1C (nhóm C) chưa có vacxin khống chế hiện đã vào đến Quảng Ngãi và nguy cơ chạy vào phía Nam gây dịch rất cao.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, virus cúm gia cầm H5N1 nhánh mới 2.3.2.1C (nhóm C) chưa có vacxin khống chế hiện đã vào đến Quảng Ngãi và nguy cơ chạy vào phía Nam gây dịch rất cao. Bộ NN-PTNT hôm qua (1/11) đã họp khẩn với Sở NN-PTNT và Chi cục Thú y các tỉnh phía Nam, chỉ đạo rốt ráo vào cuộc, trong đó có ba việc quan trọng hàng đầu cần làm ngay…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần lo lắng đặt câu hỏi: “Virus cúm gia cầm nhóm C đã vào đến Quảng Ngãi. Làm sao để chúng không chạy vào Nam? Địa bàn phía Nam đang sử dụng rất nhiều sản phẩm gia cầm lậu nên virus cúm gia cầm mới nguy hiểm có thể lây lan, trong khi vacxin còn rất khó khăn”. Vì thế, việc đầu tiên lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu phải xử lý rốt ráo nguồn gia cầm nhập lậu từ các tỉnh biên giới để cắt nguồn cung virus nguy hiểm này.

Liên quan đến gà lậu Trung Quốc, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y cho biết tin mới nhất: “Sau khi Báo NNVN đăng tải thông tin gà lậu, rồi các địa phương làm gay gắt, các đầu nậu đã chuyển sang giết mổ gia cầm ngay tại biên giới và đóng vào thùng xốp đông lạnh vận chuyển đi khắp nơi. Hiện Cục Thú y đã thành lập 2 đoàn kiểm tra và sẽ có biện pháp xử lý các đơn vị kiểm dịch sai phạm”.

Ông Đông cũng khẳng định, dịch bệnh phát sinh thời gian qua tại các tỉnh như Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều có liên quan đến tiêu thụ gia cầm giống ở Phú Xuyên (Hà Nội). “Đám gà “trọc” này đi đến đâu là gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh đến đấy!” – ông Đông nói. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề nghị: “Kinh nghiệm Thái Lan bỏ tù các đối tượng buôn bán gia cầm lậu, gây dịch bệnh đã phát huy hiệu quả rất tốt. Ở ta, các đầu nậu gia cầm nằm ở đâu, có bao nhiêu người, mỗi ngày buôn bán bao nhiêu con thì các địa phương đều biết hết, vấn đề là có xử lý quyết liệt hay không thôi!”.


Ngăn chặn buôn bán gia cầm lậu để virus cúm gia cầm H5N1 nhánh mới (nhóm C) không chạy vào Nam

Vấn đề thứ hai, Bộ đề nghị các địa phương và cán bộ thú y cần chấn chỉnh ngay cung cách làm việc. Vì sao? Ông Đông nói: “Chúng tôi vừa đi kiểm tra tình hình tiêm phòng vacxin mới giật mình biết được một sự thật buồn: Thú y cơ sở lại đi phát vacxin cho trưởng thôn (không tổ chức tiêm), sau đó trưởng thôn phát cho các hộ chăn nuôi. Điều đáng nói, khi tôi kiểm tra thực tế sổ sách của trưởng thôn thì thấy ghi có hộ nhận 12 liều, hộ nhận 14 hoặc 16 liều; trong khi đó, vacxin đóng 10 – 20 liều/lọ, làm sao chia lẻ được? Chắc chắn việc cấp phát vacxin đã có vấn đề, không có thật. Chúng tôi phải yêu cầu lãnh đạo địa phương vào cuộc, tiêm khống chế ngay ổ dịch, sau đó dịch mới chững lại!”.

Ông Đông cũng bức xúc khẳng định, nhiều Công điện của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT không được địa phương thực hiện nghiêm túc. Ví dụ: Công điện số 11 ngày 18/9/2012 của Bộ trưởng mới đây yêu cầu “tạm dừng kiểm dịch vận chuyển gia cầm sống từ phía Bắc vào Nam qua địa bàn Quảng Ngãi, KonTum để ngăn ngừa lây lan virus H5N1 nhánh 2.3.2.1 (nhóm C). Thời gian thực hiện cho đến khi khống chế được dịch cúm gia cầm hiện nay”. Vậy nhưng, các tỉnh này vẫn cho gia cầm dễ dàng vận chuyển qua. “Chúng tôi hỏi thì họ nói chưa nhận được Công điện (?!). Điều này quả khó hiểu vì tất cả các Công điện đều được gửi, công khai đăng tải trên báo chí, có sẵn trên website của Bộ. Thực tế trên cho thấy việc kiểm soát gia cầm đang có vấn đề!”. Ông Đông cũng cho rằng, việc tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh chưa triệt để. Nhiều lô gia súc, gia cầm ốm la liệt nhưng địa phương vẫn để lại, nhiều thú y cơ sở đi chữa bệnh đã trở thành nguồn lây lan dịch cho nhiều hộ gia đình.

Vấn đề thứ ba là phải sớm có nguồn vacxin khống chế virus H5N1 nhánh 2.3.2.1 (nhóm C). Về việc này, Cục Thú y cũng thông báo: Kết quả thử nghiệm vacxin mới H5N1 Re6 cho thấy, tỷ lệ bảo hộ trên gà đạt 50% đối với virus H5N1 nhánh 1.1; 100% đối với virus H5N1 nhánh 2.3.2.1A và B; tỷ lệ bảo hộ trên vịt đạt 100% đối với virus H5N1 nhánh 1.1; 2.3.2.1A, B và C. Đây là kết quả rất khả quan trong bối cảnh virus mới đang chạy rất nhanh vào phía Nam. “Vì thế, Cục Thú y đang báo cáo Bộ xin nhập ngay vacxin mới H5N1 Re6 để tiêm khống chế và đưa vào danh mục được phép tiêm phòng tại VN” – đại diện Cục này nói.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần:

"Tôi yêu cầu Cục Thú y thường xuyên lấy mẫu kiểm tra theo dõi sự biến đổi của virus cúm gia cầm để có khuyến cáo nhanh nhất cho các địa phương. Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu tất cả các tỉnh phía Nam phải tăng cường giám sát, tuyên truyền cho người dân tái đàn phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới phải chú ý mua con giống có nguồn gốc, tránh mua trôi nổi rất dễ gieo virus H5N1 chủng mới (nhóm C) vào phía Nam.

Tôi khẳng định, nếu cùng lúc phía Nam có cả 3 chủng virus cúm gia cầm A – B – C thì không có loại vacxin nào cùng lúc hiệu quả cho cả 3 chủng này, lúc đó dịch sẽ vô cùng nguy hiểm".

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất