| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang khó xử lý những vụ việc 'nhạy cảm'

Thứ Ba 25/10/2016 , 07:45 (GMT+7)

Bắc Giang là một trong những tỉnh có tình trạng vi phạm đê điều ở mức báo động với hàng nghìn vụ vi phạm mỗi năm. Nghiêm trọng hơn, do xử lý thiếu kiên quyết, việc tái diễn vi phạm xảy ra ở hầu hết các huyện trong tỉnh.

“Thật ra là rất nhạy cảm, khó xử lý”, cả Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang và Trưởng phòng Kinh tế TP đều thừa nhận như vậy khi được đề cập đến công trình vi phạm của nguyên Giám đốc Công an tỉnh.

Do các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại thiếu kiên quyết xử lý đã khiến tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều tại TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp không được xử lý kịp thời, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến công tác hộ đê cũng như an toàn tuyến đê trong mùa mưa bão.
 

Những công trình vi phạm “nhạy cảm”

Đê sông Thương, đoạn qua địa bàn xã Song Mai (TP Bắc Giang) có một công trình đắp đập, đào ao trong khu vực lòng sông với chiều rộng 36m, chiều dài 126m và chiều cao trung bình của bờ lên tới 1,6m. Trao đổi với người dân, được biết công trình thuộc thôn Vĩnh An và do ông Phạm Văn Minh, nguyên GĐ CA tỉnh, đầu tư xây dựng.


Căn nhà xây kiên cố ngay trên hành lang đê
 

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, công trình trên vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều. Đê sông Thương, đoạn đi qua TP Bắc Giang được đánh giá là khúc đê xung yếu, đặc biệt quan trọng, hàng năm hai khúc đê tả, hữu sông Thương tiêu tốn vài chục tỷ đồng bảo dưỡng, gia cố.

Còn nhớ, năm 2008, cơn bão số 5 làm sạt lở bãi sông khu vực K2+570 đến K2+750 của Bắc Giang kéo dài 20m về phía thượng lưu, sạt sâu vào bãi 2,5m. Năm 2011, đoạn đê hữu Thương đoạn K30+893 đến K30+950 thuộc xã Song Mai đã bị sạt trượt sâu vào bãi 3-5m.

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão, nguyên nhân sạt trượt là do thế bờ cao, lòng sông hẹp, sâu cộng với tình trạng vi phạm Luật Đê điều tại tuyến sông này.

Xác định tầm quan trọng của đê sông Thương thuộc xã Song Mai, Bộ NN-PTNT luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Cũng trong năm 2011, UBND tỉnh Bắc Giang đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương, xử lý sạt lở, tu bổ đê sông Thương các đoạn K2-K3+500 đê tả Thương, K2-K3 và K30+750 đến K31+750.

Sau khi đi kiểm tra thực địa khu vực sạt lở theo báo cáo của tỉnh, Bộ NN-PTNT đã có văn bản số 2915/BNN-TCTL đề nghị tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đoạn đê tả, hữu Thương đoạn qua các xã Hợp Đức, huyện Tân Yên; xã Xuân Hợp, huyện Lạng Giang và khúc đê K30+800 - K31+100 thuộc xã Song Mai, TP Bắc Giang.

Đây là những đoạn đê xung yếu, bãi sông hẹp và có diễn biến sạt lở nguy hiểm, vị trí sạt lở chỉ cách chân đê từ 10 - 30m nên uy hiếp sự an toàn đê điều. Như vậy, việc công trình xây đập, làm ao của ông Minh ngay giữa bãi bồi lòng sông chắc chắn sẽ gây cản trở dòng chảy trong mùa mưa lũ.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Bắc Giang, tác động của công trình đối với dòng chảy nếu nhẹ gây ra hư hại thân đê, mỗi lần khắc phục cũng mất vài chục tỷ đồng. Nhưng trong trường hợp xảy ra sự cố sẽ đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng trăm nghìn cư dân TP Bắc Giang, đến lúc ấy hậu quả không thể lường trước.

Ngoài công trình vi phạm của ông Phạm Văn Minh, trên địa bàn TP Bắc Giang còn có rất nhiều vụ vi phạm Luật Đê điều khác. Điển hình là Cty TNHH Thương mại Công Minh, từ tháng 4/2016, trong quá trình thực hiện dự án xây dựng kho xăng dầu tại khu vực đê hữu Thương, đoạn qua xã Đồng Sơn, DN này đã tự ý san nền, tôn cao hơn so với quy định. 

“Việc làm này ảnh hưởng lớn đến khả năng thoát lũ của sông Thương. Nếu lũ trên sông lên mức báo động số 3 còn đe dọa an toàn tuyến đê, tính mạng của các hộ dân thuộc địa bàn xã Tân Tiến (nằm phía đối diện)”, đại diện Sở NN-PTNT cho hay.


Bờ kè, ao cá trong bãi bồi lòng sông Thương gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến thân đê
 

Ngoài đê hữu Thương, tuyến đê tả Thương, đoạn qua xã Tân Tiến cũng có hàng chục trường hợp vi phạm như: Xẻ đê làm dốc, xây công trình, trồng cây xanh lấn vào hành lang bảo vệ đê. Không ít trường hợp đã lập biên bản nhiều lần song vẫn tái phạm. Đơn cử, bãi tập kết vật liệu trái phép của gia đình ông Nguyễn Văn Tám, thôn Trước.
 

Không thể xử lý?

TP Bắc Giang có hơn 25km đê tả Thương, hữu Thương chạy qua. Theo Hạt Quản lý đê TP, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phát sinh 29 trường hợp vi phạm mới, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vi phạm còn tồn đọng đến nay là 85 trường hợp, tập trung tại xã Tân Tiến, Đồng Sơn, Song Mai.

Điều đáng nói là cho dù vi phạm nhiều như vậy, song việc xử lý không được chính quyền thực hiện dứt điểm. Giữa tháng 10/2016, tức là hơn 3 năm sau khi công trình của ông Minh bị phát hiện là vi phạm Luật Đê điều, PV báo NNVN nhận thấy, toàn bộ đường nội bộ xung quanh khu ao đã được tôn cao. Một căn nhà lớn nằm trong công trình đã được xây dựng. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ ao đã được kè kiên cố bằng bê tông.

Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Thạo, đã rất lúng túng khi PV đề cập đến công trình vi phạm này. Theo vị lãnh đạo TP, chính quyền TP cũng đã nhiều lần phối hợp với Sở NN-PTNT và các cơ quan liên quan vận động, thuyết phục, cũng như làm văn bản báo cáo với Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Song, công trình vi phạm trên vẫn chưa được xử lý.

“Thật ra là rất nhạy cảm, khó xử lý”, cả Phó Chủ tịch Thạo và Trưởng phòng Kinh tế TP Nguyễn Duy Hiểu đều thừa nhận.

Được biết, trước tình trạng vi phạm về đê điều ngày càng gia tăng, TP Bắc Giang đã có nhiều giải pháp để xử lý. 6 tháng đầu năm, TP giải tỏa được 24 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đó chỉ là những vi phạm nhỏ, đa phần những vi phạm lớn vẫn chưa được giải quyết.

Nguyên nhân chính do sự thiếu kiên quyết của chính quyền sở tại, cơ quan chức năng; việc giải quyết chưa đồng bộ. Ví như, mới đây nhận được thông tin phản ánh, lực lượng chức năng của TP đã ngăn chặn kịp thời người dân thôn Hà, xã Song Mai tôn tạo bãi sông để làm ao.

Tuy nhiên, liền kề với địa điểm đó là công trình của ông Phạm Văn Minh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát lũ của sông Thương, lại vẫn tồn tại từ nhiều năm nay. Điều này khiến nhiều người dân nghi ngại đặt câu hỏi có hay không sự phân biệt đối xử và có sự bì tỵ lẫn nhau, tạo dư luận không tốt.

Ông Hoàng Đăng Cơ, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê TP Bắc Giang cho biết: “Tranh thủ đêm tối, cơ sở của ông Tám vẫn tập kết cát sỏi với lượng nhỏ hơn trước và duy trì hoạt động bình thường”. Nghiêm trọng hơn, khi bị nhắc nhở, kiểm tra, một số đối tượng còn có hành vi xúc phạm, đe dọa cán bộ thực thi nhiệm vụ.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.