| Hotline: 0983.970.780

Bác Hồ và sự nghiệp “trồng người”

Thứ Ba 30/08/2011 , 13:20 (GMT+7)

Ngày 12/6/1956, Bác đã viết: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa..."

Bác Hồ luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục

Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13/9/1958, Bác Hồ đã có bài nói quan trọng về nhiệm vụ của những người thầy giáo với sự nghiệp giáo dục- đào tạo. Bác căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang”.

Câu nói nổi tiếng này đã phản ánh tư tưởng Hồ Chí Minh về Giáo dục.

Trong Thư gửi cho học sinh vào ngày 5/9/1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Rất nhiều lần Bác đề cập đến việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Ngay từ ngày 14/11/1945, Bác viết: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Và ngay từ ngày 13/11/1946, theo đề nghị của Bác, Quốc hội Khóa I đã cử GSTS. Nguyễn Văn Huyên, một trí thức ngoài Đảng mới 37 tuổi làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục. Nhà trí thức ngoài Đảng này đã làm rất tròn nhiệm vụ mà Bác Hồ giao phó trong suốt 29 năm cho đến tận ngày qua đời (19/10/1975).

Ngày 10/1/1946 Bác đã khẳng định mục đích của tự do độc lập là 4 nhiệm vụ: “Làm cho dân có ăn, Làm cho dân có mặc, Làm cho dân có chỗ ở, Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

Để giúp cho dân có học hành, Bác đã động viên mạnh mẽ phong trào Bình dân học vụ. Trong thư gửi anh chị em giáo viên Bình dân học vụ vào tháng 5/1946, Bác đã viết: “Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người vô danh anh hùng. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”.

Bác luôn luôn đề cao đến việc Học phải đi đôi với Hành. Trong bài nói chuyện tại Thanh Hóa ngày 20/2/1947, Bác đã nói: “Trước học một đường, hành một nẻo. Nay phải sửa chương trình làm sao để học thì hành được ngay”. Đến tận hôm nay với lời dặn ấy chúng ta vẫn chưa làm được tốt. Không ít sinh viên ra trường mà vẫn bỡ ngỡ trước những công việc được giao, dù là đúng với chuyên ngành được đào tạo, phải mất rất nhiều thời gian để đào tạo lại.

Bác rất ghét bệnh thành tích. Trong Thư gửi các bạn thanh niên ngày 17/8/1947, Bác đã nhấn mạnh: “Chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng phải thiết thực; nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ chỗ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được, hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”. Chúng ta phát động rầm rộ phong trào Hai không từ năm 2006 vậy mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay nhiều phóng viên đã nhận xét sau giờ thi “phao” vẫn trắng sân trường và tỷ lệ tốt nghiệp cao chưa từng thấy (!)

Nhớ lại những lời căn dặn từ cách đây trên nửa thế kỷ của Bác Hồ chúng ta càng thấy trách nhiệm nặng nề nhưng vẻ vang của đội ngũ trên 1 triệu thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục đúng như tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước”

Bác rất quan tâm đến việc cải tiến cách dạy trong Nhà trường. Trong thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc (tháng 7/1948), Bác đã nhắc nhở: “Chúng ta phải sửa đổi cách dạy cho hợp với sự đào tạo nhân tài”. Vậy mà cho đến gần đây thày giáo Dương Minh ở Trường THPT Quy Nhơn (Bình Định) vẫn phải thốt lên: “Vòng chu chuyển vẫn theo con đường khuôn mẫu: Học sinh sợ Thầy; Thầy sợ Trường; Trường sợ Sở; Sở sợ Sách giáo khoa, sợ quy định của Chương trình, sợ kết quả thi cử”(!)

Ngay từ tháng 5/1950, Bác đã cảnh báo về việc ham mở thật nhiều trường lớp mà thiếu giáo viên cơ hữu. Bác nói: “Hiện nay đang có một cái dịch mở trường…Vì mở nhiều lớp nên thiếu người giảng. Thiếu người giảng thì học viên đâm chán nản. Thiếu người giảng thì phải đi bắt phu, vì thế người đến giảng khi nào cũng hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như chuồn chuồn đạp nước, dạy không chu đáo. Thiếu người giảng thì thường khi lại phải bịt lỗ, người bịt lỗ năng lực kém, nói sai, có hại cho học sinh…”. Bác nói cách đây những 61 năm mà đúng y như chuyện chạy sô của nhiều giảng viên Đại học, Cao đẳng hiện nay.

Hiện nay học sinh rất sợ học, sợ thi và không còn thời gian và tâm trí đâu để tận hưởng hạnh phúc hồn nhiên của tuổi thơ. Điều này ngay từ ngày 28/8/1950, Bác đã phê phán và căn dặn: “Phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng trở nên già cả…Trong lúc học cũng cần làm cho chúng vui. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học”. Bao giờ chúng ta mới thực hiện được lời căn dặn này của Bác?

Bác luôn luôn quan tâm đến việc nâng cao vị trí của các thầy cô giáo. Ngày 12/6/1956, Bác đã viết: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu. Tuy không có gì oanh liệt nhưng làm tròn nghĩa vụ là anh hùng, anh hùng tập thể”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.