| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn phủ xanh đồi trọc

Thứ Hai 13/02/2012 , 10:31 (GMT+7)

Mấy năm gần đây, người dân Bắc Kạn quay lại đầu tư trồng rừng. Họ tập trung trồng cây rừng trên đất rẫy trồng lúa, ngô trước kia.

Cây keo được trồng tại Bản Còn xã Nông Thịnh huyện Chợ Mới

Mấy năm gần đây, người dân Bắc Kạn quay lại đầu tư trồng rừng. Họ tập trung trồng cây rừng trên đất rẫy trồng lúa, ngô trước kia. Cứ nơi nào đất trống thì dân xin nhận khoán để trồng rừng.

Thoát nghèo nhờ rừng

Khi kinh tế nông nghiệp tăng trưởng khá, an ninh lương thực được đảm bảo, cũng là lúc người dân Bắc Kạn nghĩ tới làm giàu từ đất rừng. Ban đầu các hộ chỉ nhận khoanh nuôi tái sinh, nhận giao khoán bảo vệ, rồi xin chặt tỉa thưa tăng thu nhập vào mùa nông nhàn, nhưng từ năm 2003, gỗ tạp lên giá khoảng 1,1 triệu đồng/m3, đã thu hút người dân  trồng rừng hơn bao giờ hết. Người dân tập trung vào các loại cây dễ trồng như: keo, mỡ, xoan, trám, trẩu, bồ đề…

Ưu điểm của những loại cây này là nhanh lớn, chu kỳ khai thác gỗ chỉ trong vòng 8 năm, thủ tục khai thác cũng đơn giản hơn các loại gỗ rừng bản địa, có những nơi đất tốt chỉ sau 5 năm đã thu hoạch, tỉa thưa đem bán gỗ cho các cơ sở chế biến, góp phần cải thiện cuộc sống.

Ông Đinh Kim Chức, thôn Khuổi Tranh, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, là người tiên phong trong việc trồng mới và chăm sóc rừng từ năm 2002, nay gia đình có 10 ha rừng cho thu hoạch, với thời giá như hiện nay nếu bán hết sẽ thu lời vài trăm triệu.

Dẫn chúng tôi đi tham quan rừng keo, mỡ hơn 10 năm tuổi, đường kính gốc cây to đã hơn 40 cm, ông Chức vui vẻ cho hay: "Mỗi năm tỉa thưa cũng đủ tiền sinh hoạt, làm nông nghiệp không có lương hưu nên trông cậy vào khoảnh rừng này cũng bớt lo lúc tuổi già".

Ở Khuổi Tranh, mỗi gia đình có một kiểu trồng, chăm sóc rừng trồng khác nhau. Có hộ thì trồng cây keo, hộ thì trồng mỡ, xoan, trám, trẩu, bồ đề, nhưng cả thôn này không còn nơi nào đất trống, hộ trồng nhiều thì hơn chục héc - ta, hộ trồng ít thì một vài héc - ta, nhà nào cũng có cây rừng để khai thác, góp phần đáng kể cho thu nhập tại mỗi hộ gia đình.

Bà Triệu Thị Xuân, trưởng thôn Khuổi Tranh, vui vẻ cho biết: "Chính rừng trồng đã giúp cho người dân nơi đây thoát nghèo. Trước đây người dân nghèo lắm, từ khi rừng cho khai thác mọi nhà trong thôn đã khá hơn, mua sắm được nhiều đồ dùng đắt tiền phục vụ sản xuất và sinh hoạt".

Nhà nước hỗ trợ cây giống

Giá trị kinh tế của các mô hình vườn rừng tại Bắc Kạn đang mang lại sự đổi thay cho nhiều hộ gia đình ở Bắc Kạn. Tuy nhiên có nhiều hộ nghèo và cận nghèo biết trồng rừng có lãi cao nhưng không vay nổi tiền mua cây giống.

Từ năm 2011, chính quyền Bắc Kạn đã xây dựng một cơ chế mới nhằm giúp tất cả các hộ dân đều có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để tập trung trồng và làm giàu từ quỹ đất rừng. Cụ thể giúp nông dân miễn phí các khâu thiết kế, qui hoạch đất trồng rừng; tập huấn miễn phí tại các thôn, xã về kiến thức khuyến lâm, kỹ thuật ươm cây giống, hỗ trợ vốn cũng như lãi suất ưu đãi mở rộng mạng lưới vườn ươm, tổ chức các buổi hội thảo, truyền thông về kinh tế rừng, cách xây dựng vườn ươm...

Đặc biệt, từ vụ trồng rừng năm 2012, tỉnh Bắc Kạn sẽ hỗ trợ nông dân tiền mua cây giống, tiền công trồng, chăm sóc. Huy động các tổ chức đoàn thể tại các địa phương xây dựng các tổ, nhóm dân phòng cháy, chữa cháy rừng cấp thôn, bản với các thành viên là những người nông dân sinh sống gần cửa rừng, để kịp thời xử lý các sự cố về cháy rừng và phương pháp bảo vệ tài nguyên rừng.

Cùng với hơn 40.000 ha rừng trồng phân tán trong dân hiện có, đến cuối năm 2015 Bắc Kạn có khoảng 100 nghìn ha rừng sản xuất, tạo nên thảm rừng xanh bao quanh các làng bản, hộ gia đình, góp phần duy trì độ che phủ của thảm thực vật luôn đạt trên 70%, giúp cho bộ mặt NTM nơi vùng cao Bắc Kạn thêm trù phú.

Do có sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, đã tạo động lực để thúc đẩy việc trồng rừng và nghề rừng tại Bắc Kạn nhanh chóng đến từng nhà dân. Với những kết quả tỉa thưa và khai thác rừng trồng tự phát trong dân, bước đầu đã đem lại hiệu quả đích thực, với mỗi năm hàng chục nghìn mét khối gỗ thô được chuyển đến các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ, góp phần tạo ra sản phẩm hàng hoá từ vốn rừng, đem lại cuộc sống khấm khá hơn cho người dân vùng cao nơi cửa rừng.

Chính vì lợi ích thiết thực đó, ngay từ ngày đầu năm mới 2012, người dân Bắc Kạn đã nô nức ra quân trồng rừng, với quyết tâm phủ xanh tất cả các núi đồi còn trống, quyết tâm xây dựng thôn, bản vùng cao Bắc Kạn xanh sạch trong những năm tới.

Trong 2011, Bắc Kạn đã trồng mới được 14.544 ha rừng, gấp 3 lần những năm trước đó. Vụ trồng rừng năm 2012 đã cơ bản xong các khâu thiết kế, xử lý thực bì, bầu cây giống để chuẩn bị trồng hơn 13.800 ha với 3 loại cây chủ lực: thông, keo, mỡ, quyết tâm từ 2011 đến năm 2015, Bắc Kạn sẽ trồng mới 60 nghìn ha rừng sản xuất.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.