| Hotline: 0983.970.780

Bác liệt tay nuôi ba cháu mồ côi

Thứ Sáu 18/06/2010 , 15:07 (GMT+7)

Chúng tôi tìm về gia đình em Nguyễn Thị Oanh ở xóm 12 xã Hải Bắc, Hải Hậu (Nam Định) vào những ngày hè nắng gắt.

Căn nhà tuềnh toàng của mấy bác cháu đang sống

Chúng tôi tìm về gia đình em Nguyễn Thị Oanh ở xóm 12 xã Hải Bắc, Hải Hậu (Nam Định) vào những ngày hè nắng gắt.

Căn nhà bé lọt sâu trong một ngõ nhỏ. Mở cửa đón chúng tôi là một phụ nữ với dáng người gầy gò khắc khổ, những bước đi không còn vững. Trong căn nhà lạnh lẽo đó có hai đứa trẻ đang ngồi trên thềm cửa, khi thấy có khách vào nhà, chúng nhìn tôi với vẻ mặt đầy lạ lẫm và lon ton chạy trốn sau hè nhà. Nhìn khắp gian nhà, chúng tôi chẳng thấy có đồ đạc gì đáng giá. Bà kể: “Các cháu nó mồ côi mẹ, khổ lắm. Hai đứa trẻ vừa rồi vừa lọt lòng mẹ thì bố đã bỏ đi biệt tăm, được một thời gian thì mẹ lâm bệnh hiểm nghèo rồi mất. Ngày mẹ nó chưa mất, cuộc sống còn đỡ, bây giờ thì túng quẫn luôn.Tôi thì bị bại liệt một cánh tay, chẳng làm được gì mà nuôi các cháu”. Kể đến đây bà như nghẹn lại vì nghĩ lại cả cuộc đời bà vui ít, buồn nhiều.

Bà tên là Nguyễn Thị Hải, năm nay 62 tuổi, bản thân bà bị bệnh từ bé, sức khoẻ không có nên bà không tính chuyện lập gia đình. Bà sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Hải Hậu (Nam Định), nhà có 3 chị em gái, người chị cả lập gia đình sinh được một cô con gái, không lâu sau mắc bệnh hiểm nghèo mất năm 1987, bà Hải là con gái thứ hai và là chị gái của bà Nguyễn Thị Thu (mẹ của 3 cháu). Bà Thu mất đi để lại cho bà 3 đứa trẻ mồ côi.

Vừa rót nước mời khách bà Hải vừa kể: “Khi có với mẹ nó 3 cháu: Cháu đầu Nguyễn Thị Oanh (sinh 1992), lần thứ hai sinh đôi hai cháu Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Thị Thoa (năm 1999), vì lý do không có con trai nối dõi tông đường nên bố các cháu bỏ mẹ con đi biệt tăm. Cũng vì lý do đó mà các cháu đều mang họ mẹ”.

Bị kịch ập đến gia đình khi đầu năm 2001, bà Nguyễn Thị Thu bắt đầu lâm bệnh. Lúc đó gia đình đã cố gắng chạy vạy vay mượn hàng xóm láng giềng được hơn chục triệu đồng đưa bà lên bệnh viện tỉnh chữa trị nhưng rồi bà cũng đã từ giã cõi đời sau 2 năm đau đớn với căn bệnh phổi quái ác. BàThu mất năm 2003, khi đó cháu Thanh và Thoa chưa đầy 5 tuổi.

“Từ khi mẹ nó ốm đến khi mẹ nó mất, trong nhà không còn một cái gì. Khoản tiền nợ vay từ lúc đó đến bây giờ cũng chưa có để trả. Cũng từ đó, hàng ngày mấy bác cháu phải bớt ăn, bớt mặc không dám tiêu pha gì, khổ nhất là về mưa bão, nhà dột tứ tung, trong nhà cũng như ngoài sân, mấy bác cháu phải giăng áo mưa để có chỗ trú chân”, bà Hải rưng rưng kể.

Nhớ lại nhiều hôm nhìn các cháu cơm ăn không đủ no để đi học, bà Hải lại ngồi rơi nước mắt: “Trước đây có mẹ các cháu, công việc đồng áng còn có người làm, chứ bây giờ được hơn 2 sào ruộng mà thân tôi thì bị bại liệt nên cứ đến mùa cấy, gặt thì lại phải bỏ tiền thuê người làm nên tính ra mỗi vụ trừ chi phí cũng chỉ còn vài tạ thóc, không đủ ăn”.

Được cái cả 3 cháu đều ngoan ngoãn và học giỏi, năm nào các cháu cũng được học sinh tiên tiến. “Khi mẹ nó mất, hai đứa còn bé lắm, mỗi khi nhìn di ảnh mẹ, chúng nó khóc suốt ngày. Nhiều hôm các cháu nằm mơ gọi mẹ, tôi chỉ biết ôm các cháu và khóc”, bà Hải kể.

Oanh sắp bước vào kì thi đại học nhưng ước mơ được học tiếp của em có thành sự thật không khi gánh nặng gia đình sắp đặt lên đôi vai nhỏ bé của em? Nhiều lần Oanh tủi thân, chán nản, thấy bác và các em vất vả khổ cực nên Oanh đã tính tới chuyện nghỉ học: “Thấy những lúc bác một tay bại liệt, một tay cầm cào đi làm cỏ lúa, em đã nghĩ tới bỏ học để ở nhà làm việc gia đình và lo cho các em ăn học. Nhưng biết chuyện đó bác em lại một mực động viên và bắt em phải đi học. Bác nói với em, cháu mà nghỉ học thì sẽ không có tương lai, vì thế mà em mới gắng gượng học được đến bây giờ”.

Chia tay gia đình bà Hải và chị em Oanh vào lúc mặt trời đã đứng bóng, tôi còn nhớ như in hình ảnh em Oanh cầm giấy báo nộp hồ sơ thi vào trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, và nói: “Em làm hồ sơ thế này thôi chứ đến hôm đó không biết có đi thi không nữa”.

Hoàn cảnh của bà Hải và giấc mơ của em Oanh có thành hiện thực hay không, rất mong nhận được sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin quý vị gửi cho bà Hải và em Oanh theo địa chỉ trên hoặc Văn phòng báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng – TP Cần Thơ, ĐT: 07103835431; chúng tôi sẽ chuyển giúp tới quý vị.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất