| Hotline: 0983.970.780

“Bạc mặt” vì tôm chân trắng

Thứ Tư 08/12/2010 , 10:28 (GMT+7)

Bên cạnh những hộ nông dân phất lên nhờ con tôm này, không ít người điêu đứng vì cả đống nợ đổ xuống đầu.

Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đang tăng nhanh ở Quảng Trị. Bên cạnh những hộ nông dân phất lên nhờ con tôm này, không ít người điêu đứng vì cả đống nợ đổ xuống đầu.

Mất 130 triệu trong 1 đêm

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị: Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đến nay đã tăng 289 ha so với năm 2009 và đạt 750/1.050 ha tổng diện tích nuôi tôm của toàn tỉnh.

Chúng tôi tìm về vùng bãi ngang ven biển thuộc huyện Triệu Phong - huyện có diện tích nuôi tôm chiếm đến khoảng 50% diện tích nuôi tôm của tỉnh. Đang ít dần đi những cảnh máy san ủi hồ tấp nập, nông dân trải bạt nuôi tôm với giấc mơ đổi đời từ bãi cát, con tôm. Không ít hồ tôm đã bị bỏ hoang. Hồ trơ đáy, guồng sục khí nằm chỏng chơ, nhà canh tôm bị tháo dỡ. Đâu đó, trong câu chuyện bên chén trà, điếu thuốc của mấy bác nông dân là hoàn cảnh ông này, nhà kia nuôi tôm bị thua lỗ liên tiếp nhau. Nợ ngân hàng chất đống, lãi còn không trả nổi, nói chi nợ gốc. 

Nhiều hồ tôm ở Triệu An cạn trơ đáy, guồng sục khí nằm chỏng chơ

Anh Dương Văn Minh, người thôn Hà Tây, xã Triệu An (Triệu Phong) dẫn chúng tôi ra vùng cát dài bên mép biển Cửa Việt rộng cả trăm hecta, được quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng. “Từ đầu tháng 7, tui lặn lội vô tận Quảng Nam chọn từng con giống, rồi thuê xe vận chuyển ra tới hồ để xuống giống. Nghĩ sẽ gỡ lại chút vốn liếng thua lỗ trong vụ trước. Ai ngờ lại trắng tay tiếp. Nản quá” – anh Minh kể.

Vụ vừa qua, anh Minh thả hơn 6 vạn tôm giống xuống 7 sào hồ trải bạt. Tiền giống, thức ăn cho tôm trong 3 tháng tiêu tốn gần 200 triệu đồng. Hai tháng đầu tôm ngoi lên ăn đều, anh căn cứ theo tốc độ tăng trưởng của tôm để tăng dần lượng thức ăn. Nhưng cuối tháng thứ ba, tôm có dấu hiệu phát bệnh đỏ đuôi. Anh giảm dần lượng thức ăn và nâng độ pH của nước hồ, rồi dùng các thuốc trị bệnh, nhưng cũng chẳng ăn thua.

Cuối vụ, gia đình anh Minh chỉ thu được 6,5 tạ tôm, bán mỗi kg tôm (loại 90-100 con/kg) với giá dao động 60-70 nghìn, số tiền thu lại được hơn 40 triệu. Lỗ trắng 160 triệu, chưa kể đến công cán cả gia đình 4-5 người trần lưng mấy tháng bám hồ, chăm tôm...

Theo con đường quốc phòng ven biển Cửa Việt, chúng tôi sang vùng tôm lân cận - xã Triệu Lăng. Nhà ông Tụ mất 130 triệu chỉ trong một đêm vì tôm chân trắng chết sạch là sự kiện xảy ra 4 tháng rồi nhưng vẫn là chuyện “thời sự nóng” mà bà con vẫn chưa ngớt bàn tán. Ông Nguyễn Quang Tụ đang là Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Lăng, nhà ông ở thôn 5. Điều trớ trêu, là trưởng hội nông dân và ông Tụ nắm rõ các lý thuyết, kinh nghiệm nuôi tôm thuộc hàng nhất nhì xã thì lại là hộ lỗ nhiều nhất. 

Lỗ hàng trăm triệu trong 2 vụ tôm liên tiếp, anh Dương Văn Minh và anh Lê Văn Phục chùng mặt xuống nói về nợ ngân hàng đang chồng đống

Ông Tụ kể vẫn chưa hết bàng hoàng: “Do mùa bão lũ năm ngoái phá vỡ hồ nên một vụ không nuôi được. Đến đầu hè, gia đình tôi gắng xoay vốn đầu tư làm 2 hồ (tổng diện tích 7.000m2) với 30 triệu tiền giống. Tôm phát triển rất tốt, nhưng khoảng chục ngày nữa là thu hoạch thì “sinh chuyện”. Thời tiết nóng, guồng máy sục khí trong hồ hầu như phải quay 24/24h. Hôm đó cả ngày cúp điện, cả nhà 4 người phải trực luân phiên đổ dầu chạy máy sục khí nên rất mệt. Đến tối điện có lại và chúng tôi đinh ninh sẽ có suốt đêm nên về nhà nghỉ. Khoảng 2h sáng, tôi tỉnh giấc thì phát hiện điện lại cúp, vội vàng chạy xuống hồ thì tôm đã chết gần hết”.

 Ông tức tốc hô hoán nhờ hàng xóm láng giềng gấp rút xuống thu hoạch tôm ngay trong đêm. Lúc đầu, tôm chết còn bán được 20 nghìn/kg. Sau do nhiều quá, không ai mua hết phải đem tôm lên phơi khô để… ăn dần. Gia đình ông lỗ 130 triệu đồng trong nửa đêm bất cẩn.

Đâm lao, phải theo lao

Mấy năm gần đây, nguồn lợi thủy hải sản từ vùng biển dọc bãi ngang này đang giảm dần. Nhiều hộ ngư dân không kiếm được nhiều lợi nhuận đã thôi không theo nghề đi biển. Phần lớn trong số họ chuyển sang nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, nghề này dù cần vốn lớn nhưng “dễ” thu lợi nhuận cao và nhanh.

Khi hỏi các hộ tôm thua lỗ trong vụ vừa rồi, liệu vụ tới đây có đầu tư nuôi nữa hay không? Kể cả đối với những hộ đã lỗ liên tiếp 2-3 vụ như anh Minh, anh Phục… Tất cả họ đều trả lời, dù biết nuôi tôm thẻ chân trắng có nhiều rủi ro đó, nhưng vẫn sẽ tiếp tục nuôi. Bởi nợ ngân hàng, nợ tư nhân, nợ tiền thức ăn nuôi tôm, xăng dầu chạy máy của các đại lý… từ vụ trước chất đống. Ngoài nuôi tôm ra, không kiếm được nghề khác để lo đủ tiền trả nợ. “ Đã “đâm lao phải theo lao” thôi chứ biết làm răng?” – anh Minh não nề.

Theo báo cáo lên cấp trên của UBND xã Triệu An: Trong tổng 110ha diện tích nuôi tôm của xã thì chiếm hơn 70% là nuôi tôm thẻ chân trắng. Tập trung nhiều nhất ở 2 thôn: Phú Hội, Hà Tây. Vụ vừa qua, chỉ có khoảng 35% hộ nuôi bị lỗ, còn lại là có lãi ròng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Nhưng đến khi chúng tôi hỏi các hộ tôm để “chắc chắn” với con số tỉ lệ bị lỗ trên thì bà con đều cho biết, con số ấy thiếu thực tế. “Vụ vừa rồi, xã tui chí ít cũng có đến khoảng 60% bị lỗ” – một người nuôi tôm cho biết. 

Nuôi tôm, bao giờ chuyên nghiệp?

Làm chủ tịch ở xã có “vựa tôm” lớn nhất nhì tỉnh, ông Hoàng Cộng Hòa - Chủ tịch UBND xã Triệu An xác nhận: “Tính cộng đồng trong các hộ nuôi tôm với nhau yếu lắm!”. Ông dẫn chứng: Khi một tôm một hộ có bệnh, họ vẫn vô tư thải nước ẩn chứa mầm bệnh ra ngoài không tính toán, hộ khác hút lại nguồn nước đó vào hồ tôm nên dịch bệnh lan rất nhanh. Rồi cay đắng hơn, không ít lần người ta “bắt” được chủ hồ “láng giềng” có bệnh, vốc cả nắm tôm bệnh quăng sang hồ nhà người khác, lỡ tôm có chết, thì cũng… “chết chung”!
Đặc điểm riêng của tôm thẻ chân trắng là khi mắc bệnh chết, tôm không dạt vào bờ mà chìm ngay xuống đáy ao nên rất khó quan sát. Anh Hồ Văn Xuân (ở xóm Đồng, Triệu An), đầu lắc nguầy nguậy: “Tin không nổi! Thả 60 vạn giống, dự tính thu hoạch ít nhất cũng 2-3 tấn. Cuối vụ, tôi kéo lên chỉ được… 2,5 kg. Mới biết do tôm chết chìm xuống đáy mà không biết, cứ theo người ta, tăng dần lượng thức ăn làm nước càng ô nhiễm, tôm càng chết nhiều hơn”.

Ông Hoàng Cộng Hòa - Chủ tịch UBND xã Triệu An giải thích về nguyên nhân bị lỗ liên tục do tôm chết: “Vừa qua, nhiều đoàn chuyên môn đã về nghiên cứu và kết luận, nguyên nhân là do các hộ nuôi không theo quy hoạch của xã. Khi thấy hộ khác “trúng quả” dễ thế, người ta lại đua nhau vay tiền, làm hồ, thả giống. Nhiều hộ thiếu vốn, lại đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ và chưa được tính toán kĩ”.

Cũng bởi họ ham nguồn giống giá rẻ nên rất dễ “rước về” giống tôm kém chất lượng nên tôm phát triển chậm, sức đề kháng yếu. Rồi các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt khi nuôi tôm chân trắng lại không được mấy hộ chú ý, chủ yếu họ dựa theo kinh nghiệm “học lóm” được từ hàng xóm.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất