| Hotline: 0983.970.780

Bác sĩ già chuyển nghề báo để... làm từ thiện

Thứ Năm 12/08/2010 , 12:58 (GMT+7)

Sau khi về hưu, Trung tá - Thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi (CTV báo NNVN) dành quãng đời còn lại để làm từ thiện. Hơn 10 năm làm việc không lương, ông đã đi tìm những người yếm thế, nạn nhân phơi nhiễm chất độc da cam để viết báo xin tiền cho họ.

Sau khi về hưu, Trung tá - Thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi  (CTV báo NNVN) dành quãng đời còn lại để làm từ thiện. Hơn 10 năm làm việc không lương, ông đã đi tìm những người yếm thế, nạn nhân phơi nhiễm chất độc da cam để viết báo xin tiền cho họ.

Ông Chi trên ca nô đi cứu trợ bão lụt.
Người thầy thuốc già ấy vừa được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì những nghĩa cử cao đẹp.

Tuổi thơ bất hạnh

Sinh ra trên vùng đất Hội An (Quảng Nam), bác sỹ Trang Xuân Chi có một "tuổi thơ dữ dội". Mới 9 tuổi đã mồ côi mẹ, hai năm sau tiếp tục mồ côi cha, tình thương yêu của bà nội là chỗ dựa duy nhất của cậu bé bất hạnh. Chưa kịp nguôi ngoai nỗi buồn mồ côi, khói lửa chiến tranh tràn về vùng quê yên bình. Năm lên 12 tuổi, cậu bé Chi phải theo bà nội cùng người làng đi bộ hơn 300 cây số ngược vào Nam để tránh đạn bom. Dừng chân tại xã Nhơn Phong (An Nhơn, Bình Định) được một năm, bà nội lại bỏ cậu bé Chi ra đi. Cậu bé 13 tuổi phải đi ở cho người trong làng làm công việc chăn bò kiếm sống qua ngày. 

Mới 14 tuổi, cậu bé Chi trở thành thiếu sinh quân của Trung đoàn 120, rồi một năm sau đã là chiến sỹ của Trung đoàn 803 (Liên khu V). Hơn 45 năm làm lính quân y, năm 1992 Trung tá, bác sỹ Trang Xuân Chi, nguyên Chủ nhiệm khoa Nội  (Viện Quân y 13, Quân khu V) về hưu. Là một bác sỹ giỏi, tận tâm với nghề nhiều năm nên sau khi nghỉ hưu, nhiều đề nghị cộng tác tới tấp đến với bác sỹ Chi từ những bệnh viện, phòng khám tư nhân với mức thu nhập cao nhưng ông đều từ chối. Bác sỹ Trang Xuân Chi  tâm sự: “Tôi có một tuổi thơ bất hạnh nhưng vẫn được cuộc đời cho cơ hội sống, trưởng thành. Tiếp đến là chặng đời làm lính quân y, hàng ngày tiếp xúc với những thương tích, mất mát của đồng đội; chuỗi ngày ấy đã âm thầm hun đúc trong tôi ý nguyện làm từ thiện khi có cơ hội như là để trả món nợ mà đời mình đã vay”.

Vậy là từ năm 1998 đến nay, bác sỹ Trang Xuân Chi trở thành tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Bình Định, phụ trách Ban chăm sóc sức khỏe và phòng khám nhân đạo, đặc biệt theo dõi những nạn nhân da cam và người khuyết tật nghèo.

Dốc sức tri ân cuộc đời

Bác sĩ Trang Xuân Chi tác nghiệp nghề báo khi đi cùng một đoàn bác sĩ khám bệnh từ thiện.
Đang trò chuyện với tôi, chuông điện thoại của ông bỗng reo réo. Ông nhanh chóng bắt máy. Nghe cuộc đàm thoại và nhìn nét mặt tươi vui của ông, tôi hiểu ông vừa được một nhà hảo tâm nào đó ủy nhiệm niềm tin, nhờ ông trao tiền giúp đỡ cho một mảnh đời bất hạnh mà ông đã “kêu” trên báo.

Ông là vậy. Nghe ở đâu có mảnh đời bất hạnh là lập tức lên đường, dù nơi đó là miền núi hay làng chài trên khắp 11 huyện, thành phố của tỉnh Bình Định. Đi nhờ được xe công thì đi, không thì ông mang theo cái máy ảnh dong xe máy bất chấp tuổi 74 của mình. Ông đi thực tế, chụp hình rồi về viết báo. Những bài báo của ông không nhiều chữ nghĩa, không rườm rà tình cảnh nhưng luôn đánh động lòng người. Bởi đối tượng nào mà đã được ông “kêu” trên báo hẳn là đang cần kíp sự cứu giúp của xã hội. Là nhà báo nghiệp dư nhưng ông Chi luôn được cánh làm báo ở Bình Định nhắc đến với tấm tình đầy cảm phục và kính trọng. Bởi mỗi bài báo của ông là một tiếng kêu. Sau mỗi tiếng kêu của ông sẽ có nhiều tấm lòng rộng mở. Và sau nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, hàng chục, hàng trăm con người đã được cứu sống, đã vượt qua được những căn bệnh hiểm nghèo.

Từ những “tiếng kêu” của ông Chi, chỉ tính trong 5 năm gần đây (2005-2009), số tiền mà bạn đọc của hàng chục tờ báo trên cả nước, các nhà hảo tâm gửi về cứu giúp bệnh nhân nghèo, những mảnh đời bất hạnh không chỉ ở Bình Định mà cả ở Phú Yên, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Yên Bái... lên đến vài tỷ đồng. Riêng năm 2009, ông Chi đã “kiếm” được 700 triệu đồng, cứu chữa được hàng chục trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh.

Chất độc da cam -  nỗi trăn trở cuối đời

Toàn tỉnh Bình Định hiện có khoảng gần 64.000 người khuyết tật, trong đó có hơn 14.000 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Là người đứng mũi chịu sào về mảng nạn nhân da cam nên trong suốt hơn 10 năm qua, bác sỹ Trang Xuân Chi đã lặn lội tận hang cùng, ngõ hẻm của 158 xã, phường trong tỉnh. Ông đi để phổ biến chuyên đề khử độc chất phơi nhiễm dioxin. Ông đi để điều tra, thu thập danh sách, chụp ảnh những đối tượng da cam. Chỉ với cái máy ảnh cà tàng nhưng những tấm ảnh ông chụp đã nói lên hết những nỗi đau da cam và chúng đã được sử dụng làm tài liệu tuyên truyền trực quan trước dư luận quốc tế. Hình ảnh của hàng chục nạn nhân da cam do ông chụp đã có mặt trong tập sách ảnh của vợ chồng ông Nishimura, hội viên Hội Nạn nhân da cam Nhật Bản được phát hành tại Tokyo vào năm 2007.

Nhìn thấy cặp tài liệu được đặt ở vị trí trang trọng ở kệ sách, trên gáy cặp tài liệu ghi 2 chữ rất to “DA CAM” tôi mới hiểu được nỗi đau đáu mà bác sĩ Chi hướng về những mảnh đời bất hạnh này đến thế nào. Tấm lòng của ông Chi "lây" cả sang vợ và con. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoàng, vợ ông Chi, là dũng sĩ diệt Mỹ, vốn là đồng nghiệp của ông, giờ lại là người trợ lý đắc lực của ông trong hoạt động từ thiện. Bà vẫn thường lên bến xe Quy Nhơn nhận quà của những nhà hảo tâm qua sự kết nối của ông Chi rồi chuyển đến từng địa chỉ. Có nhiều trường hợp ông Chi phát hiện được đang trong tình cảnh hết sức ngặt nghèo, ông về nhà vận động 2 người con con trích tiền lương, tiền thưởng hùn với tiền nhuận bút, tiền lương hưu của 2 vợ chồng để ông lặng lẽ đi giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất