| Hotline: 0983.970.780

Bài học "không đụng hàng" ở Mai Đình

Thứ Hai 29/11/2010 , 10:35 (GMT+7)

Là địa phương đặc thù nửa nông thôn nửa thành thị, Mai Đình đã uyển chuyển tận dụng triệt để lợi thế của mình trong xây dựng NTM.

Chuyển đổi hướng canh tác, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân là một trong nhưng tiêu chí hướng đến quan trọng nhất của Chương trình Xây dựng NTM ở nước ta. Là địa phương đặc thù nửa nông thôn nửa thành thị, xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) đã biết uyển chuyển, linh hoạt trong phát triển kinh tế nhằm tận dụng triệt để thế mạnh của mình.

Mai Đình (một trong 4 xã được chọn xây dựng điểm NTM của Hà Nội) xưa vốn là một xã thuần nông của huyện Sóc Sơn nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30 km về phía Bắc. Với địa thế như một dải yếm bao quanh sân bay Nội Bài, có tuyến đường 131 nối liền Quốc lộ 2 - 3 xuyên suốt nên có thể khẳng định, Mai Đình có ưu thế về vị trí địa lí trong phát triển kinh tế. Nhưng từ khi các khu công nghiệp tìm về, diện tích đất nông nghiệp của xã cũng từ đó mà thu hẹp dần, diện mạo của một vùng đô thị cũng hình thành khiến cách làm nông nghiệp của người dân Mai Đình phải thay đổi cho phù hợp.

Đặc thù những cánh đồng ở Mai Đình rất màu mỡ nhưng nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp thường xuyên gặp khó khăn vì ruộng ở đây cao. Nếu chỉ trông chờ vào cây lúa hay phát triển thủy sản, tiểu thủ công nghiệp thì rất khó khăn. Chính vì thế mà mấy năm trở lại đây, người dân Mai Đình tự khơi thông cho mình một hướng đi mới trong phát triển kinh tế đó là chuyên canh rau màu. Đặc điểm của rau màu là thời gian thu hoạch nhanh, diện tích không cần quá lớn, trong khi đó, đất nông nghiệp bình quân trên đầu người ở Mai Đình chỉ xấp xỉ trên dưới một sào nên chủ trương phát triển cây rau màu ở Mai Đình là hoàn toàn đúng đắn.

Không chút giấu giếm, chị Phạm Thị Hải Yến ở thôn Đạc Tài đang bán dưa cạnh đường 131 cho biết, trước đây nhà chị chủ yếu trồng lúa tẻ như mọi vùng quê khác, bán mặt cho đất bán lưng cho trời quanh năm cũng chỉ gọi là đủ ăn. Từ khi KCN Nội Bài được xây dựng, ruộng nhà chị chỉ còn lại một nửa, nếu chỉ chong chong trông vào cây lúa chắc chắn sẽ thiếu ăn. Đúng lúc đó, thấy người dân trong làng trồng dưa lê bán chị cũng hưởng ứng làm theo cho đến tận ngày hôm nay.

Chị Yến bảo, trồng dưa lê tuy vất vả nhưng thu nhập khá, trừ hết chi phí mỗi ngày chị vẫn còn bỏ túi được một vài trăm nghìn. Theo trưởng thôn Nguyễn Bá Thập, hiện Đạc Tài có hơn 200 hộ thì nhà nào cũng trồng dưa bán, ít thì vài thước, nhiều lên tới vài sào. Ông Thập làm một phép toán so sánh đơn giản, nếu trồng lúa với năng suất cao nhất là 2 tạ/sào thì một năm thu hoạch từ lúa không quá 3 triệu đồng. Nhưng trồng dưa lê vừa làm vừa chơi một năm cũng bỏ túi gần hai chục triệu đồng, như vậy ai dại gì mà đi trồng lúa.

Không đụng hàng với thôn Đạc Tài, thôn Lạc Nông lại chọn hướng phát triển cây ngô nếp bán cho người đi đường. “Nếu đi xe máy dọc con đường 131, hễ tới chỗ nào có hai hàng cây xanh mướt, phía dưới các bà, các chị đang nổi lửa luộc ngô khói bốc lên nghi ngút là đích thị đến thôn Lạc Nông rồi đó”, trưởng thôn Lạc Nông Đỗ Xuân Vân giới thiệu với tôi như vậy. Ông Vân chia sẻ, thôn Lạc Nông giờ hơn 800 khẩu nhưng chỉ có 55 mẫu ruộng nếu không trồng ngô nếp thì chẳng biết trồng cây gì. Từ khi cây ngô nếp được trồng phổ biến ở Lạc Nông, cuộc sống của người dân tuy không giàu có nhưng chắc chắn dư dả dễ thở hơn rất nhiều.

Không chịu thua kém hai thôn Lạc Nông và Đạc Tài, bà con thôn Lệ Mật và thôn Hoàng Dương cũng đua nhau phát triển kinh tế bằng cách chuyển đồi từ trồng lúa sang chuyên canh cây mía tím và các loại rau bí cung cấp cho khu vực nội thành Hà Nội. Thu nhập hàng năm cũng hơn chục triệu đồng/sào, chẳng thua kém bán ngô hay dưa lê là mấy.

Nhưng tại xã Mai Đình hiện có những thôn như Hương Đình Đoài thì không thể phát triển cây rau màu vì diện tích đất nông nghiệp còn lại quá nhỏ. Theo trưởng thôn Nguyễn Văn Quyết, sắp tới khi giao nốt số đất còn lại cho các KCN và đường cao tốc thì 800 nhân khẩu ở Hương Đình Đoài mỗi người chỉ được chưa đầy 30 mét vuông ruộng. “Mảnh ruộng bằng bàn tay như vậy anh bảo làm sao mà cấy lúa trồng khoai được. Thôn tôi lại không có nghề phụ nên chỉ còn cách duy nhất là thành phố cho phép chuyển đổi sang đất dịch vụ. Nhưng mà làm dịch vụ gì chúng tôi chưa nghĩ ra nhưng chắc chắn chỉ có thể làm dịch vụ mà thôi", ông Quyết tâm sự.

Chủ tịch UBND xã Mai Đình Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, để hoàn thành đúng tiến độ đến năm 2012, Mai Đình cơ bản trở thành một xã NTM, áp lực không hề nhỏ bởi Mai Đình xuất phát muộn hơn các địa phương khác. Nhưng với lợi thế nhất định về địa lý, đặc biệt thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 17 triệu đồng/người/năm, người dân Mai Đình lại năng động chịu khó, đây sẽ là tiền đề vững chắc cho Mai Đình bứt phá.
“Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, không phải nơi nào cũng đem mô hình của Mai Đình ra mà áp dụng được, bởi mỗi địa phương có một thế mạnh riêng. Ví dụ như Đại Áng (Thanh Trì) người dân sống chủ yếu vẫn dựa vào cây lúa, Thụy Hương (Chương Mỹ) là trồng hoa và nuôi trồng thủy sản, riêng xã Song Phượng (Đan Phượng) người dân nơi đây buôn bán nông sản thì không ai sánh kịp... Điều đó có nghĩa là trong quá trình xây dựng NTM, tiêu chí phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân phải có sự linh hoạt với từng địa phương; nơi nào có thế mạnh gì thì trọng tâm đầu tư phát triển thế mạnh đó, tránh làm theo kiểu tràn lan cào bằng sẽ rất khó để thành công.

Một bài toán không nhỏ đặt ra ở đây là cần có kế hoạch tuyên truyền, quy hoạch nơi bán hàng thuận lợi cho bà con. Tránh để xảy ra tình trạng phát triển manh mún tự phát gây mất an toàn giao thông như hiện nay thì việc kinh doanh buốn bán nông sản của người dân Mai Đình mới thật sự thấu đáo.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.