| Hotline: 0983.970.780

Bài học làm chủ thị trường lợn và thịt lợn

Thứ Năm 27/04/2017 , 13:45 (GMT+7)

Cơn bão “tàn phá” của ngành chăn nuôi lợn vừa qua và hiện nay là bài học tuy đắt giá, nhưng sẽ giúp cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hay nhỏ trưởng thành.

Trong 6 tháng gần đây giá lợn hơi giảm mạnh làm cho ngành chăn nuôi lợn điêu đứng, suy sụp như gặp bão lớn. Những doanh nghiệp chăn nuôi lớn mỗi ngày lỗ vài tỷ đồng, các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ gán nợ cho ngân hàng bằng “sổ đỏ” có nguy không chuộc lại được. Nợ xấu ngân hàng càng nặng nề; các ngành khác như thức ăn chăn nuôi, thú y… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dây chuyền giết mổ lợn tại Công ty VISSAN. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Cần lưu ý rằng tình trạng này không chỉ xảy ra ở nước ta mà còn ở những nước có nguồn hàng thịt lợn xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc.

Ngày 18/4, tờ Thời báo Hàng tuần (Weekly Times) của Úc đưa tin “hàng trăm lợn bị lò mổ từ chối khi chủ trại đưa lợn đến”. Nguyên nhân là số đầu lợn đưa đến lò mổ vượt quá công suất sản xuất của lò mổ, trong khi nguồn thịt đã chế biến của lò mổ không xuất đi được. Nguồn thịt lợn qua chế biến của Úc xuất sang Trung Quốc đã bị giảm, trong khi đầu lợn của Úc trong tháng 1/2017 tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016.

Do lợn không xuất được phải đưa vào thị trường nội địa, giá thịt lợn ở Úc đã sụt giảm từ 3,7 USD/kg thịt xẻ (tương đương 82.880 đồng) ở cuối năm 2016 xuống còn 3,0 USD (tương đương 67.200 đồng) ở đầu tháng 4/2017. Nếu tính từ tuần thứ hai của tháng 1/2017 đến tuần cuối tháng 4, giá lợn đã tiến gần sát với giá sản xuất là 2,8 USD/kg thịt xẻ (tương đương 62.720 đồng). Chủ tịch Nhóm Chăn nuôi Lợn của Liên đoàn các Trại chủ bang Victory John Bourke nói: “Nếu mỗi kg thịt xẻ giảm 20 cent/tuần thì thật là một khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn của Úc” (dẫn theo Kath Sullivan trên Weekly Times ngày 18/4).

Nếu các lò mổ không nhận lợn của các trang trại thì có nguy cơ các trang trại phải bắn bỏ số lợn dư thừa. Các trang trại không thể kéo dài thời gian nuôi để chờ tăng giá, vì thời gian nuôi chỉ cần kéo dài thêm 1 tuần là thân thịt lợn đã không đạt tiêu chuẩn thương mại rồi.

Trong câu chuyện trên, người ta thấy hình như ngành chăn nuôi lợn của Úc chưa lường hết được nhu cầu nhập khẩu lợn của Trung Quốc.

Thường vào dịp tết âm lịch, nhu cầu nhập khẩu lợn của Trung Quốc tăng, nhưng tết năm nay nhu cầu thịt lợn không tăng theo dự kiến. Jim Long, chủ tịch và là CEO của tập đoàn cung cấp giống Genesus Genetics của Trung Quốc trên trang The Pig Site ra ngày 19/4 viết rằng: “Trung Quốc trong tháng 2/2017 nhập 181.900 tấn thịt lợn, tương ứng khoảng 2 triệu tấn thịt lợn nhập cả năm, và hàng năm số thịt lợn nhập tăng 153,8%. Do nhu cầu tiêu thụ lớn, Trung Quốc còn phải nhập khẩu thịt lợn nhiều, nhất là khi nhiều trại lợn buộc phải đóng cửa hay giải thể vì vi phạm luật bảo vệ môi trường”.

Tuy nhiên, Jim Long cũng cho biết thêm, khu vực kinh tế lợn là một khu vực nóng đối với các nhà đầu tư của Trung Quốc trong năm 2016. Tổng đầu tư về lợn từ các Cty công trong thị trường chứng khoán chiếm 41,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 6 tỷ USD), chiếm 84,4% tổng đầu tư của khu vực chăn nuôi, tăng 9,5 lần so với năm 2015. Năm 2016 Trung Quốc có 153 dự án chăn nuôi lợn triển khai ở 22 tỉnh trong cả nước. Theo công suất thiết kế, ước tính những cơ sở chăn nuôi mới này sẽ sản xuất 27 triệu lợn mỗi năm.

Câu chuyện sản xuất dư thừa, cung vượt cầu của ngành chăn nuôi lợn của Úc cũng cho thấy, chính các lò mổ là cơ sở điều tiết số lượng lợn nuôi ở các trang trại. Một khi năng lực chế biến vượt quá công suất thiết kế thì lợn sống không thể đi vào lò mổ, người nuôi buộc phải tự điều chỉnh quy mô đàn. Nếu đầu ra chỉ có một cửa (trường hợp ở đây là Trung Quốc), mà cửa này bị đóng hay thu hẹp lại thì lợn chế biến trong lò mổ bị dồn đống lại.

Để tháo gỡ, lợn đã qua chế biến ở lò mổ phải đưa vào tiêu thụ ở thị trường nội địa; điều này làm giảm giá, gây thiệt hại cho cả người nuôi và người chế biến. Thị trường chính là tác nhân điều chỉnh quy mô và sự đầu tư của nhà chăn nuôi. Ngành chăn nuôi lợn của Úc vẫn có thể dự báo không đúng về nhu cầu thị trường, tuy nhiên họ sớm biết điều chỉnh và nhanh chóng làm chủ thị trường.

Trong trường hợp của Việt Nam, xuất khẩu lợn sang Trung Quốc là xuất khẩu lợn sống và chủ yếu qua con đường tiểu ngạch, không có hợp đồng lâu dài, rủi ro phá vỡ hợp đồng là rất lớn.

Vì vậy không thể trách Nhà nước thiếu thông tin thị trường hoặc không mở các thị trường khác để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn. Không ai khác, chính các doanh nghiệp, tức người bán hàng phải tìm hiểu thông tin thị trường và làm chủ thị trường. Người chăn nuôi nhỏ không có năng lực này thì phải dựa vào các doanh nghiệp lớn để tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình.

Cơn bão “tàn phá” của ngành chăn nuôi lợn vừa qua và hiện nay là bài học tuy đắt giá, nhưng sẽ giúp cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hay nhỏ trưởng thành.

(Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.