| Hotline: 0983.970.780

Bài học Nam Định được mùa

Thứ Tư 23/06/2010 , 11:53 (GMT+7)

Mặc dù thu hoạch lúa xuân trong điều kiện nắng nóng gay gắt kỷ lục, nhưng bà con nông dân Nam Định rất phấn khởi trong không khí lại được mùa.

Mặc dù thu hoạch lúa xuân trong điều kiện nắng nóng gay gắt kỷ lục, nhưng bà con nông dân Nam Định rất phấn khởi trong không khí lại được mùa.

Vụ xuân 2010, toàn tỉnh Nam Định gieo cấy xấp xỉ 78.000 ha lúa và đến nay cơ bản đã thu hoạch xong. Năng suất lúa trung bình toàn tỉnh dự kiến đạt 69 - 70 tạ/ha, cao hơn 1,5 – 2,5 tạ/ha so với vụ xuân 2009. Trong đó các huyện phía Bắc tỉnh, năng suất đạt 61 – 62 tạ/ha như Vụ Bản, Ý Yên và Mỹ Lộc. Các huyện phía Nam tỉnh có điều kiện thâm canh cao, năng suất đạt 73 – 75 tạ/ha, như Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Hải Hậu... Đặc biệt có 30 HTX điển hình đạt năng suất cao 78 - 80 tạ/ha, tăng 8 – 10% năng suất so với trung bình của huyện, như: Giao Tiến, Giao Hải - Giao Thủy; Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình - Nghĩa Hưng; Hải Minh, Hải Xuân - Hải Hậu…

Có được kết quả trên là do sự cần cù, chăm chỉ gắn bó với đồng ruộng của bà con nông dân. Bên cạnh đó còn có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tỉnh, Ngành nông nghiệp & PTNT, cấp ủy chính quyền các địa phương thông qua việc thực hiện đồng bộ các biện pháp chỉ đạo sản xuất từ tỉnh đến cơ sở, đó là:

Thứ nhất là bố trí cơ cấu giống và thời vụ: Hầu hết các giống lúa đều sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao. Với 100% trà lúa xuân muộn nên cơ bản diện tích lúa của Nam Định trỗ bông, kết hạt tập trung từ ngày 5 – 15/5 và gặp điều kiện thời tiết rất thuận lợi, đây là thời kỳ mẫn cảm và quyết định đến tỷ lệ lép cũng như năng suất lúa. Chính vì vậy, tỷ lệ lép của các giống đều thấp và chỉ dưới 10%, đó là một trong những nguyên nhân đạt năng suất cao. Cơ cấu giống lúa lai duy trì ổn định 40 - 50% diện tích các giống năng suất cao như Dưu 527, Nhị ưu 838, Thiên ưu 1025… tại các huyện có điều kiện thâm canh cao, năng suất đạt từ 75 - 80 tạ/ha. Các giống lúa thuần năng suất cao TBR1, BC15… được nhân nhanh vào sản xuất, năng suất đạt từ 65 – 70 tạ/ha. Mô hình gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng được mở rộng trên diện tích gần 1.500 ha, gấp 4 lần vụ xuân 2009 và tăng năng suất 10 – 15% so với lúa cấy, vừa giảm công lao động, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thứ hai là biện pháp khắc phục khô hạn và mặn, nhất là các vùng đất ven biển. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chống hạn và chủ động từ đầu vụ khắc phục lấy nước, trữ nước dẫn vào ruộng khi có nguồn nước xả từ hồ Hòa Bình. Các xã, HTX và Công ty TNHH một thành viên KTCTTL đã chủ động các phương án, mua máy bơm nhỏ và dầu hỗ trợ các vùng lấy nước khó khăn, như xa nguồn nước, phải đấu tát… và cơ bản diện tích đều đảm bảo đủ nước cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.

Thứ ba là hạn chế thiệt hại của dịch bệnh lùn sọc đen ở mức thấp nhất: Mặc dù diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp và khó lường, vừa là sự tích lũy nguồn bệnh từ vụ mùa 2009, vừa là dịch bệnh xảy ra trong vụ xuân 2010. Trước tình hình trên tỉnh Nam Định đã chủ động các biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu vụ, tiêu hủy triệt để nguồn bệnh, xử lý hạt giống, che nilon cho 100% diện tích mạ và phun trừ rầy cho mạ trước khi cấy. Phun trừ tốt rầy di trú, rầy lứa 1 và rầy lứa 2 trên toàn bộ diện tích lúa bị nhiễm rầy; đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn trên 200 lớp và phát trên 100.000 tờ rơi cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và nông dân... Mặc dù diện tích lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen là 1.327 ha, nhưng mức độ thiệt hại là rất thấp, rải rác từng dảnh, khóm… do đó diện tích tiêu hủy chỉ có 0,2 ha và phân bố cục bộ.

Bước vào sản xuất vụ mùa 2010, Nam Định xác định là rất khó khăn do nguy cơ bùng phát dịch bệnh lùn sọc đen và gặp nhiều mưa bão. Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tiếp tục làm tốt công tác nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy…; các địa phương và bà con nông dân tổ chức khoanh vùng, củng cố bờ thửa, bố trí gieo cấy giống lúa lai như Bắc ưu 903 KBL xuống chân đất trũng để giảm thiểu thiệt hại do mưa úng. Hạn chế các giống lúa nhiễm bệnh bạc lá và nhiễm rầy như BT7 (vì rầy là trung gian truyền bệnh lùn sọc đen). Thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ: xử lý triệt để nguồn bệnh trên rơm rạ, cỏ dại, xử lý thuốc cho toàn bộ hạt giống trước khi gieo và phun trừ rầy cho mạ trước khi cấy. Theo dõi và phun trừ rầy các lứa sau theo hướng dẫn của Chi cục BVTV và đề nghị có kết quả dự tính, dự báo sớm thông qua ruộng chỉ thị (cấy lúa sớm) và hệ thống bẫy đèn…

Với kết quả được mùa ở vụ xuân 2010 và những kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất, nhất là phòng ngừa dịch bệnh lùn sọc đen ở vụ mùa 2009 và xuân 2010 là những bài học quý báu cho tỉnh Nam Định trong sản xuất. Hy vọng Ngành Nông nghiệp & PTNT của tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thắng lợi trong những vụ mùa tiếp theo.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.