| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 21/01/2013 , 10:14 (GMT+7)

10:14 - 21/01/2013

Bài học thương hiệu

Đăk Lăk sẽ phải chờ ít nhất tới năm 2015 mới được phía Trung Quốc tiến hành xem xét vụ kiện đòi lại thương hiệu cà phê “Buôn Ma Thuột”.

Đăk Lăk sẽ phải chờ ít nhất tới năm 2015 mới được phía Trung Quốc tiến hành xem xét vụ kiện đòi lại thương hiệu cà phê “Buôn Ma Thuột”. 

>> 2015 mới được xem xét

Thông tin đáng buồn trên được ông Trịnh Đức Minh – Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đăk Lăk đưa ra cuối tuần trước. Ông này cũng thừa nhận rằng khả năng Việt Nam thắng kiện và đòi được thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột là rất thấp.

Quá trình đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột được phía Việt Nam tiến hành từ năm 2011, sau khi phát hiện một doanh nghiệp Trung Quốc có tên là Cty TNHH Buôn Ma Thuột Quảng Đông được chính quyền sở tại cấp văn bằng bảo hộ độc quyền 2 nhãn hiệu “Buon Ma Thuot” (kèm 3 chữ tiếng Trung) và “Buon Ma Thuot Coffee” (cùng logo) trong năm 2010, 2011.

 Đến cuối năm 2011, do việc thỏa thuận mua lại thương hiệu này thất bại, lãnh đạo tỉnh Đăk Lăk và Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã quyết định tiến hành khởi kiện công ty phía Trung Quốc.

Tại thời điểm đó, vụ kiện được dự đoán sẽ đạt được thành công dựa trên cơ sở là chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp đăng bạ bảo hộ cho tỉnh Đăk Lăk từ năm 2005. Vụ kiện cũng được cho rằng sẽ chỉ kéo dài trong vòng 2-3 năm, tiêu tốn khoảng 600-800 triệu đồng.

Tuy nhiên, tới thời điểm này thì những người quan tâm tới vụ việc có thể sẽ không còn lạc quan như thế. Hiện giờ Trung Quốc đang là phía “nắm đằng chuôi” vì vụ kiện được xét bởi tòa án Trung Quốc, theo luật pháp Trung Quốc. Việc cố tình kéo dài thời gian xem xét vụ kiện tới năm 2015 của Cục Sáng chế và nhãn hiệu nước này chỉ là một trong những bằng chứng cho thấy sự yếu thế của ta trong vụ kiện.

Trong thời gian kể trên, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đường hoàng sử dụng trái phép thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mà không gặp bất cứ trở ngại gì. Hơn nữa, không có gì để đảm bảo rằng đến năm 2015, phía Trung Quốc sẽ xem xét vụ việc một cách công bằng để trả lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột cho tỉnh Đăk Lăk.

Như vậy, nguy cơ Việt Nam mất trắng thương hiệu cà phê “Buôn Ma Thuột” về tay doanh nghiệp Trung Quốc chỉ vì lơ là, mất cảnh giác là hoàn toàn có thể xảy ra.

Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên một thương hiệu của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài nhanh chân đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại các nước sở tại. Trường hợp tương tự cũng đã xảy ra với Vinataba (năm 2001, doanh nghiệp Indonesia đăng ký độc quyền nhãn hiệu này tại Lào, Campuchia, Thái Lan…), võng xếp Duy Lợi (năm 2002, một người Đài Loan đã đăng ký thành công quyền sở hữu trí tuệ với thiết kế tương tự ở Mỹ), Sabeco (năm 2010) hay mới đây nhất là việc Trung Nguyên bị mất thương hiệu cà phê chồn tại Mỹ.

Việc bị mất thương hiệu vào tay doanh nghiệp nước ngoài không chỉ ngăn cản việc nhập khẩu hàng hóa sang các thị trường khác, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu, lợi nhuận mà còn gây tổn hại tới uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, sau những bài học đắt giá kể trên, nhiều doanh nghiệp Việt dường như vẫn thờ ơ với việc đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình ở phạm vi toàn cầu. Tầm nhìn của nhiều ông chủ doanh nghiệp vẫn còn hạn hẹp khi tự hài lòng và thỏa mãn với việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, sáng chế trên lãnh thổ Việt Nam mà chưa nghĩ đến những thị trường rộng lớn hơn.

Có lẽ, chỉ khi nào thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ của mình bị xâm hại và có ảnh hưởng trực tiếp thì các doanh nghiệp Việt mới chợt giật mình nhận ra tầm quan trọng của việc đăng ký thương hiệu ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi đó thì quá trình đi đòi lại thương hiệu không chỉ khiến các doanh nghiệp tốn kém nhiều tiền của, công sức, thời gian mà khả năng đòi được là vô cùng mờ mịt.

Bình luận mới nhất