| Hotline: 0983.970.780

Bài toán bảo vệ rừng ở Sơn Hồng

Thứ Năm 22/12/2011 , 09:32 (GMT+7)

Câu chuyện bảo vệ và phát triển rừng ở xã biên giới nghèo có đến trên 6.000 nhân khẩu thường sống dựa vào rừng, vốn đã khó nay càng nan giải.

Lực lượng biên phòng dùng dây móc chặn ngang lòng khe đề phòng lâm tặc vận chuyển gỗ qua đường sông

Dịp tháng 10, tháng 11, xã Sơn Hồng – Hương Sơn (Hà Tĩnh) nóng lên khi lực lượng chức năng đã thu giữ trên 40 m3 gỗ ở xã này. Câu chuyện bảo vệ và phát triển rừng ở xã biên giới nghèo có đến trên 6.000 nhân khẩu thường sống dựa vào rừng, vốn đã khó nay càng nan giải.

Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Duy Trinh cho biết: Sau khi phát hiện, thu giữ trên 40 m3 gỗ ở khu vực Sơn Hồng, chúng tôi đã kịp thời lên phương án tiếp tục giữ rừng bằng mọi biện pháp. Huyện đã ra lệnh đóng cửa 58 xưởng cưa xẻ gỗ không có giấy phép hành nghề, theo dõi quản lý đầu vào tại các xưởng cưa đang hoạt động; hạn chế tối đa việc cho dân vào rừng, tịch thu các phương tiện phá rừng; thành lập thêm một số trạm bảo vệ rừng trực 24/24 giờ… 

Nhờ vậy, hiện nay tình trạng phá rừng đã giảm tối đa. Tuy nhiên, cái khó là ở xã miền núi biên giới đất đai sản xuất ít ỏi như Sơn Hồng, để giải quyết công ăn việc làm bền vững cho trên 1.000 hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu để người dân khỏi phá rừng là bài toán mà huyện, xã chưa thể giải được.

Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng Đoàn Anh Thân trăn trở: Vài tháng nay anh em trong xã ít được ngủ bởi phải thay phiên nhau trực ngoài bìa rừng suốt ngày đêm canh chừng nạn phá rừng. Dân Sơn Hồng xưa nay sống dựa vào rừng bởi đất SX nông nghiệp ít ỏi. Điều kiện đất đai, thổ nhưỡng lại khắc nghiệt, năng suất lúa đạt thấp, nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng chỉ đủ ăn dăm ba tháng nên thời gian còn lại buộc họ phải vào rừng mưu sinh kiếm sống. 

Cũng theo Chủ tịch Thân, thời gian gần đây do huyện, xã làm căng, gỗ lớn không thể khai thác vận chuyển được nên một số lâm tặc lén lút chặt những cây lim nhỏ, đẽo vuông vắn, cắt ngắn nhỏ gọn để dễ bề vận chuyển. Đây là những “mánh khóe” mà cơ quan chức năng khó bề đấu tranh, đối phó.

Khi được hỏi, giải pháp nào để vừa ngăn chặn được tình trạng dân xâm hại rừng, vừa phát triển kinh tế bền vững cho dân, ông Thân khẳng định: “Nếu Trung ương có nguồn vốn hỗ trợ thỏa đáng cho dân chúng tôi trồng, bảo vệ rừng và triển khai một số dự án khác thì chắc chắn dân sẽ không vào chặt phá rừng nữa. Chúng tôi có thể phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức như phát triển nghề chăn nuôi, trồng rừng nguyên liệu, cây ăn quả, cây cao su…".

 Đặc biệt là dự án trồng cao su, hiện ở Sơn Hồng đã có nông trường trồng cao su do Cty Cao su Hương Khê lập nên, đây là tín hiệu đáng mừng bởi tuy mới được thành lập một năm nhưng dự án đã thu hút hàng trăm lao động là con em địa phương có việc làm ổn định. Ngoài dự án cao su xã còn đón nhận thêm được dự án nhỏ trồng rừng theo nguồn vốn 147 với gần 100 hộ tham gia, bình quân mỗi hộ có gần 1ha keo đang phát triển tốt. Nếu các dự án nói trên được đầu tư sớm vào Sơn Hồng chắc chắn đời sống kinh tế địa phương sẽ được cải thiện rõ rệt, rừng cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Sơn Hồng là xã miền núi được hưởng chính sách 135, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đang ở tốp cao nhất so với 263 xã, phường trên toàn tỉnh Hà Tĩnh. Câu chuyện để Sơn Hồng trở thành một xã nông thôn mới còn rất dài, nhưng việc hạn chế người dân phải sống bám vào khai thác rừng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân xã biên giới này, chắc hẳn phải được ưu tiên với những chính sách thiết thực.

Ông Phan Văn Nam, thôn 14 xã Sơn Hồng phàn nàn: "Thôn chúng tôi có đến 46 hộ nhưng chỉ có 6 hộ có một ít diện tích ruộng để sản xuất nông nghiệp, còn lại 40 hộ khác không hề có tấc đất ruộng nào. Chúng tôi chỉ biết nhìn vào nghề đi rừng, có vào rừng thì mới có tiền mua gạo nuôi sống gia đình. Thế nhưng thời gian này, tỉnh, huyện, xã cấm không cho dân chúng tôi vào rừng nữa, thế thì thử hỏi chúng tôi sống bằng gì đây?”

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hồng, Phạm Ngọc Anh tâm sự: “Nói thực, tiềm năng để phát triển kinh tế của xã Sơn Hồng chúng tôi không phải không có nhưng kể từ đời cha ông, chưa hề có được một dự án nào đầu tư về quê hương Sơn Hồng. May mắn năm ngoái, được Tập đoàn CNCSVN quan tâm, đầu tư cho dự án trồng mới cao su. Sau thời gian thực hiện, đến nay Cty Cao su Hương Khê đã trồng mới được mấy trăm hecta cao su; giải quyết công ăn việc làm, có thu nhập khá cho hơn 300 lao động địa phương, trong đó hơn 100 người đã trở thành công nhân của Cty, xã chúng tôi rất phấn khởi”.

Cũng theo ông Anh, nếu được sự quan tâm của trên giúp Sơn Hồng quy hoạch phát triển 1.700 ha cao su đại điền cùng với 1.927 ha cao su tiểu điền, nhằm nâng tổng số diện tích cao su trên địa bàn Sơn Hồng lên đạt trên 4.000ha cao su đứng thì lúc đó, Sơn Hồng mới thực sự có cơ hội thay da đổi thịt.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.