| Hotline: 0983.970.780

Bám dân dạy nghề

Thứ Ba 06/03/2012 , 10:27 (GMT+7)

Nông dân chưa muốn học nghề? Đến tận nhà vận động. Nông dân không có thời gian đến lớp? Xuống tận cơ sở mở lớp. Nông dân lúng túng trong việc tiếp thu bài? Giáo viên cầm tay chỉ việc.

Nhiều hộ dân ở Bình Định ăn nên làm ra nhờ nuôi gà an toàn sinh học

Nông dân chưa muốn học nghề? Đến tận nhà vận động. Nông dân không có thời gian đến lớp? Xuống tận cơ sở mở lớp. Nông dân lúng túng trong việc tiếp thu bài? Giáo viên cầm tay chỉ việc.

Đó là cách đào tạo nghề hiệu quả của Trung tâm Dạy nghề huyện Tây Sơn (Bình Định), góp phần tích cực nâng cao năng lực SX của nông dân trên địa bàn.

Cầm tay chỉ việc

Khởi điểm vào năm 2008 với 3 ngành nghề đào tạo: Chăn nuôi, thú y, may công nghiệp. Năm đầu tiên hoạt động, dẫu vận động tuyên truyền rất tích cực nhưng trung tâm cũng chỉ thu hút được 250 học viên tham gia các lớp học. Thế nhưng từ hiệu quả trông thấy sau khóa học đầu tiên, những năm sau đó số lượng học viên là nông dân trên địa bàn tham gia học nghề không ngừng gia tăng.

Nếu như năm 2008 chỉ có 250 học viên dự lớp thì sang năm 2009 tăng đến 450 học viên. Năm sau lên đến con số 650. Và hiện đang ổn định gần 700 học viên tham gia các lớp học. Theo đó, ngành nghề đào tạo cũng phong phú hơn theo nhu cầu của nông dân.

“Từ năm 2009, chương trình đào tạo của chúng tôi không những được mở rộng mà còn đi vào chiều sâu. Chúng tôi không dừng lại ở những lớp “chung chung, đại khái” mà chương trình đào tạo luôn đáp ứng đúng nhu cầu thực tế từng bộ phận nông dân, từng nhu cầu của mỗi địa phương”, ông Trần Văn Nhượng-GĐ Trung tâm Dạy nghề huyện Tây Sơn cho biết.

Theo ông Nhượng, ở địa phương có phong trào chăn nuôi gia súc mạnh, nông dân cần kiến thức về chăn nuôi thì trung tâm sẽ mở lớp. Ở địa phương thuần nông có nhu cầu đào tạo quy trình SX thâm canh, trung tâm mở lớp trồng trọt. Nông dân các địa phương miền núi cần kiến thức trồng rừng SX, trung tâm cũng sẵn sàng.

Ông Nhượng cho biết thêm: “Càng ngày, giáo viên của trung tâm càng chịu thêm áp lực về công tác đào tạo để đáp ứng kịp với tiến bộ KH- KT. Do đó, giáo viên của trung tâm phải không ngừng tự học, tự nghiên cứu và giáo án đào tạo phải được thay đổi từng thời điểm để mang lại hiệu quả cao”.

Thách thức lớn nhất của các trung tâm dạy nghề ở Bình Định là học viên có độ tuổi, giới tính, trình độ khác nhau nên mức hấp thụ kiến thức cũng không đồng đều. Do đó, để mang lại hiệu quả, trung tâm đã thiết lập phương pháp đào tạo đa dạng.

Sau 4 năm hoạt động, trung tâm rút ra được phương pháp đào tạo mang lại hiệu quả cao nhất, đó là song song với truyền đạt lý thuyết, cần phải áp dụng thực hành vào mô hình thực tiễn theo cách cầm tay chỉ việc. Không chỉ có vậy, để nâng cao hiệu quả, trung tâm không những dạy đủ số tiết trong 3 tháng theo quy định mà sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dù phải kéo dài khóa học. Có những khóa học kéo dài đến 4-5 tháng để nông dân nhìn thấy hiệu quả.

“Chúng tôi không bao giờ ngại khó, có thể vui vẻ vượt đoạn đường dài 15- 20 km về từng địa phương để vận động bà con đi học. Bà con không có thời gian tập trung về trung tâm học thì chúng tôi về tận địa phương mở lớp.

Dạy nông dân kiến thức áp dụng trong trồng trọt, phải đợi đến khi thu hoạch để họ thấy hiệu quả chúng tôi mới bế giảng lớp. Dạy nông dân quy trình nuôi gà an toàn sinh học, phải đợi đến khi gà xuất chuồng, có kết quả rồi mới kết thúc lớp học. Hướng đào tạo của chúng tôi không theo đại trà mà chú tâm vào thế mạnh của từng địa phương, đồng thời nghiên cứu kỹ đầu ra của từng sản phẩm mở lớp dạy nhằm để bà con tiêu thụ tốt sản phẩm mình làm ra”, ông Nhượng khẳng định.

Áp dụng nghề nuôi gà hiệu quả

Sau 4 năm hoạt động, bước đột phá đáng ghi nhận của Trung tâm Dạy nghề Tây Sơn là đào tạo cho nông dân nghề nuôi gà an toàn sinh học. Năm 2011, trung tâm phối hợp với Hội Phụ nữ xã Bình Hòa mở lớp dạy nghề nuôi gà an toàn sinh học đầu tiên. Không như trước đây là nông dân chỉ được đào tạo về kiến thức, tại lớp học này họ vừa được học vừa được thực hành tại chỗ. Lớp học nghề nuôi gà được chia thành 2 tổ, mỗi tổ chọn 1 hộ để xây dựng chuồng nuôi làm mô hình. Trong quá trình đào tạo, nông dân được giáo viên hướng dẫn từ phương thức cho ăn, phát hiện dịch bệnh và được hướng dẫn giải pháp điều trị.

“Phụ nữ nông dân chúng tôi bây giờ đã biết bức ra khỏi bếp núc để tham gia làm kinh tế cùng với chồng. Lớp dạy nghề đầu tiên tại xã có 35 học viên thì 30 người trong số đó là nữ. Lớp dạy này đúng vào thời điểm thu hoạch vụ mùa của năm 2011 nên phải tổ chức vào ban đêm. Dẫu vậy, chị em không hề vắng mặt buổi học nào và học rất chuyên cần”, chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Hòa (Tây Sơn) tâm sự.

“Bên cạnh việc dạy nghề, chúng tôi còn tổ chức bồi dưỡng nghề hằng năm với số lượng khoảng 100 học viên tham gia. Ngoài ra, trung tâm còn liên kết với Trường Cao đẳng nghề nông nghiệp và nông thôn Trung bộ mở mỗi năm 1 lớp trung cấp nghề kỹ thuật xây dựng. Đến nay đã đào tạo được 3 khóa, các học viên khóa đầu ra trường hầu hết đã có việc làm ổn định”, ông Trần Văn Nhượng.

Chị Huỳnh Thị Cháu (49 tuổi) ở thôn Trường Định 2, một trong những hộ tham gia lớp học đào tạo nghề nuôi gà an toàn sinh học chia sẻ: “Sau khi học nghề, chúng tôi biết xây dựng chuồng trại thoáng mát, luôn được vệ sinh sạch sẽ. Biết tiêm phòng thường xuyên cho đàn gà. Biết theo dõi, phát hiện dịch bệnh và áp dụng những loại thuốc đặc trị. Nếu gặp những bệnh ngặt nghèo, chúng tôi ý thức là phải cấp báo ngay cho cơ quan chức năng cấp trên nhờ can thiệp nhằm hạn chế thiệt hại. Nhờ đó, dù cho gà ăn theo chế độ bình thường nhưng lũ gà phát triển rất tốt”.

Chị Huỳnh Thị Cháu tính toán: “Nếu trước đây, nuôi 1 lứa gà đến 6 tháng tuổi mới đạt trọng lượng 1- 1,5 kg/con. Sau khi áp dụng phương pháp nuôi đã được học, chỉ 2 tháng rưỡi sau là người nuôi có thể xuất chuồng với trọng lượng 1,5- 1,7 kg/ con. Nuôi 100 con gà, nếu giá bán ổn định 70.000 đ/kg như hiện nay thì hộ nuôi lãi ròng khoảng 5 triệu đồng/100 con gà/thời gian 2 tháng rưỡi. Không những vậy, nhờ được chăm sóc tốt, lũ gà cũng ít bị dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế cho rất cao”.

“Nhờ hiệu quả trông thấy nên phong trào nuôi gà tại địa phương phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Mức thu nhập của nhiều hộ nông dân cũng được tăng cao nên ngày càng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn”, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Hòa phấn khởi nói.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.