| Hotline: 0983.970.780

Bản Cà Moong thiếu thốn đủ bề

Thứ Tư 12/11/2014 , 08:33 (GMT+7)

Di dời tái định cư phục vụ tích nước thủy điện bản Vẽ nhưng 142 hộ dân bản Cà Moong (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Tỉnh Nghệ An) đến nay vẫn chưa có điện lưới. 

Thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng xuống cấp, sau 4 năm di dời về nơi ở mới các hộ dân vẫn chưa thể an cư, lạc nghiệp...

“Bản có 90% hộ nghèo”

Bản Cà Moong có 142 hộ, đều là dân tộc Khơ Mú, nằm lọt thỏm giữa thung lũng cạnh khe Pông nên hoàn toàn biệt lập với phần còn lại của xã Lượng Minh. Dân bản muốn ra trung tâm xã, huyện chỉ có cách leo núi hoặc đi bằng đường thủy kết hợp đường bộ cũng mất hàng giờ đồng hồ.

Buổi trưa nhưng cả bản có chưa đến 10 hộ ở nhà, đa phần là trẻ con và người già yếu. Trưởng bản ông Moong Sơn Tình giải thích: “Bà con vào rẫy cả rồi. Quanh đây đều là đất của rừng phòng hộ hết, bà con phải đi thuyền rồi đi bộ rất xa mới vô đến rẫy cũ.

Mỗi chuyến đi rẫy, vừa tiền thuê xe ôm, thuê thuyền cũng tốn một trăm nghìn đồng. Vì vậy, nhiều hộ phải gửi con, lên rẫy hàng tháng trời, thu hoạch được củ sắn, hạt lúa đều phải thuê thuyền chở về. Hai vợ chồng ta có 16 đứa con, chúng đều lên rẫy hết, chỉ gửi gạo nhờ ta trông đàn cháu 9 đứa này thôi”.

Ông Moong Sơn Tình nhẩm tính rồi đưa ra con số khá “ấn tượng": Cả bản hiện có 16 hộ khá giả nhất. Có nghĩa là tỉ lệ hộ nghèo của bản xấp xỉ 90%. Nói là khá giả nhưng kỳ thực tài sản trong nhà họ may ra cũng chỉ có cái ti vi và xe máy “Tàu” cà tàng là đáng giá nhất.

15-13-59_1-19
Trưởng bản Moong Sơn Tình kể về những ngày tháng cơ cực

Đây là những thứ tài sản mà họ mua được nhờ vào nguồn tiền hỗ trợ di dời của Dự án thủy điện bản Vẽ. Cũng do khó khăn, đường sá xa xôi cách trở, năm học vừa rồi cả bản có 7 cháu học ở trung tâm xã đều phải bỏ học để theo cha mẹ lên rẫy. Ngoài ra, năm nào cũng có 2-3 cháu phải nghỉ học.

Lời khẩn cầu của dân bản

Di dời để phục vụ tích nước lòng hồ thủy điện nhưng cả bản hiện chưa được sử dụng điện lưới, họ phải tự túc điện bằng cách mua tua bin phát điện loại nhỏ về sử dụng nên ánh đèn điện cứ leo lét như đèn dầu hỏa.

Ông Tình cho biết: “Đường đi từ bến khe Pông về bản trước đây nhỏ và khó đi lắm. Sau những trận mưa, sạt lở, nhiều đoạn đường đã biến theo dòng nước, giờ muốn đi ra ngoài phải men theo triền núi. Thời gian gần đây nhờ có xe vận chuyển gỗ từ trong rừng ra nên họ mới san, mở rộng đường nhưng cũng khổ lắm.

Nắng thì bụi trùm kín cả đầu, mưa lại nhão nhoét sình lầy. Cả bản được dự án đầu tư 15 bể nước nhưng 1 bể đã bị vùi lấp, 1 bể cũng không chịu ở lại nó "chạy" theo dòng nước xuống nằm dưới khe từ lâu rồi, chỉ còn lại 3 cái bể là đang có nước nhưng không được nhiều, dân bản lại phải đi gánh nước ở xa về mới đủ ăn”.

Ôngn Moong Sơn Tình nói chắc nịch: “Phải đi thôi! Chỗ này không ở được nữa, sạt lở, thiếu đất làm rẫy... dân bản ta khổ lắm!”.

Bản Cà Moong nằm ở lưng chừng núi, bên dưới là khe Pông, phía trên là con đường từ trung tâm xã Lượng Minh vào bản hiện đang thi công. Sau những trận mưa lớn, một “vòi rồng” nước chĩa thẳng vào giữa bản, cộng với mực nước hồ thủy điện dâng cao khiến nền nhà các hộ dân đã bị nứt những vết to, kéo dài. Đất cạnh khe suối đã bị sạt lở gần sát nhà dân.

15-13-59_4-6
Những vết nứt lớn xuất hiện sát dòng khe Pông

Người dân bản Cà Moong vẫn còn nhớ như in cơn “đại hồng thủy” sau trận mưa đêm 1/7/2013. Đêm ấy, trời mưa như trút nước, sấm chớp ầm ầm, cả bản già trẻ, trai gái phải dắt díu nhau chạy về nhà văn hóa thì mới thoát thân. Sáng sớm trở về thì 27 ngôi nhà đã bị vùi lấp dưới những lớp đất đá. Cho đến nay, vẫn còn 18 ngôi nhà sàn vẫn còn nằm sâu dưới đống đất đá sạt lở.

Điều tai hại hơn là hiện vẫn còn 3 ngôi nhà nằm chênh vênh trên sườn núi đang có nguy đổ xuống vực. Dọc khe Pông, nỗi lo sạt lở đang mỗi ngày gặm nhấm dần vào gần chục ngôi nhà sàn. Nhiều vết nứt lớn đang hiện hữu, chỉ chờ trận mưa lớn là đổ nhào theo dòng nước cuốn theo mọi thứ tồn tại trên đó dòng nước lũ.

Sau nhiều lần kiến nghị lên xã và huyện không có hồi âm, không còn chỗ dung thân, một số hộ dân đã liều mạng ra bến khe Pông, san nền để chuẩn bị làm nhà ở. Không ít hộ bị đất đá vùi lấp nhà năm ngoái, không có nơi ở, sợ quá cũng di tản vào rẫy rồi ở luôn trong đó.

Ông Nguyễn Văn Hải, P.Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “UBND huyện Tương Dương đang cho đơn vị tư vấn thiết kế vào để xem xét, tạo dòng chảy, phân tán dòng nước tránh chảy từ trên núi và tuyến đường đang thi công đổ vào giữa bản. Sắp tới, từ nguồn vốn 30a của Chính phủ, huyện dự kiến sẽ cho xây dựng lại các bể nước và kéo điện lưới vào bản với tổng số tiền gần 17,5 tỉ đồng.

Tuyến đường nhựa cấp 6 miền núi từ trung tâm xã Lượng Minh vào bản Cà Moong hiện đang được thi công với tổng mức đầu tư 159 tỉ đồng. Nếu quả thật có sạt lở vào tận nhà dân, huyện sẽ xin dự án làm kè dọc suối. Huyện cũng đã xin và được HĐND tỉnh phê duyệt chuyển 3,6 ha diện tích rừng phòng hộ để người dân bản Cà Moong có đất sản xuất. Việc bố trí đất và nguồn vốn để tái định cư ở một địa điểm khác như mong muốn của bà con là rất khó”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất