| Hotline: 0983.970.780

Bản dịch hoàn hảo là bất khả

Thứ Hai 17/11/2014 , 08:56 (GMT+7)

“Sự hoàn hảo của một bản dịch là bất khả”, đó là khẳng định của TS Phùng Ngọc Kiên.

TS Kiên đã phát biểu như vậy tại hội thảo quốc tế “Dịch văn học: Những vấn đề lý thuyết và các bài học kinh nghiệm” diễn ra tại trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội mới đây.

Bóc tách lỗi dịch của tiền bối

Sự kiện nóng nhất gần đây phải kể đến tiểu thuyết “Lolita” của đại văn hào Vladimir Nabokov do NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam liên kết phát hành, được dịch giả Dương Tường chuyển sang tiếng Việt.

Đáng tiếc là bản dịch “Lolita” của Dương Tường đã có quá nhiều lỗi sai, nói theo phong cách hiện đại là “sai từng xăng-ti-mét”. Bản thân dịch giả đã chính thức có lời xin lỗi bạn đọc. Nhà xuất bản cũng đã nhanh chóng sửa chữa những lỗi sai.

Chưa bằng lòng với bản dịch cũ, dịch giả Thiên Lương - một người có nhiều năm sống và học tập ở Nga đã đưa ra bản dịch mới. Yêu “Lolita” và Nabokov, lại có khả năng đọc và chuyển ngữ được cả tiếng Anh và tiếng Nga, cùng với kinh nghiệm nhiều năm dịch và nghiên cứu phê bình văn học giúp cho ông tiếp cận được sâu hơn vào những ngõ ngách của tòa lâu đài “Lolita”. Sau 18 tháng làm việc tâm huyết, bản dịch dù chưa xuất bản chính thức này, đã nhận được khá nhiều sự ủng hộ của bạn đọc.

Trên trang cá nhân của mình, qua bản dịch "Bên phía nhà Swann" (tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết đồ sộ “Đi tìm thời gian đã mất” của đại văn hào Pháp Marcel Proust), dịch giả Thiên Lương đã lần lượt bóc tách lỗi dịch của các dịch giả tiền bối Dương Tường, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào...

“Không có bản dịch nào bất tử”

“Không có bản dịch nào bất tử”. Đó là ý kiến phát biểu của GS Noel Dutrait (Đại học Aix Marseill - Pháp). GS Noel Dutrait đánh giá: “Các bản dịch không ngừng được hiệu đính, phê bình, làm mới, có những tác phẩm được dịch nhiều lần với cách dịch khác nhau. Điều đó rất có lợi cho nền dịch thuật”.

Từ ý kiến của GS Noel Dutrait, có thể thấy việc dịch lại một tác phẩm văn học ở Việt Nam, nhiều khi gây ra nhiều tranh cãi và hoài nghi về bản dịch trước đó, thực ra rất bình thường trong văn học thế giới. Một tác phẩm hay, có nhiều bản dịch “cạnh tranh” nhau, tạo ra các cuộc tranh luận, cũng là tín hiệu tự do học thuật.

Trên thực tế điều này đã và đang diễn ra. Lấy ví dụ về bản dịch “Sử ký” của Tư Mã Thiên, trên thị trường hiện tồn tại các bản dịch của Nhượng Tống, của Bùi Hạnh Cẩn, của Nguyễn Hiến Lê, của Phan Ngọc và mới đây nhất là bản dịch của dịch giả trẻ Trần Quang Đức.

Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch cho rằng: “Đã đến lúc cần có cách ứng xử lý trí với các bản dịch văn chương ở Việt Nam chứ không dừng lại ở những đánh giá cảm tính như khó đọc hay không trôi chảy”. Còn về vấn đề phân định đúng sai cho các bản dịch, TS Phùng Ngọc Kiên nêu quan điểm: “Dịch văn chương luôn là sự vi phạm” và khẳng định “Sự hoàn hảo của một bản dịch là bất khả”.

Cần có một hệ thống lý thuyết dịch thuật

Dịch giả Đặng Anh Đào (Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội) khẳng định: Để có được một lý thuyết về dịch văn học, cần phải có sự hỗ trợ của ít nhất là 2 môn lý luận khác: Văn học so sánh và Ngôn ngữ học. Phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế, hệ thống lý luận về dịch thuật đang thực sự thiếu ở Việt Nam, dù là văn học - mảnh đất vốn được coi như có truyền thống lâu đời từ việc dịch các tác phẩm Trung Hoa.

Vừa qua, dịch giả Trần Đình Hiến đã có cuộc trao đổi với dịch giả Noel Dutrait. Họ đều là những chuyên gia dịch Mạc Ngôn - nhà văn đoạt giải Nobel năm 2012 của Trung Quốc. Ngay từ nhan đề tiểu thuyết nổi tiếng “Phong nhũ phì đồn” của Mạc Ngôn, trong bản tiếng Pháp và tiếng Việt đã khác bản gốc.

Theo dịch giả Trần Đình Hiến, nhan đề “Ngực đẹp mông đẹp” của Noel Dutrait hay nhan đề  “Báu vật của đời” mà ông sử dụng đều không sát nghĩa gốc, nhưng đều có lý do riêng để phù hợp với mỗi nước.

Hãy cứu lấy độc giả trẻ?

Hiện nay, theo đánh giá của Thiên Lương, thật đáng tiếc, hầu hết dịch giả và dịch phẩm ở VN đang bị quăng vào chung một cái rọ, dù dịch tác phẩm ngôn tình Trung Quốc hay dịch Hegel thẳng từ tiếng Đức sang thì cũng được đánh giá từa tựa như nhau.

Mà sự khác biệt giữa các dịch giả là vô cùng lớn. Đẳng cấp của người dịch truyện ngắn ngôn tình tiếng Trung không thể nào so sánh được với đẳng cấp người dịch Hegel, Kant, Nabokov. Khoảng cách giữa họ cách xa nhau đến... hàng thế kỷ. Ngoài ra chất lượng của các bản dịch cũng khác nhau một trời một vực.

Thiên Lương cho rằng, biết bao kiệt tác văn chương nhân loại đã bị dịch thành những đống rác văn hóa, những đống chữ nhảm nhí vô hồn, và được marketing, PR. Độc giả hoang mang, nhưng vì không đọc được nguyên bản nên đành phó thác lòng tin của mình vào dịch giả, để rồi ngậm đắng nuốt cay với những bản dịch vừa sai so với bản gốc, vừa được chép bằng một thứ tiếng Việt xoàng xĩnh. 

“Thế nên độc giả hãy tự cứu lấy chính mình, nhất là các độc giả trẻ, vì những thứ các bạn đọc được có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời”, Thiên Lương cảnh báo.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất