| Hotline: 0983.970.780

Băn khoăn đề án trường chuyên: Cần lắng nghe dư luận xã hội

Thứ Năm 09/12/2010 , 10:43 (GMT+7)

Nói đến trường chuyên, tôi thấy phụ huynh đồng tình nhưng các nhà giáo có kinh nghiệm lâu năm hay đang quản lý các trường có vẻ không đồng tình lắm - GS Nguyễn Minh Thuyết.

Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 với tổng số kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng vừa được Bộ GD-ĐT khởi động thực hiện. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo là người giảng dạy nhiều năm ở trường chuyên lại bày tỏ băn khoăn về đề án này.

Một số phụ huynh không có kiến thức để hiểu rằng, không phải chỉ học trường chuyên thì con mới thành đạt.

Hơn 40 năm làm việc đều “dính” đến ngành đào tạo, khi trò chuyện với PV, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tỏ ra e ngại bởi tính khả thi của đề án.

Theo đề án từ hơn 2.300 tỷ đồng, 63 trường chuyên trên toàn quốc sẽ được cung cấp trang thiết bị theo các cấp độ khác nhau; hơn 1.000 giáo viên các trường chuyên trên toàn quốc sẽ được tập huấn chuyên sâu, tiệm cận với chương trình quốc tế; tập huấn tiếng Anh cho 456 giáo viên, hướng tới mục tiêu là giáo viên chuyên có thể dạy các môn học cho học sinh bằng tiếng Anh...

GS Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội.

Với những con số trên có nhiều giáo viên, nhà khoa học vui mừng khi thấy đề án đã được khởi động. Quan điểm của ông thì sao?

Mô hình trường chuyên ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước còn khó khăn. Nhà nước muốn phát hiện một số học sinh có năng lực để đầu tư sâu đồng thời để rèn luyện cho các em thi quốc tế để quảng bá được hình ảnh Việt Nam, gây thêm thiện cảm của các nước trên thế giới để ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Còn bây giờ nên đánh giá lại vì nó không còn thích hợp. Thậm chí nhiều nước trên thế giới không còn tồn tại trường chuyên nữa.

Nói đến trường chuyên, tôi thấy phụ huynh đồng tình nhưng các nhà giáo có kinh nghiệm lâu năm hay đang quản lý các trường có vẻ không đồng tình lắm.

Tại sao lại có sự mâu thuẫn như thế, thưa ông?

Đơn giản bởi đó là những phụ huynh từng có con học trường chuyên nghĩ được học trường chuyên là có lợi. Còn nhà giáo am hiểu về giáo dục đang quản lý một ngôi trường tốt rất ngại thay đổi sang môi trường đào tạo mới. Tại sao lại không có sự thống nhất đó? Đó vì Bộ GD-ĐT chưa tổng kết về việc đào tạo trường chuyên như thế nào.

Ông có băn khoăn gì về nội dung của đề án này?

Theo đề án, 10 năm tới chương trình giáo dục trong trường THPT chuyên được xây dựng theo hướng tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện, chuyên sâu một lĩnh vực, giỏi tin học và ngoại ngữ. Cụ thể mốc thời gian: Từ năm 2010-2015: nghiên cứu, thí điểm, áp dụng một số chương trình dạy học tiên tiến của thế giới tại một số trường THPT chuyên trọng điểm. Từ năm 2016-2020 sẽ tiếp tục nâng cấp các trường THPT chuyên thành các THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ cao. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 50% trường THPT chuyên có chất lượng dạy học tương đương với các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Tôi lo rằng, nếu không cẩn thận dễ dẫn đến đào tạo lệch. Đặc biệt, giữa nội dung và tên đề án là trường chuyên không ăn khớp. Đề án không nói đến một từ nào về đào tạo “chuyên sâu” môn học nào cả. Đề án này chỉ đúng với tên trường trọng điểm hay trường chất lượng cao. Tôi cũng không tán thành nội dung “dạy các môn Toán, Lý, Hóa… bằng tiếng Anh”. Đây là kiểu chạy theo cơn sốt trường ngoại, để thỏa mãn yêu cầu của một số người cho con cái đi du học hay kích thích thanh niên Việt Nam hướng ngoại.

Điều này có nên không? Nó sẽ làm mai một tinh thần dân tộc lúc nào không hay. Trước năm 1945, trường học dạy bằng chữ Pháp. Tiếng dân tộc chỉ để sáng tác văn học, giao dịch trong gia đình, làng xóm. Sau 1945, tiếng Việt được coi là ngôn ngữ chính thức trong tất cả cấp học. Đây là thành tựu rất lớn của Cụ Hồ mà chúng ta cần phải gìn giữ. Thế mà bây giờ chúng ta lại phá bỏ đi sao? Ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm trước lịch sử ra sao khi để tiếng Việt bị dần mai một.

Ngoài ra, công bằng trong giáo dục sẽ bị mất đi khi tập trung quá nhiều cho trường chuyên, trong khi nhiều nơi, do không có kinh phí nên lớp học không đủ, giáo viên không có nhà để ở…

Dư luận cũng cho rằng, việc cha mẹ ép hoặc “chạy” cho con vào trường chuyên sẽ gây áp lực cho con trẻ?

Đúng vậy, một số phụ huynh không có kiến thức để hiểu rằng, không phải chỉ học trường chuyên thì con mới thành đạt. Nếu ai trưởng thành cũng được vào làm lãnh đạo thì sẽ kiếm đâu được công nhân làm việc. Cha mẹ đừng quá hiếu danh đến mức tiêu cực như chạy tiền, mua điểm… Theo tôi, thời gian tới, ngành giáo dục cần tập huấn cho cha mẹ những kiến thức này.

Do bị đào tạo lệch, các em phải học thêm các môn phụ để tìm học bổng du học, đồng nghĩa với chảy máu chất xám. Quan điểm của ông nghĩ sao?

Trường chuyên không phải là đào tạo nhân tài mà chỉ là bồi dưỡng “tài lẻ” của một học sinh nào đó. Làm thế nào để hạn chế tình trạng chảy máu chất xám từ trường chuyên ư? Không thể bởi đây là đầu tư chung của nhà nước. Vì vậy, Bộ GD-ĐT phải cần suy nghĩ hướng xử lý, quản lý và đảm bảo tính công bằng cho xã hội. Nhưng bạn thử nhìn lại mà xem, những người thành đạt đâu phải được đào tạo trong trường chuyên.

Những điều ông nói thì dường như đề án còn nhiều bất cập?

Như đã nói, nội dung và tên gọi của đề án không ăn khớp. Ngoài ra, tìm đâu ra đủ giáo viên để dạy tiếng Anh cho các môn học? Công bằng xã hội có đạt không? Nếu Ban soạn thảo đề án mà giải trình được những vấn đề trên thì mới hy vọng có được một đề án có chất lượng.

Bên cạnh ý kiến tán đồng thì nhiều ý kiến phản biện e ngại đề án không khả thi, liệu Chính phủ có nên thay đổi không, thưa ông?

Chính phủ mới phê duyệt đề án này nên bảo thay đổi thì khó lắm. Tuy nhiên, với những cảnh báo của xã hội như vậy thì cần phải xem xét. Hoặc cần có đánh giá kết quả sau một thời gian đề án có hiệu lực. Theo tôi, những người soạn thảo ra đề án nên giải trình cụ thể về ưu điểm của đề án để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Nếu có hại nhiều hơn lợi thì phải tạm dừng để tiếp tục nghiên cứu.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất