| Hotline: 0983.970.780

Băn khoăn trồng mắc ca: Cam kết chắc chắn, trả lời sáng tỏ

Thứ Sáu 25/11/2016 , 08:11 (GMT+7)

Sau khi kết thúc chuyến khảo sát, nghiên cứu sản xuất mắc ca tại Úc và Trung Quốc, phía Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ngân hàng CP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), tổ chức ngay một hội thảo tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, với chủ đề “Giới thiệu vay vốn và canh tác mắc ca”.

16-16-03_nguoi-dn-chm-chu-nghe-cc-kinh-nghiem-v-ky-thut-trong-mc-c
Hàng trăm người dân ở các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà… về dự hội thảo Giới thiệu vay vốn và canh tác mắc ca
 

Hiệp hội mắc ca Việt Nam, LienVietPostBank, cùng chuyên gia nước ngoài, trao đổi thẳng thắn với người trồng mắc ca về những vấn đề đang đặt ra, nhất là kiến thức trồng mắc ca và vốn vay cho đầu tư phát triển.

So với các hội thảo khác mà chúng tôi từng tham dự thì nhận thấy hội thảo này có điều thú vị là số lượng quan khách chỉ trên dưới chục người, trong khi đó ban tổ chức phải kê thêm ghế trong hội trường huyện Di Linh mới đủ chỗ ngồi cho trên 500 người dân đến từ huyện Di Linh và một số huyện lân cận.

Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người dân đối với vấn đề trồng mắc ca hiện nay và cũng cho thấy ban tổ chức muốn lắng nghe nhiều hơn từ tiếng nói người dân và các chuyên gia về những vấn đề cần được giải đáp thỏa đáng. Có lẽ thế, các vấn đề đặt ra trong hội thảo đã được cắt nghĩa làm sáng tỏ.

Ghi nhận của PV NNVN tại hội thảo, nhận thấy có 3 điểm cốt yếu mà người trồng mắc ca ở tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm nhất hiện nay. Một là, chất lượng giống cây và kỹ thuật trồng, chăm sóc; hai là cam kết đầu ra cho sản phẩm; ba là, vốn ưu đãi cho đầu tư phát triển mắc ca trên địa bàn.

Xung quanh các ý kiến của người dân muốn vay vốn của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt để đầu tư trồng mắc ca, đại diện ngân hàng giải đáp như sau: Ngày 5/6, tại thành phố Đà Lạt, Ngân hàng Liên Việt và Cty CP Him Lam cam kết dành 11.000 tỷ đồng để phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trong đó, Cty CP Him Lam cam kết đầu tư 1.000 tỷ đồng phát triển cây mắc ca tại tỉnh, tập trung phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến hạt mắc ca tại Lâm Đồng.

Về phía Ngân hàng Liên Việt sẽ cung cấp gói tín dụng ưu đãi trị giá 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân trồng mắc ca, các tổ chức - doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng, đồng thời phối hợp với các tổ chức bảo hiểm xây dựng phương án bảo hiểm nông nghiệp đối với cây mắc ca.

16-16-03_hng-trm-nguoi-dn-den-tu-cc-huyen-trong-tinh-lm-dong-den-nghe-chinh-sch-pht-trien-mc-c
Hàng trăm người dân ở các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà… về dự hội thảo Giới thiệu vay vốn và canh tác mắc ca
 

“Vay của Liên Việt lãi suất có thấp hơn các ngân hàng khác không?”, người dân đặt câu hỏi.

Bà Kiều Cẩm Ninh, Phó Giám đốc Khối sản phẩm, Ngân hàng CP Bưu điện Liên Việt và bà Lê Thị Kim Anh, Giám đốc Ngân hàng CP Bưu điện Liên Việt, Chi nhánh Lâm Đồng, trả lời rằng:

“Lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng nói chung thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Điểm khác biệt của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trong gói tín dụng trồng mắc ca này là ân hạn cả gốc và lãi 5 năm và thời hạn cho vay dài hơn thông thường. Như vậy, so sánh về lợi thế và hiệu quả kinh tế, rõ ràng Liên Việt đang dành sự ưu tiên tốt nhất cho khách hàng”.

Tiếng vỗ tay của người dân vang lên trong hội trường chật ních người tham dự.

“Tôi vay của ngân hàng khác 400 triệu đồng để trồng cà phê và hiện nay sổ đỏ đang được thế chấp tại ngân hàng này. Nay tôi muốn vay vốn ở Liên Việt để trồng mắc ca nhưng không có sổ đỏ thì Liên Việt có hỗ trợ giúp đỡ được gì không?”, nông dân Lê Văn Tam, thôn đội 3, xã Hòa Nam, huyện Di Linh, nêu câu hỏi.

Về băn khoăn này, bà Kiều Cẩm Ninh, Phó Giám đốc Khối sản phẩm Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trả lời rằng, Liên Việt sẵn sàng cho người dân vay số tiền lớn hơn để giải quyết dư nợ vay ở đơn vị khác, đồng thời Liên Việt cũng giải quyết cho vay tín chấp đối với khách hàng có dự án trồng mắc ca.

Đây cũng là băn khoăn của nhiều nông dân khác và họ đặt thêm câu hỏi về thủ tục và thời gian giải quyết cho vay là bao lâu, đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt phúc đáp: “Thủ tục ngắn gọn, thời gian nhanh nhất có thể”.

Một vấn đề khác cũng được người dân đặc biệt quan tâm đó chính là đầu ra cho sản phẩm. Họ cho rằng, trong vài ba năm tới việc tiêu thụ sản phẩm không mấy khó khăn. Về lâu dài, đây sẽ là bài toán mà các nhà đầu tư và Nhà nước cần “toan tính” ngay từ bây giờ để giúp người dân.

Những trăn trở lo âu về kỹ thuật trồng và tiêu thụ mắc ca của người dân, GS Hoàng Hòe, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và ông Võ Duẩn, Giám đốc Cty CP Mắc ca Him Lam, ghi chép đầy đủ. Nói chuyện với người dân, các ông Hoàng Hòe và Võ Duẩn động viên nhân dân tiếp tục mở rộng diện tích. Về tiêu thụ sản phẩm, phía Hiệp hội và Cty Him Lam cam kết rằng, khi nhà máy của Him Lam được xây dựng ở Lâm Đồng sẽ giải quyết căn cơ bài toán đầu ra sản phẩm.

16-16-03_trong-mc-c-xen-voi-c-phe-cho-thu-nhp-tng-gp-3-cu-nhieu-ho-dn-o-lm-dong
Nhiều gia đình ở Lâm Đồng trồng mắc ca xen với ca phê cho thu nhập tăng gấp 3 lần
 

Vấn đề có nhiều ý kiến cùng tranh luận tại hội thảo chính là chất lượng giống cây và kỹ thuật trồng chăm sóc vườn cây. Tại hội thảo, ông Jolyon Richard Burnett, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Úc và bà Chen Yuxiu, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đã chia sẻ về những điều kiện thuận lợi, tiềm năng phát triển mắc ca tại Lâm Đồng.

Các chuyên gia đến từ các quốc gia có thế mạnh, sản xuất, tiêu thụ lớn về mắc ca đã đề cập khá kỹ về các biện pháp kỹ thuật trồng mắc ca. Điều các chuyên gia khuyên người trồng mắc ca là phải sử dụng giống cây có nguồn gốc. Nhất quyết phải dùng giống cây ghép, ghép từ giống cây đầu dòng, không dùng giống thực sinh (ươm từ hạt rồi đem trồng trực tiếp).

Các ông Lê Văn Tam, Đào Thế Trúc ở xã Hòa Nam, huyện Di Linh, và một số người dân hỏi, hiện gia đình đã có vườn cây mắc ca 4 - 5 tuổi nhưng không cho quả, hoặc chỉ một số cây có quả nhưng ít, quả nhỏ, vậy giải pháp thế nào? GS Hoàng Hòe, cho rằng, gia đình chấp nhận hy sinh chặt bỏ để trồng lại bằng giống cây ghép có nguồn gốc cung ứng đảm bảo được cam kết bảo lãnh. Chứ chờ đợi từ vườn cây này sẽ không có kỳ vọng và sẽ thất bát.

Ông Jolyon Richard Burnett, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Úc có chung lời khuyên, người dân nên chặt bỏ để trồng mới.

Song, dưới hội trường có ý kiến hỏi rằng, nên chăng chặt cây, giữ gốc rồi ghép vào gốc đó liệu có được không? Ông Võ Duẩn, giám đốc Cty CP mắc ca Him Lam cho hay, cách này ở huyện Lâm Hà một số gia đình đã làm. Nhờ bộ rễ nguyên gốc nên mắt ghép phát triển khỏe, nhanh. “Tuy nhiên, chân thành tôi vẫn khuyến cáo người dân chặt bỏ, thay thế cây ghép có nguồn gốc đảm bảo”, ông Duẩn nói.

Trong khuôn khổ hội thảo ngành mắc ca Úc năm 2016 diễn ra từ 18 - 20/10, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam (VMA) và Hiệp hội Mắc ca Úc (AMS) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp mắc ca của hai quốc gia Úc - Việt Nam và thế giới.

Hợp tác này sẽ giúp Hiệp hội Mắc ca Việt Nam có thêm kinh nghiệm và bài học về ngành mắc ca, bao gồm: khâu nghiên cứu, sản xuất giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, thương mại, cũng như tăng cường xây dựng thương hiệu mắc ca Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trung tuần tháng 11 vừa qua,  Hiệp hội Mắc ca Việt đã tiến hành khảo sát các mô hình nghiên cứu, trồng, ươm giống, chế biến và tiếp thị mắc ca và sản phẩm mắc ca tại nhiều địa điểm thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; đồng thời tham dự Hội nghị ngành công nghiệp mắc ca và hạt rang khô Trung Quốc năm 2016 tổ chức tại thành phố Long Châu, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây.

Tại đây, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ủy ban chuyên môn về hạt rang khô của Hiệp hội công nghiệp thực phẩm quốc gia Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, khảo sát, trao đổi thông tin, thương mại, kết nối các nhà đầu tư… trong lĩnh vực công nghiệp mắc ca và hạt rang khô giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất