| Hotline: 0983.970.780

Bán lúa cho con thi Nông Lâm

Thứ Năm 10/07/2014 , 09:46 (GMT+7)

Để đưa con lên thành phố ứng thí, rất nhiều cha mẹ nghèo vùng nông thôn đã dành dụm lúa gạo, nông sản trong kho, đợi ngày “lai kinh” mới đem ra bán để làm lộ phí…

5h30 sáng 9/7, tại cổng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã đông nghịt sĩ tử và phụ huynh chuẩn bị dự thi đại học đợt 2. Ngôi trường đặc biệt này năm nào cũng thế, đều đón tiếp hàng nghìn nông dân chân chất vừa mới tạm gác việc đồng ruộng, nương rẫy sang một bên để đưa con dự thi vào nơi đào tạo những cử nhân, kỹ sư ngành nông nghiệp.

Nông dân Nguyễn Hồng Chinh đến từ vùng quê Đức Hòa, Long An dậy từ 4h sáng để chở con gái đến dự thi trường Nông Lâm cho biết: “Nhà trồng mía nên khi lên đây tôi phải bán gần 10 tấn mía để dằn túi cho cháu lên dự thi”. Năm nay giá mía quê anh xuống thấp, chỉ còn 500.000 đồng/tấn, vì thế anh Chinh tặc lưỡi nói: “Cháu nó dự thi đủ 2 đợt đại học và 1 đợt cao đẳng là hết cả 10 tấn mía”.

Ngồi kế bên, chú Quân - một lão nông ở Cần Đước, Long An cũng góp lời: “Vậy là chú nặng hơn tui rồi, tui với con đi thi đợt này tằn tiện lắm nên mất chừng 500 kg lúa thôi”. Chú Quân cho biết, giá lúa hiện khoảng 5.000 đồng/kg, bán nửa tấn lúa được 2,5 triệu đồng, đủ cho 2 bố con ăn ở tiết kiệm trong suốt kỳ thi.

Với chủ trương tạo điều kiện tối đa cho các thí sinh dự thi, Hội đồng thi của ĐH Nông Lâm đã linh động cho phép các tình nguyện viên sử dụng xe máy chở những thí sinh đến trễ vào tận phòng thi để kịp giờ làm bài.

Chú Quận cũng cho biết: “Sở dĩ con trai tui thi vào trường Nông Lâm là theo lời khuyên của cha mẹ. Nhà tui có 2 ha ruộng, khuyên học lấy cái kiến thức để về làm giàu từ đồng ruộng quê nhà, chứ đâu cần đi cho xa”.

Cũng đến từ miền Tây Nam bộ, nhưng chị Thủy ở mãi tỉnh Kiên Giang nên đã sắp xếp công việc đồng áng từ nhiều ngày trước để đưa cậu con trai đi thi. Chị cho biết gia đình trồng khóm (dứa), trước khi lên đây chị cũng bán gần 3.000 trái dứa được khoảng 9 triệu đồng để thực hiện ước nguyện giảng đường Nông Lâm của con. 

“Cực khổ mấy tui cũng phải ráng lo cho con đi học tới nơi tới chốn đàng hoàng. Mai này với kiến thức tích lũy được, cháu sẽ về quê giúp bản thân, gia đình và địa phương làm giàu ngay trên mảnh ruộng quê nhà”, chị Thủy chan chứa hy vọng.

Với diện tích rộng tới 171 ha gồm nhiều giảng đường, vườn thực nghiệm, khu nội trú, văn phòng… nên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM dễ trở thành mê cung với các thí sinh và phụ huynh, nếu không có sự hướng dẫn tư vấn nhiệt tình của những tình nguyện viên.

Có mặt tại đây từ lúc 5h sáng, Tổ trưởng tiếp sức mùa thi Ngô Hoài Linh đã cùng gần 300 tình nguyện viên phân luồng giao thông và hướng dẫn thí sinh, phụ huynh vào đúng địa điểm thi. Đặc biệt lúc 6h40, thầy Trần Hữu Trung, giám thị coi thi phải dùng xe máy (từ phòng thi đến cổng vào rất xa nếu đi bộ) chở 1 thí sinh chạy ra cầu cứu các tình nguyện viên vì bạn này làm rơi vỡ chiếc máy tính phục vụ làm bài thi. Ngay lập tức, một nữ sinh lấy ngay máy tính của mình đưa cho em kịp vào ứng thí.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất