| Hotline: 0983.970.780

Bạn phải lắng nghe tâm trạng bọn nhỏ

Thứ Sáu 11/01/2013 , 11:06 (GMT+7)

Bạn thử hình dung, ngay sang năm đây, nó có muốn ở chỗ bạn để đi học không? Bạn phải quan sát, đừng nghe nó nói mà phải nghe tâm trạng và mong muốn của nó.

Ảnh minh họa
Chị kính mến!

Tôi lấy chồng rất muộn, vì vậy mà không sinh được con. Chồng tôi trái lại, anh có một đời vợ nên có tới ba đứa con riêng.

Khi anh cưới tôi, đứa con út của anh mới mười tuổi. Giá như chúng tôi toàn quyền với những đứa con của anh sau khi vợ anh qua đời và anh cưới tôi. Nhưng các cháu còn có bà ngoại và cả gia tộc của chị ấy. Điều mãi sau này tôi mới biết là họ không thích anh, họ không đánh giá đúng về anh chỉ vì anh nghèo mà nhà họ thì giàu và có thế lực. Cả chuyện vợ anh bị tai nạn mất họ cũng đổ là do hai người xung khắc tuổi. Họ nghĩ con gái họ cả đời bạc mệnh vì cãi họ mà lấy một người như anh.

Không bao lâu sau khi chúng tôi cưới nhau, đứa con út của anh chạy về với chúng tôi. Anh rất mừng vì anh đã giành lại được con. Hai anh trai của chúng không học hành đến nơi đến chốn nhưng cũng có công việc tương đối và một đứa đã có gia đình riêng. Từ khi nó cưới vợ, con dâu của anh gắn bó với tôi hơn và nó gọi tôi là mẹ. Cuối cùng thôi thì anh cũng được an ủi, sóng gió về con như đã qua đi. Không bao lâu nữa anh sẽ về hưu, chúng tôi rồi cũng có tuổi già yên ổn.

Nhưng trời không thương anh mà cũng không thương tôi. Anh vướng bệnh nan y mấy tháng thì qua đời. Con trai út của anh mới vào cấp ba, chưa đâu vào đâu. Một cú sốc quá lớn với nó. Người ta nói sinh con trai nhiều rất độc, nhất là ba đứa hay năm đứa, điều này không biết có đúng không. Cũng cần nói thêm việc này cho chị dễ tư vấn: Anh ấy dù nghèo nhưng khi con trai cả anh cưới vợ thì anh để căn hộ của anh cho nó và chúng tôi về lại căn hộ tôi có trước khi lấy anh. Con trai thứ của anh không ở hẳn chỗ nào vì công việc của nó xê dịch. Riêng con út thì vẫn ở với chúng tôi, vợ chồng tôi ở đâu nó theo đó.

Nói cháu không ngoan cũng không đúng mà nói nó  một lòng một dạ quý tôi cũng không có gì chắc lắm. Nhất là khi nhà ngoại nó một lần nữa chì chiết cái số của bố nó, đen đủi suốt, không ra làm sao. Thâm tâm tôi rất muốn tiếp tục chăm sóc cháu nhưng nhà ngoại nó đang rủ rê nó, cứ điệp khúc bánh đúc mấy đời, khác máu tanh lòng… Gia tộc tôi thì nhân dịp này mới tác động, con ghẻ, bố nó còn sống thì mình cố, nay chỉ còn một thân một mình, tội gì, nhà người ta đánh tiếng mà quanh năm cứ tuyên truyền xuyên tạc thế, ngu sao mà hứng cháu của người ta!

Tôi bối rối quá. Anh ấy chưa qua giỗ đầu mà. Thế là tôi về mo sau bao nhiêu năm chăm chồng và lo cho con chồng. Nay vẫn căn hộ nhỏ xíu của mình, con cái không, chỉ thêm mỗi cái bàn thờ của chồng trong phòng khách. Tôi hỏi ý kiến vợ chồng con trai trưởng của anh, chúng bảo không biết thế nào, tôi hỏi thẳng thằng nhỏ, nó cũng bảo không biết thế nào. Tôi cũng thấy nhà ngoại nó có nhiều nguồn chăm lo cho nó tốt hơn nhưng tôi cũng sợ cảnh lạnh lẽo của mình. Không biết hương hồn anh nghĩ sao về việc này. Chị cho tôi lời khuyên, chị nhá.

Xin chị giữ kín email cho tôi.     

Bạn thân mến!

Cuộc đời thật vô thường. Không ai ngờ sau khi có bạn, mọi thứ tưởng như yên ổn, bỗng chốc kẻ âm người dương. Lần này là anh ấy đi gặp mẹ của chúng nó, để lại bạn trên cõi đời với bài toán phức tạp một cách không đáng có như vậy.

Thông thường, bọn trẻ hay chầy chống khi bố  hoặc mẹ cưới người khác. Lúc đầu là vậy. Nhưng rồi chúng trưởng thành lên, hiểu biết hơn và  phía bạn cũng chứng thực được tình yêu của với  chúng nên mọi chuyện xoay chiều, dần ổn. Đứa con út của anh đã chọn bố nó và người mẹ kế, nếu anh không ra đi sớm, chắc chắn nó sẽ yên, có khi sẽ hơn hai anh là có bằng đại học và hơn nữa.

Nhưng người tính không bằng trời tính. Bạn thử  hình dung, ngay sang năm đây, nó có muốn ở chỗ bạn để đi học không? Bạn phải quan sát, đừng nghe nó nói mà phải nghe tâm trạng và mong muốn của nó. Bạn có cô con dâu gần gũi, bạn thử nhờ nó ướm ý của các anh và của chính đứa em út xem sao. Bây giờ ở đâu không quan trọng nữa. Dù sao nó cũng tự lực được nhiều, tự lo học, không cần kèm cặp suốt, thậm chí tự đi đến trường được. Ở đâu mà nó no ấm, nó đầy đủ, trên hết nó vui là được. Nó sẽ nhớ bạn như một người thân, nếu bạn vẫn quan tâm đến nó thì sẽ có muôn vàn cách.

Đừng nghĩ nó đi ở với ngoại là sớm. Giỗ đầu hay chưa đâu phải là thời điểm bắt buộc. Nhà người ta làm áp lực, nhà bên mình không muốn mình nuôi, nhưng nếu nó quyết ở với bạn thì không gì tốt hơn. Giả như nó chung chiêng, bạn nên cho nó đi ở thử với ngoại nó. Rồi sẽ biết tốt hơn cho nó hay là không tốt hẳn vì quá được nuông chiều. Bề gì nó cũng là đứa trẻ bất hạnh, hơn hai anh của nó, mồ côi mẹ sớm, chưa vững thì mồ côi cả cha. Không ai cô đơn cả nếu người đó biết hướng ra ngoài, với xã hội, với nhiều việc khác để vui. Và rồi sẽ có cháu của anh ấy, những đứa cháu sẽ làm bận rộn bạn nếu bàn thờ của ông nó ở nhà của bạn vẫn có sức kéo chúng về, quây quần, đoàn viên. Đừng cả nghĩ quá, bạn nhé. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm