| Hotline: 0983.970.780

Bàn tiêu chuẩn ĐBQH

Thứ Ba 09/09/2014 , 09:16 (GMT+7)

Ngày 8/9, phát biểu trước UBTVQH, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội cần quy định tiêu chuẩn để trở thành ĐBQH…

Tiêu chuẩn ĐBQH?

Theo ĐB Đỗ Văn Đương thì ĐBQH là người đại diện cho dân, có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho nhân dân nên điều kiện đầu tiên để trở thành ĐBQH là phải có tư duy phản biện độc lập và hoạt động khách quan không bị chi phối. Đặc biệt, ĐBQH phải là người có năng lực lập pháp, hiểu biết pháp luật và ít nhất phải là chuyên viên cao cấp.

Ông Đương bày tỏ lo ngại nếu như không quy định chặt chẽ thì QH có nhiều ĐB quá trẻ, còn ít kinh nghiệm thực tiễn nên không đóng góp được nhiều cho đất nước. “ĐBQH ít nhất phải là chuyên viên cao cấp, phải có 15 năm công tác trong lĩnh vực mà ĐB tham gia…”, ông Đương đề xuất.

Liên quan nội dung này, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị cần bàn kỹ về việc làm thế nào để chọn đại biểu đủ năng lực vì đây là trung tâm của Quốc hội. Hiến pháp có quy định chung nhưng không có tiêu chuẩn, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội cũng chưa nhấn mạnh tiêu chuẩn thể hiện sự đặc thù.

Đại biểu Lê Nam thì cho rằng nên quy định độ tuổi của đại biểu Quốc hội tối thiểu 25 và tối đa 70 để đảm bảo chất lượng đại biểu trong thực hiện nhiệm vụ đặc thù.

“Đại biểu Quốc hội phải có trình độ và năng lực nhất định mới đảm bảo chất lượng. Nếu cứ chung chung như hiện nay thì khó chọn được đại biểu đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Do đó quy định cần cụ thể hóa, theo hướng đáp ứng thực hiện nhiệm vụ đặc trưng của đại biểu, ở đây cần quan tâm phẩm chất năng lực, trình độ”, đại biểu Nga nói.

Trách nhiệm ĐBQH

Theo ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), dự thảo luật phải nhấn mạnh trách nhiệm của ĐBQH. Cần có quy định về cơ chế giám sát của cử tri đối với hoạt động của ĐBQH.

Thực tế hiện nay, ĐB ở cơ quan Trung ương không gắn kết được với cử tri ở địa phương. Luật cần phải quy định về chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH chuyên trách để khắc phục tình trạng ĐB chuyên trách hành chính hóa, không hoạt động đầy đủ dẫn tới không chuyên nghiệp.

Ở nội dung này, ĐB Trần Du Lịch cho rằng luật phải làm rõ trách nhiệm quyền hạn của ĐB chuyên trách và không chuyên trách. “Hiện chúng ta đang công chức hóa ĐBQH. Cần phải tách biệt công chức với ĐB chuyên trách bằng luật. Ví dụ, có thể cho phép công chức nghỉ không lương trong nhiệm kì làm ĐBQH. Như vậy thì ĐB mới có thời gian để thực hiện nhiệm vụ QH giao, mới thực sự đại diện cho nhân dân”.

Tăng số lượng đại biểu chuyên trách

Mặc dù còn có ý kiến chỉ nên để số ĐBQH chuyên trách ở tỉ lệ 35% tổng số ĐBQH, tuy nhiên theo quan điểm của ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) tỉ lệ này ít nhất phải đạt 40%, thậm chí có thể đưa lên 50% vì Quốc hội ngày càng mạnh lên, càng cần có các ĐB chuyên trách đảm nhiệm công việc mà QH giao phó.

 Chỉ cần hoạt động của QH có hiệu quả sẽ giúp ích cho đất nước rất nhiều nên số lượng vài trăm ĐB chuyên trách là còn ít. Ngoài ra, ông Vinh cũng đề xuất với UBTVQH nên bố trí số ĐB chuyên trách ở các cơ quan hành pháp ít hơn cơ quan lập pháp vì nếu có nhiều người ở cơ quan hành pháp thì hoạt động biểu quyết có thể dẫn đến không khách quan.

Nhiều ĐB khác cũng cho rằng nên tăng số lượng ĐB chuyên trách tại các Đoàn ĐBQH địa phương từ 1 người lên thành 2 người. ĐB Lê Nam đề nghị không nên hạn chế số lượng ĐB chuyên trách vì QH cần sử dụng nhiều cán bộ có năng lực.

Địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH

Trên thực tế hoạt động của các Đoàn ĐBQH ở các địa phương cũng có con dấu, ban hành văn bản pháp lý nhưng lại không phải là một cơ quan do đó công tác phối hợp với hệ thống chính trị ở địa phương có nhiều vướng mắc.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng đến nay hoạt động của các Đoàn ĐB QH ở các địa phương đã rất ổn định và có hiệu quả. Tất cả các chương trình giám sát QH hay những chỉ đạo từ TƯ đến địa phương đều được thực hiện thông qua các Đoàn.

“Nhiều trường hợp chính quyền địa phương phải họp rút kinh nghiệm sau khi Đoàn ĐBQH có ý kiến bằng văn bản. Vậy nhưng, Đoàn ĐBQH không có địa vị pháp lý”, ông Sơn nói. Để hoạt động của QH ở địa phương được tốt hơn, ông Sơn đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.