| Hotline: 0983.970.780

Bàn tròn đối thoại: Nông nghiệp 2009 - Phao cứu sinh nền kinh tế

Thứ Sáu 01/01/2010 , 11:15 (GMT+7)

Năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam tuy nằm sâu trong khủng hoảng toàn diện của nền kinh tế thế giới, nhưng vẫn có những bước phát triển vững chắc. Nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ mới đây “Nông nghiệp đã cứu cả nền kinh tế”.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam tuy nằm sâu trong khủng hoảng toàn diện của nền kinh tế thế giới, nhưng vẫn có những bước phát triển vững chắc. Nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ mới đây “Nông nghiệp đã cứu cả nền kinh tế”. Vậy, để tiếp tục phát huy lợi thế này trong những năm tới, Việt Nam phải làm gì? TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia HN) là khách mời của NNVN.

Đóng góp lớn, nhưng chưa đầu tư đúng mức

Thưa TS Vũ Tiến Lộc, là chuyên gia về kinh tế, ông đánh giá thế nào về phát triển kinh tế năm 2009, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp?

TS Vũ Tiến Lộc: Sau một năm khó khăn, cộng đồng DN đều đánh giá rất lạc quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Cụ thể, mức điểm bình quân của Việt Nam năm 2009 là 2,21/4 điểm, tăng cao so với mức 1,9/4 điểm của năm 2008. Thậm chí mức độ lạc quan này còn cao hơn mức 2,14/4 điểm của năm 2007, thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra trên diện rộng.

Cộng đồng DN cũng đánh giá cao thành công của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát và điều hành kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua. Bằng chứng rõ nét nhất là tất cả các lĩnh vực, quản lý kinh tế vĩ mô (kiềm chế lạm phát, kích thích kinh tế...) của Chính phủ được các DN đánh giá cao nhất, điểm bình quân tới 2,64/4 điểm.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, khi toàn bộ nền kinh tế phải nhập siêu trong bối cảnh khủng hoảng thì nông nghiệp lại xuất siêu. Trong đó nông sản là một trong những mặt hàng mang lại kim ngạch XK cao kể từ đầu năm đến nay. Các mặt hàng nông, thủy, hải sản Việt Nam vẫn giữ được vị thế cạnh tranh và đóng góp cho tăng trưởng XK. Đặc biệt, trước sự ảnh hưởng của kinh tế thế giới, không ít mặt hàng đã giảm tỷ trọng XK, nhưng cán cân thương mại XK của nhóm mặt hàng này vẫn là chủ lực. Tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản năm 2009 ước đạt 15 tỷ USD.

Thưa TS Nguyễn Đức Thành, việc nông nghiệp đạt những thành tựu rõ nét đã được nói đến nhiều, nhưng ông đánh giá thế nào về những thách thức đặt ra trong năm tới?

TS Nguyễn Đức Thành: Mặc dù mức độ “đỡ” của nông nghiệp cho nền kinh tế là đáng kể, song theo tôi bản thân nông dân hiện nay lại gặp rất nhiều khó khăn như: Các thị trường lớn cà phê, thủy sản, đồ gỗ đều bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó, lực lượng lớn lao động ở các nhà máy trở về nông thôn đã khiến gia tăng lao động, thiếu việc làm. Ngoài ra, một số khách hàng tiềm năng của nước ta về các sản phẩm nông nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất nội địa của họ.

Tôi cho rằng, năm qua Chính phủ đã làm rất tốt việc kích cầu nhắm vào một số đối tượng của nền kinh tế. Tuy vậy, lĩnh vực nông nghiệp lại chưa được chú trọng đúng mức. Có thế thấy, một số DN hoạt động trong lĩnh vực này vẫn còn phàn nàn về việc chưa tiếp cận được đồng vốn hỗ trợ, các DN khác thì không mặn mà khi đầu tư vào nông nghiệp. Trong năm tới, nếu Chính phủ tiếp tục kích cầu, thì cần kích mạnh hơn nữa vào tam nông. 

XK thủy sản là thế mạnh của nước ta

Cẩn trọng với biến đổi khí hậu

Nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định vị thế không thể thay thế của nền kinh tế. Tuy nhiên, như ông nói nông nghiệp chưa được đầu tư mạnh?

TS Nguyễn Đức Thành: Như tôi đã nói ở trên, chính sách hỗ trợ lãi suất khu vực nông nghiệp, nông thôn năm qua vẫn chưa tương xứng; kích cầu chưa thực sự đem lại nhiều lợi ích cho nông dân và trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc mà thiệt thòi hầu như đều rơi vào nông dân.

Đơn cử, gói kích cầu theo Quyết định 497 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển SXNN, giúp nông dân có điều kiện thuận lợi để mua máy móc, thiết bị, VTNN phục vụ sản xuất - tiền đề để CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn chỉ đạt 0,2%. Sự chậm trễ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tổ chức thực hiện các nội dung của quyết định còn chậm; không ít địa phương trông chờ vào các chương trình và chính sách TƯ nên khi thực hiện còn nhiều lúng túng. Thủ tục vay vốn ngân hàng cũng nhiều phiền toái...

Trong năm tới, dự báo nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó các chuyên gia nhấn mạnh đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ông có suy nghĩ thế nào?

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia HN)

TS Nguyễn Đức Thành: Toàn bộ nguồn nông sản phụ thuộc vào khai thác đất và nước sạch. Tôi có đọc một tài liệu nói rằng, nguy cơ nước biển dâng thêm 1m làm biến mất 1/2 diện tích canh tác và hiện tượng ngập mặt trên diện rộng. Từ đầu nguồn sông Mekong, các dự án thủy điện đang giữ lại phù sa và nguồn cá tự nhiên, đồng thời gia tăng nguy cơ khô hạn vào mùa khô. Việc phát triển công nghiệp thiếu thận trọng làm ô nhiễm nguồn nước, lại thêm việc khai thác sử dụng nước ngầm làm thoái biến nguồn nước sạch quý giá và hiếm hoi.

Việt Nam cũng có thể lên tiếng tại các diễn đàn quốc tế về chia sẻ tài nguyên, công bằng thương mại nhưng có những công việc có thể tự giải quyết ngay tại chỗ cho trước mắt hay lâu dài.

Như TS Thành nói thì chúng ta vẫn chưa thích ứng kịp với biến đổi khí hậu, từ đó SXNN sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. TS Vũ Tiến Lộc có đồng tình với ý kiến này?

TS Vũ Tiến Lộc: Có nhiều phương án đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, thoái biến môi trường, khủng hoảng kinh tế có tính thực tiễn ngay ở vùng nông thôn ĐBSCL, nhưng thật tiếc là có rất ít nghiên cứu thấu đáo. Ngay cả nghiên cứu tiên liệu còn hiếm chứ chưa nói đến những phương án phát triển hạ tầng khả thi. Tôi cứ tâm đắc câu nói của GS David Dapice, Trường Đại học Stockhohm (Thụy Điển) là: Có rất nhiều câu trả lời tốt nhất là từ chính các bạn, vì vấn đề là của các bạn và đây là đất nước các bạn sinh sống và gắn bó lâu dài…

Nông nghiệp – “chiếc phao” tái cơ cấu kinh tế

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, khi nước ta đang bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi thì nông nghiệp sẽ là “chiếc phao”, là “tấm chắn” để tái cơ cấu nền kinh tế”, TS Lộc cho biết.

Ông có bình luận gì khi nói nông nghiệp là “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế?

TS Vũ Tiến Lộc: Nông nghiệp không chỉ là “đòn bẩy”, mà là “phao đỡ”, là hậu phương và chỗ dựa cho nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế nhập siêu thì nông nghiệp tạo ra nguồn ngoại tệ mạnh nhờ xuất siêu một số mặt hàng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người mất việc ở đô thị.

Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, cần phải đặt nông nghiệp vào vị trí nào, thưa ông?

TS Nguyễn Đức Thành: Chúng tôi có làm một nghiên cứu, nếu đầu tư 1% GDP vào nông nghiệp, công nghiệp hoặc dịch vụ thì có điều thú vị là đầu tư cho nông nghiệp có tăng trưởng cao nhất. Tại sao lại thế? Nền nông nghiệp của nước ta gắn chặt với các thành phần kinh tế khác, nó tạo cho công nghiệp nguồn nguyên liệu, lao động, thị trường và kinh tế đô thị, vì thế đầu tư vào nông nghiệp là đầu tư rất hiệu quả trong tương lai.

Vậy tại sao các nhà đầu tư vẫn không thiết tha với lĩnh vực này?

TS Nguyễn Đức Thành: Phải nói thẳng rằng, đầu tư vào nông nghiệp mặc dù có tiềm năng nhưng cũng có quá nhiều rủi ro và lợi nhuận thấp. Nguyên nhân là do hạ tầng nông thôn kém, tỷ lệ hao hụt nông sản do thời gian vận chuyển lâu, chi phí vận chuyển tốn kém. Chưa kể đến lĩnh vực GD- ĐT, kể cả phổ thông lẫn dạy nghề, đều yếu. Tất cả những yếu tố đó đã tạo ra khó khăn, ngăn cản các nhà đầu tư khi muốn quay về vùng nông thôn. Do đó, muốn thu hẹp khoảng cách thì phải có một loạt các chính sách thực hiện.

Theo ông, chúng ta phải đầu tư gì cho nông nghiệp?

TS Vũ Tiến Lộc: Có 3 điểm mà NQTƯ 7 đã chỉ ra, đó là, muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao mức sống cho nông dân thì phải tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, làm thế nào để đường sá ít nhất cũng phải gần bằng đô thị. Song song với đó là các yếu tố về điện, giao thông liên lạc và thủy lợi cũng phải đảm bảo.

Ngoài ra, phải đào tạo nguồn nhân lực làm sao để trình độ tương đương nhau. Khâu thứ 3 cần phải chú ý là phát triển khoa học công nghệ. Trước hết, phải cùng nhau hợp sức vượt qua khủng hoảng và chắc chắn vai trò của nông nghiệp là rất quan trọng trong giai đoạn này.

Xin cảm ơn các vị khách mời!

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.