| Hotline: 0983.970.780

Bánh chưng mệ Bê nức tiếng, lan sang tới Mỹ cùng nhiều nước khác

Thứ Hai 16/01/2017 , 09:20 (GMT+7)

Muốn có chiếc bánh chưng chất lượng, thơm ngon dâng lên bàn thờ tổ tiên ông bà trong dịp tết đến, xuân về thì ít đâu ngon và nổi tiếng bằng bánh chưng của mệ Đào Thị Bê...

Muốn có chiếc bánh chưng chất lượng, thơm ngon dâng lên bàn thờ tổ tiên ông bà trong dịp tết đến, xuân về thì ít đâu ngon và nổi tiếng bằng bánh chưng của mệ Đào Thị Bê, còn gọi là mệ tóc bạc ở 117, phố Nhật Lệ, thành nội Huế (Thừa Thiên - Huế).
 

Tiếng lành sang Mỹ

Căn nhà của mệ Bê những ngày này rộn ràng người vào ra, người thì đặt bánh chưng chuẩn bị cho tết, người thì mua cúng tất niên, mua tặng người thân, bạn bè.


Mệ Bê đang bày cho con cháu gói chiếc bánh chưng ngon và đẹp
 

Mệ Bê năm nay đã ngoài 80 tuổi, tóc bạc trắng, đang cùng con cháu gói bánh chưng mỗi ngày. Mệ tâm sự: Hôm nay, ngoài bánh chưng bán như thường lệ thì tui phải làm cho kịp hai ngàn bánh theo đơn đặt hàng của một Việt kiều ở An Bằng chuẩn bị tất niên. Anh ni từ Mỹ về, làm tất niên mời cả làng. Tui từ chối nhận đơn hàng nhưng anh kèo nài nhờ gói cho bằng được. Anh nói khi đang ở bên Mỹ cũng nghe bánh chưng mệ Bê ngon nổi tiếng.

Mệ Bê làm nghề gói bánh chưng đã được hơn bốn chục năm, đây cũng là nghề nghiệp chính của cả gia đình. Hàng ngày khách ở Huế hay đường xa đều đến nhà mệ mua bánh chưng. Nhưng nhu cầu bánh chưng nhiều nhất là từ đầu tháng Chạp cho đến ngày ba mươi tết.

Mệ nói nghề ni cần tỉ mẩn, sạch sẽ, tươm tất để làm ra được mỗi chiếc bánh là xem như mỗi tác phẩm nghệ thuật của cuộc sống. Gói bánh chưng từ khi mới lập gia đình nay đã làm cho mệ thành thạo đến nỗi gói bánh không cần khuôn mà bánh vẫn vuông. Chưa đầy một phút mệ gói xong một cái bánh thật đẹp.

Mỗi ngày của gia đình mệ bắt đầu từ 5h sáng để chuẩn bị sơ chế các nguyên liệu cho mẻ bánh. Các nguyên liệu được mệ chọn lọc rất kỹ càng từ những ngày đầu mới làm bánh, giờ đã thành mối quen mấy chục năm.

Nếp làm bánh là nếp thơm thứ thiệt của các vùng trũng sát Huế, có hạt to, tròn, trắng trẻo. Đậu xanh phải là đậu còn nguyên vỏ, sau đó được mệ tự tay tách vỏ mới cho ra nhân bánh vàng ươm, thơm và béo ngậy.

Thịt lợn tươi được mổ trong ngày và đem đến từ sáng sớm, lá chuối mệ mua từ các làng ở khắp Thừa Thiên - Huế. Cả những thứ gia vị hạt tiêu cũng là mệ đặt từ người bà con của mệ ở Quảng Trị để có mùi vị cay nồng, cho nhân bánh thêm phần đậm đà.

Gói xong, mệ Bê nhẹ nhàng sắp từng chiếc bánh chưng vào nồi. Mỗi chiếc nồi có thể chứa 250 đến 300 cặp bánh chưng. Tùy theo đơn đặt hàng mà mỗi ngày mà nấu chừng nào cặp. Bình thường thì vài ba nồi, có ngày nhiều người đặt hàng quá thì phải 10 cái mới đủ nấu.

13-29-50_me-be-3
Mệ Bê đếm bánh trước khi giao khách hàng

 

Bánh chưng là phải nấu bằng củi mới ngon, đó là bí quyết của mệ Bê. Mệ nói một thứ quan trọng không kém nguyên liệu làm bánh đó là củi. Củi để nấu bánh chưng phải là củi to, củi nhỏ không nấu được bánh, mà nấu bằng than thôi cũng không được, ít nhất phải là củi to hơn bắp đùi người lớn. Lí do là vì thời gian nấu bánh chưng rất lâu (bánh chưng nhỏ để bán thường ngày phải nấu 4-5 tiếng, bánh lớn hơn cho ngày tết phải nấu hơn 10 tiếng).

Thêm vào đó, sau khi củi cháy sẽ có than hồng, đây là một yếu tố rất quan trọng trong khâu làm bánh. Sau khi lửa tắt, than hồng trong bếp sẽ giữ nhiệt độ trong nồi bánh vừa phải thêm một thời gian để nếp bánh được chín mềm, dẻo.

“Bánh chưng phải dẻo mới ngon, không dẻo thì là bánh sượng, bánh sượng là bỏ”, mệ Bê quả quyết.

Tất cả những nguyên liệu làm bánh được chọn lọc kỹ càng cùng với tay nghề và tâm huyết tạo nên một thương hiệu bánh chưng của mệ Bê tóc bạc nổi tiếng không chỉ ở mảnh đất cố đô Huế mà còn ở dọc khắp nhiều tỉnh miền Trung, và còn được mang nước ngoài.

Không chỉ ở những tỉnh lân cận Thừa Thiên-Huế, bánh chưng của mệ còn được “xuất khẩu” qua Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada... nhờ những người Việt Kiều về thăm quê. Những khách hàng của mệ cũng chính là người đem thương hiệu của mệ, cũng là tinh hoa văn hóa Việt Nam giới thiệu đến bạn bè trên khắp năm châu bốn bể.

Bánh chưng của mệ Bê được khách hàng ở nhiều tỉnh thành đặt mua để làm quà cho người thân mỗi dịp ghé Huế. Nhiều người ở xa muốn đặt bánh chưng tết của mệ làm phải dặn trước cả tháng trời.
 

Ngày nào cũng là tết

Vừa mời tôi ăn miếng bánh chưng mới ra lò còn nóng hổi, mệ Bê vừa tâm sự đã làm nghề gói bánh hơn bốn chục năm rồi, giờ cũng không có định làm nghề chi khác. Ai cũng có cái duyên với nghề nghiệp, giống như mệ là cái duyên nợ với nghề bán bánh chưng.

Nghề này tuy không giàu có nhưng cũng không thiếu cái ăn, lại cũng đủ nuôi nấng đàn con ăn học đàng hoàng. Vì nay tuổi đã cao, mệ Bê đã dần truyền bí quyết nghề nghiệp cho các con, cháu. Mệ muốn gìn giữ thương hiệu bánh chưng “mệ tóc bạc” mà hơn bốn chục năm nay mệ đã gây dựng nên.

Bánh chưng không chỉ của những ngày tết. Bình thường bánh chưng mệ Bê được các tiểu thương lấy về bán ở chợ, đám giỗ, đám cưới hoặc người quanh thành nội mua làm đồ ăn sáng hay đơn giản là ăn chơi. Nhất là những người lao động nghèo thích bánh chưng của mệ vì vừa ngon, vừa rẻ (giá mỗi cặp bánh chưng chỉ có 10 ngàn đồng) lại còn chắc bụng.

Cùng với làm bánh chưng, mệ Bê còn làm thêm cả dưa món để ăn kèm cùng với bánh chưng. Mệ nói rằng bánh chưng ăn phải có dưa món mới đúng bài. Qủa thật, vị bánh chưng dẻo thơm, quyện cùng thịt mỡ, đậu xanh béo ngậy, lại thêm vị mặn ngọt của dưa món tạo ra một hương vị ẩm thực truyền thống Việt Nam thân quen mà ngon khó cưỡng.

13-29-50_me-be-2
Làm nhân đậu là khâu quan trọng để chiếc bánh ăn được thơm hơn

 

Với mệ Bê bây giờ, công việc không chỉ đơn giản là để kiếm sống mà đã trả thành niềm vui. Người ta tết mới gói bánh chưng, chỉ có nhà mệ Bê là ngày nào cũng như tết. Ngày nào cũng được gói bánh chưng, ngày nào cũng được quây quần cùng con cháu bên nồi bánh, ngày nào gia đình cũng đông vui, căn nhà nhỏ của mệ luôn đầy ắp tiếng cười nói của mệ và con cháu. Đó là một niềm vui không phải ai cũng có thể có được. Tết với mệ chính là những cặp bánh chưng mà mệ cùng những người con của mệ cùng nhau làm ra mỗi ngày.

Tết đang ngày một đến gần, không khí trong gia đình mệ Bê lại càng trở nên rộn rã, những đơn đặt hàng bánh chưng ngày một nhiều. Mệ vẫn ngồi gói bánh mỗi ngày để làm chiếc bánh sao cho ngon hơn. Mệ Bê đang gìn giữ một nét văn hóa dân tộc trong ngày tết thay cho những gia đình đang bận rộn với công việc cuối năm. Nhờ những nghệ nhân như mệ Bê mà mâm cỗ ngày tết trong mỗi gia đình được đầy đủ, vẹn tròn “bánh chưng xanh, câu đối đỏ”.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.