| Hotline: 0983.970.780

Bánh mì Việt gây sốt tại Mỹ

Thứ Hai 22/10/2012 , 09:50 (GMT+7)

Trong từ điển Urban Dictionary trực tuyến, từ mới “banh mi” được cập nhật với nghĩa: đồ ăn nhanh xuất phát từ Việt Nam; ngon, rẻ và nhiều dinh dưỡng.

Trong từ điển Urban Dictionary trực tuyến, từ mới “banh mi” được cập nhật với nghĩa: đồ ăn nhanh xuất phát từ Việt Nam; ngon, rẻ và nhiều dinh dưỡng.

Trên tờ Asian Week, nhiều người Mỹ đã nhận định, “bánh mì đã nhanh chóng lan tỏa và bây giờ, bánh mì là đồ ăn nhanh nổi tiếng không kém bánh sandwich và các loại thức ăn nhanh có xuất xứ từ châu Âu”.

Sáng sớm, ông Karl Nguyen dọn xe bánh mì và bắt đầu nướng lại những chiếc bánh cho nóng. Phần nhân bánh, ông đã chuẩn bị từ tối, gồm thịt xíu, pa-tê làm từ gan, dưa chuột, su hào và cà rốt muối được bào nhỏ, cũng như thêm một ít rau thơm và tương ớt. Đứng phụ cùng ông là cô con gái Michelle Nguyen, cô sẽ chia những chiếc bánh thành 3 phần, bởi nguyên liệu cửa hàng của ông dùng là bánh mì nướng của Pháp, có chiều dài gấp 3 lần so với bánh mì Việt Nam.

“Tôi định cư ở Mỹ lâu rồi. Tôi có về Việt Nam thăm người thân vài lần và ăn loại bánh mì kẹp thịt này. Ưu điểm của loại bánh này là ngon, dễ chế biến và tôi quyết sang Mỹ bán loại bánh này. Tuy nhiên, điều tôi bất ngờ là đã có khá nhiều nơi bán bánh mì Việt Nam này. Họ dùng chữ “Banh mi” treo ngoài biển hiệu và đó cũng là đặc điểm nhận dạng cho đồ ăn này. Không chỉ người Việt mới bán bánh mì mà có khá nhiều người Mỹ cũng lao vào kinh doanh đồ ăn nhanh này", ông Karl Nguyen chia sẻ.

Mỗi sáng sớm, cửa hiệu “Banh mi” của Karl Nguyen bán được hơn 100 ổ bánh với giá 2USD/1 phần ăn (1/3 ổ bánh mì), ông đang có ý định mở thêm 1 xe bán lưu động tại các nơi như bệnh viện, trường đại học, các trạm y tế…

Tuy cùng chung công thức là kẹp thịt vào bánh mì nhưng có nhiều cửa hàng ở Mỹ tạo nên sự khác biệt bằng những sáng tạo riêng. Chuỗi cửa hàng Baoguette của Michael Bao và vợ là Thao Nguyen bắt đầu từ một cửa hàng bánh mì Việt Nam tại New York vào năm 2009. Bí quyết cho bánh mì kẹp thịt của nhà Michael Bao là pha thêm một ít sốt mayonaise, song song, phần thịt xíu được tẩm ướp gia vị với một ít hạt tiêu cay, phù hợp với thói quen ăn uống của dân New York.


Bánh mì Việt Nam đang gây sốt tại Mỹ

Thành công tại New York, Michael và vợ mạnh dạn mở thêm 4 cửa hàng khác trong vòng 2 năm và có kế hoạch mở thêm 2 cửa hàng nữa trong năm nay. Họ cũng đang có kế hoạch đưa tên tuổi của chuỗi cửa hàng của mình vượt ra ngoài phạm vi New York. Cụ thể, Michael sẽ mở ở Los Angeles và Lasvegas, ông không chọn California, bởi đây là đất làm ăn chính của người Việt và sẽ có nhiều sự cạnh tranh.

Bánh mì Việt đã giúp không ít người thành triệu phú trên đất Mỹ, điển hình là chuỗi cửa hàng bánh mì lớn nhất nước Mỹ là Lee’s Sandwiches của ông Lê Chiêu, được đóng tại trụ sở ở San Jose, bang California. Hệ thống cửa hàng Lee’s Sandwiches nằm trong số các doanh nghiệp phát triển nhanh nhất. Bên cạnh đó, với hiệu quả phục vụ, họ đã giật giải Doanh nghiệp thành đạt tại địa phương (Regional Entrepreneurial Success Award) của Hội đồng Quản trị doanh nghiệp nhỏ San Jose (Small Business Administration-SBA).

Bánh mì Việt Nam hiện đang là “món kinh doanh” béo bở trên đất Mỹ, và đang có phần lấn át sandwich bởi tính tiện lợi, và có phần mới mẻ. Dĩ nhiên, dân Mỹ cũng không thể đứng ngoài cuộc trong cuộc kinh doanh này, cửa hàng của nhà Andrew Hernandez ở California là một ví dụ điển hình.

Thời điểm này, bạn ghé thăm nước Mỹ, trong một số cẩm nang du lịch đã nhanh chóng cập nhật những cửa hiệu bánh mì của người Việt. Và không chỉ California mà New York, Houston, Atlanta, New Orlean… cũng đang dần bị bánh mì “nuốt gọn”.

“Chúng tôi chỉ quan sát cách làm và làm theo, giá loại đồ ăn này khá rẻ nên quả thực, đây là một món hàng dễ bán và thu hút cả khách du lịch đến nước Mỹ. Chúng tôi chọn cách viết chữ “Bánh mì”, rõ cả dấu để nhấn mạnh tính nguyên bản của món ăn. Trong thời gian tới, chắc chắn không chỉ nhà tôi mà nhiều người Mỹ nữa cũng sẽ lao vào kinh doanh thức ăn nhanh này", Andrew chia sẻ.

Mới đây, trên tờ Charleston City Paper của Charleston - thành phố lớn thứ hai của bang Nam Carolina, Mỹ, tác giả Robert Moss đã bày tỏ sự ấn tượng của mình trước sự tràn ngập với tốc độ chóng mặt của bánh mì Việt Nam trên thị trường.


Một cửa hàng bán bánh mì Việt Nam trên đất Mỹ

Robert nhận định: “Bánh mì là đồ ăn bậc nhất về sáng tạo, món ăn này là một sự pha trộn hài hòa của nhiều hương vị hấp dẫn, và có thể, sự pha trộn này sẽ được điều chỉnh dần dần với sự đa dạng của dân nhập cư ở Mỹ”.

Robert cũng bày tỏ sự giống nhau giữa các đồ ăn như bánh pizza hay tacos của người Mexico, bánh mì Việt Nam được đưa vào nước Mỹ qua cộng đồng người nhập cư. Lúc đầu, chúng chỉ được biết đến trong cộng đồng người Việt, sau đó những người đến từ bên ngoài mới tiếp cận chúng. Khi cảm thấy đây là một món ăn phù hợp, bánh mì dần dần mở rộng ảnh hưởng và trở thành một phần của thói quen ẩm thực Mỹ.

“Quá trình này diễn ra từ từ và năm 2012 này, đi đâu chúng tôi cũng thấy cửa hàng treo biển “Banh mi” hoặc “Bánh mì” được viết có dấu như một dấu ăn văn hóa ẩm thực”, Robert chia sẻ thêm.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.