| Hotline: 0983.970.780

Bánh xếp nhà quê

Chủ Nhật 22/01/2012 , 09:13 (GMT+7)

Ngày tết, mâm cao cỗ đầy nhưng nhiều người vẫn thích ăn món dân dã với tên gọi “bánh xếp nhà quê” được dọn chễm chệ trên bàn ăn rất thú vị.

Ngày tết, mâm cao cỗ đầy nhưng nhiều người vẫn thích ăn món dân dã với tên gọi “bánh xếp nhà quê” được dọn chễm chệ trên bàn ăn rất thú vị.

Ngày tết nếu ai muốn dùng bánh xếp thì hãy đến Vĩnh Long ghé nhà hàng ẩm thực nằm trên đường Phạm Thái Bường, thành phố Vĩnh Long. Tết năm trước tôi ghé Vĩnh Long, mấy anh bạn chí cốt rủ rê đi ăn “bánh xếp nhà quê”. Ghé vào nhà hàng, tôi ngờ ngợ, lẽ nào cái bánh xếp nhà quê bây giờ trở thành món nhậu đặc sản?

Kêu dĩa bánh xếp, chỉ một thoáng sau cô tiếp viên xinh đẹp bưng ra dĩa bánh nóng hổi kèm rau thơm, nước mắm chua ngọt. Những chiếc bánh xếp xinh xinh, nhân tôm, thịt bằm, nấm mèo nhìn thấy rõ dưới lớp bột lọc trong veo, thật bắt mắt, chưa ăn mà có người đã nuốt nước miếng. Cô tiếp viên cười tươi, nói: “Mấy anh có ăn thêm thì dặn trước, món này đắt khách lắm, mỗi ngày nhà hàng chỉ làm đúng 500 cái bánh, ai tới trước thì còn, tới sau thì hết, ráng chờ đến hôm sau tới sớm để thưởng thức”.

Gắp một cái bánh chấm ngập vào chén nước mắm, cắn một miếng nhai chậm rãi kèm rau thơm, cảm nhận tôm, thịt, nấm ngọt lừ, bột lọc dai dai, cộng với hương rau đồng nội, vị chua chua ngọt ngọt, mặn mặn của nước mắm tan dần trong miệng, bỗng dưng nhớ quê da diết.

Quê tôi bên bờ sông Hậu lộng gió, trước nhà là một con sông nhỏ, ngày xưa đầy tôm cá. Tôi còn nhớ như in, những ngày cuối tuần được nghỉ học gặp lúc con nước ròng sát, anh em chúng tôi hay nhảy xuống rạch kéo lưới bắt cá tôm. Những hôm được mớ tôm tép ngon, anh em tôi lại đòi ăn bánh xếp. Mẹ tôi xúc vài lon nếp xay thành bột, tôm tép làm sạch bằm nhuyễn rồi ướp gia vị, sau đó lấy cái nồi đất lớn đổ nước vào nấu cho sôi, trên miệng nồi gác tấm vỉ tre. Trong lúc chờ nước sôi, mẹ tôi ngắt từng cục bột nếp nhỏ, dùng chiếc ống tre cán mỏng, cho tôm tép bằm vào giữa và gấp lại, không quên xếp nếp ở rìa bánh cho đẹp. Có lẽ vì vậy mà cái bánh này có tên là bánh xếp chăng?

Nước sôi bùng, mẹ tôi xếp bánh lên vỉ tre, cho vào nồi hấp chừng 10 phút là bánh chín, hết lượt này đến lượt khác. Lúc mẹ tôi lúi cúi làm bánh thì anh em chúng tôi chạy ù ra vườn nhà hái rau (chỉ có lá cách, rau quế, đọt xoài, húng cây, húng lủi), rồi phân công nhau đứa thì rửa rau, đứa đâm tỏi ớt làm nước mắm. Chỉ một loáng sau cả nhà tôi đã quây quần bên mâm bánh xếp nóng hổi, đứa nào cũng tranh nhau ăn dù bánh chẳng thiếu khiến mẹ tôi phải bật cười.

Tôi còn nhớ những ngày trời mưa dầm, gió lạnh, nước lớn mênh mông không bắt được tôm tép dưới sông mà nghe anh em chúng tôi nói thèm ăn bánh xếp, mẹ tôi cười cười xúc nếp xay bột, lấy thêm vài lon đậu xanh ngâm cho mềm, sau đó nấu chín, trộn đường đánh nhuyễn làm nhân bánh. Xong xuôi mọi việc, mẹ tôi lôi trái dừa khô dưới gầm (ở quê hầu như nhà nào cũng có vài trái dừa khô để sẵn), lột vỏ, đập trái dừa bể đôi rồi nạo nhuyễn, vắt lấy nước cốt cho vô nồi, thắng sền sệt, thêm chút muối, đường để làm nước chấm.

 Thắng nước cốt dừa xong mẹ tôi bắt đầu xếp bánh, hấp bánh, anh em tôi ngồi quây quần xung quanh bếp lửa cho đỡ lạnh, mỗi đứa tay bưng một chén nước cốt dừa, chờ những chiếc bánh mới ra lò nóng hổi để ăn ngấu nghiến. Món bánh xếp nhân đậu xanh chấm nước cốt dừa mẹ tôi gọi là bánh ngọt, còn bánh xếp nhân tôm thịt chấm nước mắm ăn kèm rau thơm là bánh mặn.

Bây giờ mẹ tôi đã lớn tuổi. Ngày tết con cháu tụ họp về quê mẹ rất vui, khi có đứa nào đòi ăn lại bánh xếp ngày xưa thì bà lại lúi cúi đi kiếm nguyên liệu để làm bánh. Con sông không còn tôm tép do bị khai thác tận kiệt thì mẹ tôi ra chợ mua, rau thơm và bột cũng có thể mua ngoài chợ, cái bánh xếp mẹ làm bây giờ ngon không khác ngày xưa, nhưng tôi thấy vẫn thiếu thiếu một điều gì đó trong ký ức, hình như là thiếu cái không khí hồn nhiên vui nổ trời khi mấy anh em cùng nhau kéo lưới bắt tôm tép dưới sông và xúm xít tranh ăn bên bếp lò hấp bánh ấm áp của mẹ...

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bình luận mới nhất