| Hotline: 0983.970.780

Bao Công ở đâu?

Thứ Sáu 16/12/2011 , 10:13 (GMT+7)

Những cơ cấu giống kiểu “be bờ đắp đập”, không giống ai đã làm triệt tiêu vai trò, sự đóng góp của giống mới, làm méo mó thị trường giống.

Cả việc công nhận giống lúa lẫn việc triển khai đưa giống mới vào SX đều có vấn đề

Những cơ cấu giống kiểu “be bờ đắp đập”, không giống ai đã làm triệt tiêu vai trò, sự đóng góp của giống mới, làm méo mó thị trường giống. Lỗi này có một phần ở cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp địa phương, nhưng có cả lỗi ở những doanh nghiệp giống thích dùng quan hệ thay cho chất lượng hạt giống…

>> Cơ cấu giống lúa quá bảo thủ

Cuối năm ngoái, ĐH tỉnh Đảng bộ diễn ra đồng loạt trên toàn quốc. Sau ĐH có tỉnh GĐ Sở NN- PTNT tái cử, có tỉnh GĐ không đủ nhiệm kỳ nhưng được kéo dài đến lúc nghỉ hưu, có tỉnh bầu GĐ Sở mới. ĐH xong cũng vào dịp chuẩn bị cho vụ ĐX, tỉnh nào cũng nháo nhào lo giống lúa cung ứng cho nông dân.

Chào mừng thành công ĐH tỉnh mà dân mất mùa thì còn mặt mũi nào. Nhất là với các tỉnh miền Bắc, vụ xuân là vụ lúa chính trong năm, hoàn thành sản lượng lương thực cả năm hay không đều nhìn vào vụ lúa quan trọng này. Bí thư, Chủ tịch đốc thúc GĐ Sở NN-PTNT, đến lượt GĐ Sở ép Cty giống. Đặc biệt ở những tỉnh có GĐ Sở mới thì tình trạng “thịt ép giò, giò ép mỡ” càng căng hơn, vì dân được mùa thì tân lãnh đạo Sở mới ghi được điểm trước lãnh đạo tỉnh.

Sau ĐH chừng hơn tháng, lãnh đạo Cty giống một tỉnh miền núi bốc máy điện thoại cho tôi, giọng chán nản. Đầu này nghe máy mà đầu kia còn thấy tiếng thở dài ngao ngán của ông - một người vẫn tự hào có gần 40 năm làm giống lúa và nguyện sống chết với nghề. “Ông ạ, có lẽ tôi đến bỏ nghề. Chứ làm giống kiểu này tức anh ách. Hôm qua tôi lên chào tân GĐ Sở, nhân tiện kiến nghị GĐ đề xuất tỉnh trợ giá giống lúa lai cho dân mấy huyện vùng cao, huyện nghèo.

Tưởng được hưởng ứng, nào ngờ giọng ông ấy buông thõng: Thôi lúa lai làm gì cho lãng phí. Bà con tỉnh mình có truyền thống cấy Bao thai, Mộc tuyền bao nhiêu năm nay, quen rồi. Vẫn cho thu hoạch, vẫn có gạo ăn, đã ai chết đói đâu. Đưa lúa lai vào dân khó tiếp thu. Vả lại trình độ dân trí tỉnh ta thấp, không nên theo đuổi công nghệ cao. Cứ cấy giống cũ cho yên tâm, đỡ đau đầu. Mà ông nói thế nào chứ, giống lúa thì thiếu gì mà phải lo từ giờ. Sở bao nhiêu việc lớn, đâu chỉ có mấy hạt giống. Thời buổi này, có tiền là mua được tất. Vàng thiếu còn nhập khẩu được nữa là giống lúa lai. Bực quá, tôi cãi: Anh ạ, vàng có tiền thì mua được. Nhưng đến lúc mất mùa thì có vàng chưa chắc đã mua được gạo ăn đâu. Do khủng hoảng thiếu lương thực, nhiều nước không nhập khẩu được gạo ăn, dân biểu tình lật đổ chính quyền đấy. Ông ấy trừng mắt: Anh dọa tôi đấy à. Ông xem suy nghĩ của lãnh đạo Sở còn thế thì nghề làm giống như chúng tôi sống sao được”.

 Đó không phải là câu chuyện cá biệt. Ở nhiều tỉnh lấy lý do điều kiện tự nhiên, khí hậu đặc thù, người ta cố tìm cách giữ lại những giống lúa thời bao cấp, không chịu tiếp nhận giống mới. Ai đời có huyện vùng sâu vùng xa vẫn cấy 75-80% diện tích là Bao thai, Mộc tuyền, Khang dân, Q5… Lúa lai họa hoằn có vụ vào được thì cũng chỉ là mấy giống lúa cũ không thể cũ hơn như Nhị ưu 838, Bồi tạp Sơn Thanh... Tất cả cứ đổ tại dân thích. Nhưng dân miền núi cả đời không được ra thị trấn, thị xã làm sao họ biết trên huyện, trên tỉnh, trên TƯ có giống gì mới. Thậm chí nhiều nơi nông dân còn chưa biết lúa lai mặt ngang mũi dọc ra sao mà đổ cho dân thì quá lắm.

Một số lãnh đạo Cty giống lại than thở: “Tỉnh tôi GĐ Sở dân thủy lợi, làm Bí thư huyện đã lâu, chỉ quen công tác Đảng, giờ chuyển lên Sở chẳng còn nhớ gì ngành trồng trọt. Nói chuyện giống lúa lai, ông ấy cứ ngoảnh mặt đi. Vả lại, cái đê cái đập cả chục tỷ mới nằm trong suy nghĩ của lãnh đạo, vài cây lúa có đáng gì. Ấy thế nhưng thiếu giống, lãnh đạo tỉnh la là ông ấy lại gõ vào đầu mình. Khổ thế chứ!”.

Miền núi là vậy, nhiều tỉnh đồng bằng có tiếng trình độ thâm canh cao, cởi mở với giống mới mọi chuyện cũng không khá hơn. Vừa qua về dự hội nghị triển khai kế hoạch vụ xuân một tỉnh nằm giữa ĐBSH, ngó vào cơ cấu giống lúa của tỉnh một cán bộ Cục Trồng trọt nói với tôi: “Quá bảo thủ ông ạ! Toàn giống lúa thuần, lúa nếp của Cty giống tỉnh này cung ứng đã chiếm đến 80% cơ cấu, lúa lai chỉ vài giống đã quá nổi tiếng như SYN6, Thục Hưng 6… mới được để mắt tới. Vừa rồi Cục công nhận hàng chục giống tốt lắm, gieo cấy ở tỉnh đã mấy vụ được Chủ tịch tỉnh đi thăm đồng khen hết lời chẳng thấy mặt mũi đâu”.

Các Cty giống của Bộ, của tỉnh ngoài về dự họp đều chưng hửng vì giống của họ không nằm trong cơ cấu cứng tức cơ cấu được GĐ Sở phê duyệt bằng văn bản, đóng dấu đỏ. Có chăng giống nào xuất sắc lắm mới được vị phó Sở phụ trách trồng trọt chiếu cố nhắc nhở các huyện lưu ý “có thể đưa vào”. Hội nghị cứ ồn ã lên bởi tiếng gọi điện thoại giữa các Cty giống, nào là “chúc mừng nhé, giống của ông lọt khe rồi”, nào là “xôi hỏng bỏng không hết rồi ông ơi, rụng toàn phần”… Lại nhớ có lần lên Cục Trồng trọt xin cơ cấu giống các tỉnh gửi về để tổng hợp viết bài, một cán bộ nói: “Vẫn như năm ngoái”. Trời đất, cơ cấu giống năm trước vẫn y hệt năm sau thì bao nhiêu giống đã công nhận nằm ở đâu? Tiền của, công sức công nhận giống mới đổ sông đổ bể cả sao.

Mấy năm trước, một Cty giống ở Hà Nam hì hục sang Trung Quốc khuân về được giống lúa lai khá tốt. Làm khảo nghiệm được vài vụ chuẩn bị công nhận giống thì bên Trung Quốc giống này cháy hàng, không có giống xuất sang Việt Nam. Thế là đứt quãng. Đến lúc nhập được giống về lại khảo nghiệm từ đầu, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Giống công nhận rồi muốn lọt vào cơ cấu lại phải đi “gõ cửa” các tỉnh. Tỉnh gật, tỉnh lắc, có tỉnh vừa gật vừa… lắc (GĐ Sở gật nhưng PGĐ Sở lắc và ngược lại), DN chẳng biết  nghe “nhạc hiệu” nào là chuẩn để còn đoán “chương trình”.

Bản thân người viết bài này cũng từng chứng kiến một câu chuyện có thật: Lãnh đạo một Cty giống của tỉnh (tất nhiên đã cổ phần hóa) kiến nghị vị lãnh đạo Sở NN-PTNT đưa một giống mới được công nhận của Cty vào cơ cấu vụ tới, vì đã mấy năm rồi nhiều giống của Cty bị gạt ra ngoài trong khi giống của Cty tỉnh khác lại được ưu ái đưa vào. Vị lãnh đạo Sở mặt lạnh tanh hỏi: Ô hay, lỗi tại ai ông phải tự hiểu chứ? Vị lãnh đạo Cty giống… cứng hàm không nói được gì.

Dân làm giống cũng không lạ một tỉnh phía Bắc, GĐ Cty rất thân thiết với lãnh đạo hàng đầu của tỉnh, kể cả Bí thư Tỉnh ủy đến mức GĐ Sở NN-PTNT cũng phải ngại. Cả tỉnh mỗi năm tiêu thụ chừng 500 tấn giống lúa lai (2 vụ) thì Cty này bao trọn gói, đố Cty ngoài nào chen chân vào được. Lãnh đạo tỉnh đi đâu cũng khen Cty giống, Cty giống đi đâu cũng dùng diễn đàn ca ngợi lãnh đạo. Kẻ tung người hứng, y hệt dàn đờn ca sáo nhị...

Nhưng trường hợp “phế con, lập cháu” không nhiều. Thông thường các Sở NN-PTNT vẫn dành sự ưu ái tối đa cho Cty giống của tỉnh, bởi chẳng gì cũng “đi vào chạm mặt, đi ra tựa lòng”. Ở một tỉnh Trung bộ nọ, có ông phó Sở phụ trách trồng trọt bênh Cty giống của tỉnh mình chằm chặp, bất biết đúng sai. Nếu có xảy ra tranh chấp bản quyền giống giữa Cty ngoài tỉnh với Cty trong tỉnh thì phần thắng thường được quý Sở nghiêng hẳn cho Cty tỉnh nhà. Các Cty khác đến tỉnh này bán giống đều phải “tựa cửa nhìn xa”, không dám làm chủ nhà mếch lòng bao giờ. Chính kiểu “be bờ đắp đập” đó khiến những DN giống làm ăn chân chính thấy oải. Vị phó Sở còn nghĩ ra một kiểu cơ cấu giống có một không hai: Giống nào của Cty trong tỉnh bán thì yêu cầu các huyện buộc phải đưa vào, miễn bàn. Giống “ngoại lai” thì xếp vào dạng “tham khảo” tức là không bắt buộc, thiếu thì cấy, đủ giống thì bỏ ra. Và cứ như vậy thị trường giống tỉnh này vụ nào cũng sôi sùng sục bởi những thủ thuật nói xấu, công kích nhằm hạ bệ nhau, “đi đêm về hôm”, nửa kín nửa hở…

 Một chuyên gia về giống cho rằng hiện nay cả việc công nhận giống lẫn đưa giống lúa vào SX ở Việt Nam đều đang có vấn đề, không giống nước nào. Thủ tục công nhận giống nghe ra có vẻ chặt chẽ nhưng đi theo lối mòn, nặng chữ nghĩa, ít hàm lượng thực tế. Dẫn đến giống công nhận trên bàn giấy và giống ngoài đồng khác nhau một trời một vực. Giống ra như vũ bão nhưng năng suất và sản lượng lương thực thì chỉ tăng nhúc nhích. Cơ cấu giống của các tỉnh nặng tính địa phương, ban phát, thiếu “Bao Công”… Đây đang là những rào cản lớn kìm hãm tiến bộ về giống lúa của Việt Nam. Và ai, cơ quan nào có thể gỡ bỏ những lô cốt này để con đường đi của ngành giống thông thoáng hơn, bớt bị ổ voi ổ trâu?

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất