| Hotline: 0983.970.780

Bảo đảm hỗ trợ trực tiếp nông dân

Thứ Tư 08/08/2012 , 10:53 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị bàn về quy chế tạm trữ lúa gạo nhằm hỗ trợ trực tiếp hộ nông dân trồng lúa...

* Nông dân và DN cùng tham gia tạm trữ lúa gạo

Chiều qua (7/8), tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị bàn về quy chế tạm trữ lúa gạo nhằm hỗ trợ trực tiếp hộ nông dân trồng lúa với sự tham gia của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Theo quy chế (dự thảo) mà Bộ NN-PTNT đưa ra thì những năm qua Chính phủ đã có chính sách tạm trữ lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL khi vào thời điểm thu hoạch rộ (từ 500 ngàn đến 1 triệu tấn quy gạo, tùy vào diễn biến thị trường từng năm). Việc dự trữ này được giao cho VFA triển khai cho các đơn vị thành viên thực hiện.

Tuy nhiên, phương thức thu mua tạm trữ này đã bộc lộ nhiều hạn chế: 1- Không kiểm soát được việc mua bán lúa gạo của DN. 2- DN hầu như không mua lúa trực tiếp từ nông dân mà chủ yếu mua lại qua hệ thống thương lái. Chính vì vậy mà nông dân không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này. Hơn nữa, phần đông nông dân ít ruộng đều bán lúa tại ruộng, ngay sau khi vừa thu hoạch xong, trước khi quyết định tạm trữ được thực hiện. Cho nên dù giá lúa có tăng lên trong và sau khi tạm trữ thì đa số nông dân đã bán hết lúa với giá thấp.


Đa số nông dân đều bán lúa ngay tại ruộng, trước khi có quyết định tạm trữ nên không được hưởng lợi

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đồng tình với việc tạm trữ lúa gạo để giữ mức giá có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, cách làm thời gian qua mới chỉ mang tính tạm thời, thiếu căn cơ, việc giao chỉ tiêu cho các địa phương, đơn vị cũng còn nhiều bất cập. Thời gian thu hoạch lúa của các địa phương khác nhau nhưng thời gian triển khai tạm trữ như nhau là không hợp lý.

Chẳng hạn Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn, vụ ĐX thường thu hoạch sớm hơn các tỉnh khác 1-2 tháng, vì vậy khi có quyết định tạm trữ thì gần như nông dân đã bán hết với giá thấp, nên không được hưởng lợi từ chính sách này. Ông Dương đề xuất việc cho nông dân tạm trữ phải nâng định mức tối thiểu vào khoảng 50-100 tấn (dự thảo là 5 tấn/hộ) theo hình thức nhiều hộ liên kết lại.

Ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang có sản lượng lúa hàng năm vào khoảng 4 triệu tấn, trong đó 60% là lúa hàng hóa. Theo ông Sa, tạm trữ nên theo phương án là vừa có nông dân và DN tạm trữ. Tuy nhiên, không nên làm nhỏ lẻ từng hộ mà phải gắn với HTX, hỗ trợ xây kho cho nông dân ký gửi… Để đảm bảo cho nông dân lãi 30% thì cần phải xem lại cách tính giá thành, vì cách tính hiện nay là chưa đủ.

Theo ông Sa, trong bối cảnh hiện nay Chính phủ cần có quỹ hỗ trợ giá lúa khi giá thị trường sụt giảm quá thấp, không đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Quỹ này được xây dựng từ 2 nguồn gồm ngân sách nhà nước và trích từ lợi nhuận kinh doanh lúa gạo của DN. Ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang, cho rằng từ trước đến nay nông dân vẫn tự tạm trữ lúa gạo tại nhà, thời gian 1-2 tháng chất lượng vẫn đảm bảo. Vì vậy cũng không nên đưa ra định mức quá cao để người dân dễ tham gia.

Còn ông Đào Anh Dũng, PCT UBND TP Cần Thơ cho rằng, thời gian qua việc kêu gọi DN bao tiêu lúa cho nông dân rất khó khăn, dẫn đến mô hình cánh đồng mẫu lớn không thể nhân rộng. Về sản lượng tạm trữ của từng địa phương nên lấy sản lượng của năm trước để giao chỉ tiêu. Thời gian tạm trữ nên giao cho địa phương chủ động quyết định, vì mỗi nơi có thời gian thu hoạch khác nhau. Về thủ tục cũng cần đơn giản để người dân dễ triển khai. Ông Dũng lo ngại nhất là việc người dân khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, cuối cùng cũng không được hưởng lợi.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, việc triển khai tạm trữ dù làm theo phương thức nào cũng phải đảm bảo theo ý kiến mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo. Đó là phương thức thu mua tạm trữ lúa gạo theo hướng phân bổ chỉ tiêu cho UBND cấp tỉnh thực hiện và đảm bảo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Trước mắt, chúng ta nên triển khai song song hai cơ chế, vừa hỗ trợ trực tiếp cho những hộ nông dân có điều kiện tham gia dự trữ lúa gạo vừa để DN thu mua tạm trữ để giữ giá, nhằm đảm bảo cho nông dân có lợi nhuận như chỉ đạo.

Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, GĐ Sở Công thương An Giang thì việc cho hộ nông dân tự tạm trữ lúa là cần thiết nhưng cần có điều kiện để đảm bảo giữ được chất lượng. Bà Tuyết đề xuất nên quy định những hộ nào có diện tích từ 3 ha trở lên hoặc sản lượng từ 20 tấn trở lên mới tham gia tạm trữ. Còn việc nông dân gửi lúa tại kho của DN thì Nhà nước cũng cần quy định mức phí lưu kho để triển khai thống nhất, tránh mỗi nơi một giá.

PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang Lê Văn Đời yêu cầu cần phân bổ chỉ tiêu cho các tỉnh ngay từ đầu năm, để tránh bị động. Còn việc nông dân tạm trữ trong kho của DN là không khả thi vì nông dân phải tốn chi phí vận chuyển, chất lượng lúa phải đảm bảo, thủ tục lưu kho… Hơn nữa, hiện nay việc xây dựng kho tại địa phương cũng rất hạn chế, thực tế nhiều DN đăng ký xây kho tại Hậu Giang đã mấy năm qua nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Trái với nhiều ý kiến của nhiều đại biểu, ông Nguyễn Văn Tranh, PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho rằng, việc quy định sản lượng dự trữ cao thì vô tình chỉ hỗ trợ cho những người có nhiều ruộng, có điều kiện kinh tế, còn những hộ nông dân ít ruộng, điều kiện khó khăn lại không được hưởng.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng, nhiều năm qua chúng ta vẫn loay hoay tìm giải pháp tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân. Tuy nhiên, vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả. Quy chế tạm trữ gạo là rất tốt nhưng trong bối cảnh hiện nay rất khó triển khai. ĐBSCL hiện có trên 1,4 triệu hộ nông dân SX lúa, trong đó chỉ có khoảng 14% số hộ là có diện tích trên 1ha. Nếu lấy số lượng tạm trữ từ 5 tấn trở lên thì phần lớn nông dân ít ruộng sẽ không được hưởng lợi. Tuy nhiên, nếu triển khai cho nông dân tạm trữ đại trà cũng không đảm bảo chất lượng và không thể kiểm soát được. Theo ông Phong, tốt nhất là Chính phủ nên đứng ra thu mua tạm trữ.

Đã XK trên 4 triệu tấn gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 7 vừa rồi, xuất khẩu gạo cả nước đạt 765.068 tấn, trị giá FOB 302,474 triệu USD. Nhờ vậy, xuất khẩu gạo từ đầu năm đến hết tháng 7 đã đạt 4,176 triệu tấn, trị giá FOB 1,868 tỷ USD.

Trong những ngày qua, giá lúa gạo hàng hóa tiếp tục tăng lên. Giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.300–5.400 đ/kg, lúa dài khoảng 5.400–5.500 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.900–7.000 đ/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.800–6.900 đ/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.200–8.300 đ/kg, gạo 15% tấm 7.800–7.900 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.400–7.500 đ/kg.

Sơn Trang

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất