| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ Khuân Kén thoát khỏi "5 không"?

Thứ Ba 07/12/2010 , 10:22 (GMT+7)

156 hộ ở thôn Khuân Kén vẫn phải sống trong tình trạng không điện, không đường, không trường, không trạm y tế và không thông tin liên lạc.

Lối mòn qua suối, con đường duy nhất ra vào thôn
Cách trụ sở UBND xã chừng 10km, đến nay 156 hộ đồng bào người dân tộc Nùng ở thôn Khuân Kén, xã Tân Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) vẫn phải sống trong tình trạng không điện, không đường, không trường, không trạm y tế và không thông tin liên lạc.

Sau hơn 2 giờ vượt qua những ngọn đồi cao và những con suối chảy xiết, chúng tôi cũng tới được thôn Khuân Kén, nơi sinh sống của 976 nhân khẩu (156 hộ), được chia làm 2 khu là Khuân Kén và Suối Am, trong đó khu Suối Am là nơi xa nhất. Mới tới đầu thôn, chúng tôi đã phần nào cảm nhận được khó khăn của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Ông Lý Văn Pỉnh, Phó trưởng thôn đưa chúng tôi tới nhà anh Lý Văn Moóng (43 tuổi) ở khu Suối Am, một trong những hộ khó khăn của thôn. Anh Moóng ngậm ngùi: "Các anh thấy đấy, từ nhiều năm nay thôn Khuân Kén chưa biết đến ánh điện. Cả thôn chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô, cây sắn cho nên đời sống vất vả lắm. Lối mòn qua suối là con đường duy nhất ra, vào thôn và khi lũ về, nơi đây hoàn toàn biệt lập với bên ngoài".

Trưởng thôn Hoàng Văn Bằng cho biết: “Cả thôn có 976 nhân khẩu, vậy mà chỉ có khoảng chục em học hết lớp 12 và duy nhất một em học đến cao đẳng”. Ông Bằng nhấn mạnh: “Ở Suối Am, trước đây có xây ngôi trường tiểu học, cách đây một năm đã hoàn thiện phần thô nhưng chờ mãi không thấy xã cho lợp mái, thành thử các em vẫn phải học ở phòng học tạm bợ đã xuống cấp, rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa”.

Chiều tối, chúng tôi gặp em Lục Văn Giang, học sinh lớp 7, trên đường đi học về. Mồ hôi ướt đẫm áo nhưng em vẫn vui vẻ trò chuyện. Giang tâm sự: “Em học buổi chiều 6 giờ mới tan trường, một mình đi quãng đường dài gần 12km vắng vẻ, em sợ lắm. Nhưng em cố theo học để sau này đi học làm bác sĩ về chữa bệnh cho bà con trong thôn”.

Vài giờ sau vào trong thôn, chúng tôi đến nhà em Nông Thị Sinh, học sinh lớp 9. Sinh đang học bài trong ánh đèn dầu leo lét. Em tâm sự: “Nhiều lúc em đã nghĩ tới việc bỏ học, nhưng được sự động viên của bố mẹ nên lại cố đi học tiếp. Em mong muốn sau này trở thành cô giáo về dạy chữ cho các em học sinh trong thôn”.

Chị Hoàng Thị Lan, Phó chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn cho biết: “Các hộ trong thôn đều nằm rải rác ở các triền núi, Trạm Y tế thì xa thôn hơn 10km nên khi có người ốm đau, người dân trong thôn chỉ biết tự chữa bằng các bài thuốc dân gian. Vẫn biết chữa bệnh như thế hiệu quả không cao, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng, nhưng do giao thông khó khăn, Trạm Y tế lại ở xa, nên đành chịu vậy. Thời gian qua, trong thôn đã có không ít trường hợp trở dạ khi ra đến Trạm y tế thì chỉ cứu được mẹ…”.

Để giúp Khuân Kén sớm thoát khỏi đói nghèo và phát triển bền vững, rất mong các cấp chính quyền địa phương và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ mở đường giao thông, đưa điện lưới về thôn… Có như vậy, ước mơ của các em học sinh như  Nông Thị Sinh, Lục Văn Giang... mới sớm trở thành hiện thực.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất