| Hotline: 0983.970.780

Bảo hiểm nông nghiệp ở Thanh Hóa khó khả thi?

Thứ Hai 20/02/2012 , 10:26 (GMT+7)

Đa phần các ý kiến tại hội nghị triển khai thí điểm BHNN khẳng định nguyên nhân là do nhiều nội dung trong thông tư hướng dẫn không sát tình hình thực tế.

Nhiều quy định khó thực hiện khi triển khai BHNN?

Triển khai QĐ 315 ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011- 2013, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo do PCT UBND tỉnh làm Trưởng ban, bước đầu đã có những việc làm cụ thể.

Tại hội nghị triển khai thí điểm BHNN do Sở NN- PTNT chủ trì, đa số các ý kiến phát biểu đều bày tỏ tính khả thi sẽ không cao, bởi nhiều nội dung trong thông tư hướng dẫn không sát tình hình thực tế. Do đó, kết luận hội nghị, ông Lê Văn Hiển- PGĐ Sở NN- PTNT đã thống nhất với các đại biểu là có văn bản gửi TƯ về việc xem xét điều chỉnh các tiêu chí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương thực hiện thí điểm.

Trong QĐ của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa được chọn thí điểm BHNN đối với trâu, bò và gia cầm. Tuy nhiên, thông tư hướng dẫn lại chỉ cho áp dụng đối với trâu, bò và lợn. Nhiều ý kiến cho rằng, đàn gia cầm không được áp dụng là một thiệt thòi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh thường xuyên xuất hiện. Chỉ tính riêng một tháng nay, toàn tỉnh đã có 4 huyện "dính" dịch, buộc phải tiêu hủy gần 10 ngàn con gia cầm.

Một vấn đề khác được các đại biểu tập trung nhiều ý kiến nhất và cho đó là mấu chốt của những tranh cãi có thể xảy ra sau này. Thông tư chỉ rõ: “Chủ tịch UBND tỉnh ra QĐ công bố và xác nhận loại thiên tai, dịch bệnh” thì cơ quan bảo hiểm mới thực hiện việc tính BHNN cho người chăn nuôi. Về điều này, ông Nguyễn Đình Tuy- PCT UBND huyện Hoằng Hóa cho rằng: “Việc công bố dịch là cả một vấn đề vì còn phải xem tính chất, mức độ, quy mô rồi mới công bố. Chính vì thế, trong trường hợp một vài con bị bệnh rồi chết chả lẽ lại không được bảo hiểm thực hiện”.

Trả lời vấn đề này, đại diện Cty Bảo hiểm Bảo Minh- Thanh Hóa, đơn vị được chọn tham gia BHNN nói: “Chỉ được tính bảo hiểm khi có QĐ công bố dịch của Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu trâu, bò, lợn có chết hàng trăm con mà chưa có QĐ công bố dịch thì vẫn không được bảo hiểm chi trả”.

PGĐ Sở Lê Văn Hiển đưa ra việc bệnh chân tay miệng bùng phát mạnh đến như thế nhưng Bộ Y tế vẫn không công bố dịch. Ông Hiển nói: “Sẽ kiến nghị với Bộ nên chăng thay từ công bố dịch bằng việc có xác nhận là vật nuôi nhiễm dịch, bệnh làm cơ sở cho bảo hiểm thực hiện”. Các ý kiến khác đồng quan điểm với ông Hiển, ông Tuy.

Về một số điều kiện như chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng mà thông tư đưa ra, theo các ông Hà Văn Vinh- PCT UBND huyện Cẩm Thủy,  Hoàng Tiến Nhân- Chủ tịch xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) Lê Văn Quế- PCT xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) cho rằng không sát với thực tế chăn nuôi ở các địa phương hiện nay và khó có tính khả thi khi thực hiện.

Ông Vinh cho rằng: “Chúng tôi đã chọn 3 xã có điều kiện, truyền thống chăn nuôi tốt nhất để thực hiện, song xem ra rất khó khả thi. Bởi vì quy định bắt buộc các hộ chăn nuôi trâu, bò bằng hình thức nuôi nhốt hoặc chăn thả có kiểm soát (không áp dụng đối với trâu, bò thả rông) có từ 1 con trở lên.

Trong khi đó nếu khi áp dụng đại trà sẽ không phù hợp vì có một lượng trâu, bò miền núi đang nuôi thả rông. Hay như điều kiện về chuồng trại cũng được yêu cầu là đảm bảo cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, tránh mưa tạt, gió lùa. Cách xa sông, suối nơi thường xuyên ngập úng và có nguy cơ lũ ống, lũ quét…

Trong điều 8 Thông tư có ghi: “Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, UBND các cấp và người SX tham gia thí điểm BHNN phản ánh về Bộ NN- PTNT, Bộ Tài chính và các DN BHNN để nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp”.

Căn cứ vào nội dung này và trên tinh thần các ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị, lãnh đạo tỉnh sẽ sớm có văn bản gửi về các Bộ nhằm sớm có các điều chỉnh để sát với thực tế khi áp dụng địa bàn Thanh Hóa.

Chuồng trại phải cách biệt với nhà ở, bếp nấu ăn, các công trình khác phục vụ sinh hoạt trong chăn nuôi hộ gia đình; có địa điểm, khoảng cách an toàn sinh học đối với chăn nuôi tập trung, trang trại. Diện tích chuồng trại phải đảm bảo cho lợn ăn, ngủ và vận động rất tốt. Chuồng phải đảm bảo vệ sinh môi trường tránh gây ô nhiễm cho cộng đồng dân cư xung quanh khu vực chăn nuôi...

Về các điều này có những quy định không cụ thể, chẳng hạn như khoảng cách với nhà ở phải là bao nhiêu? Hơn nữa thực tế, vùng đồng bào dân tộc, việc yêu cầu chuồng trại phải đảm bảo như các điều khoản trên xem ra không ổn vì ngay cả nhà ở của họ cũng còn khó khăn”.

Đồng quan điểm với ông Vinh, ông Hoàng Tiến Nhân, Chủ tịch xã Cẩm Tú nói: “Ngay cả điều kiện ăn, uống, ở của người cũng gặp không ít khó khăn vậy mà quy định trong chăn nuôi để được hưởng BHNN nghe chừng khó mà áp dụng được. Chẳng hạn như quy định khẩu phần ăn, hàm lượng dinh dưỡng, nước uống… đó là những quy định rất cần thiết cho một nền chăn nuôi phát triển cao, chứ hướng đến người nông dân nghèo mang tính chất hỗ trợ, giúp đỡ như miền núi Thanh Hóa thì chưa sát với thực tế”.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.