| Hotline: 0983.970.780

Bảo hiểm nông nghiệp quá gian nan

Thứ Sáu 01/10/2010 , 09:40 (GMT+7)

Chủ trương triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đang được nông dân trên cả nước hết sức quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn những cái khó khiến DN chưa thực sự mặn mà.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT – TGĐ Cty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp

Chủ trương triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đang được nông dân trên cả nước hết sức quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn những cái khó khiến DN chưa thực sự mặn mà, dù biết đây là thị trường tiềm năng. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT – TGĐ Cty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) - một trong những DN tham gia vào lĩnh vực BHNN từ rất sớm đã chia sẻ với NNVN.

Sợ nhất là gà chết, lúa mất mùa mà vẫn chưa thu được phí

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, sở dĩ đã rất nhiều DN bảo hiểm “rút chạy” khỏi thị trường BHNN ở Việt Nam, vì quá nhiều rủi ro, ông nghĩ sao?

Mỗi năm, thiên tai và dịch bệnh lấy đi của Việt Nam 1,5% GDP. Như vậy, có thể thấy, việc triển khai BHNN cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những nhà bảo hiểm và những DN tái bảo hiểm. Khó khăn lớn nhất hiện vẫn là việc điều tra, thống kê thiệt hại khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, việc này mất rất nhiều công sức và thời gian. Bởi lẽ, hiện nền nông nghiệp của Việt Nam chưa tập trung, sản xuất quá mạnh mún và quá nhiều hộ cá thể. Do đó, nếu phải thống kê thiệt hại, thì cần rất nhiều nhân lực. Ngoài ra, tâm lý chung của nông dân là, nếu biết chắc thiệt hại xảy ra thì họ mới mua bảo hiểm, không thì thôi. Trong khi đó, hoạt động bảo hiểm là phải lấy chỗ không rủi ro để bù đắp chỗ rủi ro. Đấy là chưa nói đến một vấn đề rất dễ gặp phải nữa là lợi dụng thiên tai, trục lợi bảo hiểm…

Phải chăng đối tượng khách hàng là nông dân, cộng với độ rủi ro cao khi tham gia BHNN nên các DN không mặn mà với việc tham gia vào thị trường này, thưa ông?

Chúng tôi đã xác định, đây là thị trường chưa được khai thác nên tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, triển khai thế nào để vừa đạt hiệu quả kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ xã hội là chia sẻ rủi ro cho nông hộ, là điều không hề đơn giản. Một lo lắng nhãn tiền là việc triển khai thu phí bảo hiểm. Hiện nay, do đang thí điểm nên phạm vi bảo hiểm chưa lớn, các hộ, đa phần là hộ nghèo, thì lại được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm, nên có thể dễ triển khai hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại không dễ khắc phục. Tôi đưa ra một dẫn chứng cụ thể: Tiền hỗ trợ phí BHNN của nhà nước được “rót” qua kênh kho bạc. Nhưng để giải ngân được thì còn mất nhiều thời gian. Vả lại, hiện KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt đã tiến bộ rất nhiều. Một vụ lúa có khi kéo dài chỉ 3 tháng, một lứa gà, lợn khoảng hơn 3-4 tháng… Như vậy, có khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nhà bảo hiểm thậm chí còn chưa thu được phí bảo hiểm. Mà theo quy định của Luật Bảo hiểm, thì thời hạn nợ phí bảo hiểm không được vượt quá thời hạn bảo hiểm. Do đó, việc thanh toán phí bảo hiểm qua kênh ngân sách cần được nhanh chóng, giảm thiểu thủ tục…

Quá nhiều “kẽ hở” trong quy định BHNN

Thưa ông, việc một số DN bảo hiểm, điển hình là Grouppama, một DN bảo hiểm của Pháp, đã từng thất bại thảm hại trong lĩnh vực BHNN ở Việt Nam, có là rào cản cho ABIC thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm của mình?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại của các đơn vị triển khai BHNN như: không có thị trường truyền thống nên số lượng người tham gia ít, dẫn tới mức phí bảo hiểm cao; thiếu kênh phân phối phù hợp; phí bảo hiểm cao; và Nhà nước chưa có cơ chế bắt buộc nông dân tham gia BHNN...

Cả nước hiện có 13 triệu hộ, trong đó 10 triệu hộ là khách hàng của Ngân hàng NN-PTNT (Agribank). Agribank có hơn 2 nghìn chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước. Đây cũng chính là một trong những điều kiện thuận lợi cho ABIC triển khai các dịch vụ BHNN. Vì thế nên hơn 10 nghìn đại lý viên của ABIC đã được đào tạo và cấp chứng chỉ, có thể đảm đương được việc này.

Được biết, ABIC đã phải chuyển phần tái bảo hiểm cho TCT Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, nhưng chính DN này lại chưa tìm được đối tác để tái bảo hiểm cho chính mình. Ông có lo ngại điều này có thể ảnh hưởng đến kinh doanh của ABIC?

“Chúng tôi sẽ chuyển rủi ro nông nghiệp ra nước ngoài. Và hiện, ABIC đã chọn Swiss Reinsurance, Tập đoàn tái bảo hiểm của Thụy Sĩ, có tổng nguồn vốn cao gấp 30 lần Agribank, làm đối tác trong lĩnh vực này. Vừa qua, Swiss Reinsurance đã cử chuyên gia phối hợp với ABIC xây dựng các sản phẩm BHNN. ABIC sẽ triển khai bảo hiểm đến nông dân, rồi bán một phần những đơn bảo hiểm nguyên bản đó cho Swiss Reinsurance. Như vậy, chính Swiss Reinsurance sẽ ôm gói bảo hiểm cho nông nghiệp của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Minh.
Lo chứ! Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh rằng, hiện dự thảo về BHNN đang bắt đầu được triển khai thí điểm còn quá nhiều điều chưa được đề cập, trong đó có chuyện tái bảo hiểm. Theo quy định thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, tức là rủi ro, tổn thất, các nhà bảo hiểm sẽ bị giới hạn bởi nguồn vốn, tỷ lệ chịu đựng… Khi đó, cả nông dân, nhà bảo hiểm, nhà tái bảo hiểm cùng phải “chung lưng” để sẻ chia. Tuy nhiên, giả sử nếu có thiên tai, hoặc rủi ro lớn quá sức chịu đựng của TCT Tái bảo hiểm, thì ai sẽ là người đứng ra “gánh vác” cho nông dân? Điều này khiến không riêng chúng tôi, mà 3 DN tham gia thí điểm BHNN còn lại cũng đang rất băn khoăn.

Ngoài “kẽ hở” đó, còn gì khác khiến ABIC cũng như các DN còn lại cảm thấy chưa thật sự mặn mà với BHNN, thưa ông?

Tôi cho rằng cần bổ sung thêm nhiều điều khoản hơn nữa, ví như cần có chính sách bù đắp chi phí cho DN trong quá trình thực hiện BHNN, vì chi phí quản lý, thẩm định, xác định rủi ro… quá lớn, ngoài khả năng của DN. Hay như chính sách thuế đã ưu đãi cho DN được giao tham gia thực hiện thí điểm BHNN chưa… Ngoài ra, một điều quan trọng là, việc tham gia BHNN trong quá trình thí điểm này đang là sự tự nguyện của nông dân. Nhưng sau này, khi triển khai đại trà, thì quy định bảo hiểm vẫn là tự nguyện hay bắt buộc. Nếu là tự nguyện thì tôi nghĩ sẽ không đủ số lượng nông hộ tham gia, còn để bắt buộc thì Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích gì… Tóm lại là còn gian nan lắm.

ABIC là một trong những Cty tham gia BHNN từ rất sớm, vậy hướng triển khai sắp tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Trên thế giới có 2 dòng sản phẩm BHNN. Một là bảo hiểm truyền thống. Theo đó, đối tượng bảo hiểm là giá trị sản phẩm thu hoạch trong nông nghiệp như cây, con. Giá trị thiệt hại bao nhiêu, DN bảo hiểm sẽ phải trả cho họ bấy nhiêu.

Hai là bảo hiểm theo chỉ số. Ví như chỉ số thời tiết, sản lượng... Chúng tôi dự tính sẽ thực hiện BHNN theo chỉ số thứ hai này. Còn việc triển khai, đương nhiên là đang gấp gáp, và sắp tới sẽ còn nhiều việc phải làm.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất