| Hotline: 0983.970.780

Bão Irma đẩy Mỹ trở lại với thoả thuận khí hậu Paris?

Thứ Hai 18/09/2017 , 11:10 (GMT+7)

Thiệt hại do siêu bão Irma và trước đó là Harvey gây nên cho nước Mỹ lên tới cả trăm tỉ USD. Thực tế này liệu có thể thúc đẩy chính quyền Tổng thống Donald Trump thay đổi lập trường đối với thoả thuận chống biến đổi khí hậu Paris (2015), thay vì khăng khăng rút lui như trước?

Tín hiệu thay đổi?

Vợ chồng Tổng thống Donald Trump phát đồ cứu trợ cho người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi bão Harvey

Hôm cuối tuần trước, hội nghị về khí hậu với sự tham gia của hơn 30 quốc gia đã được tổ chức ở Montreal, Canada. AFP cho biết hội nghị diễn ra theo sự kêu gọi của nước chủ nhà Canada, Trung Quốc và Hội đồng châu Âu. Trong số này có hơn một nửa thành viên tổ chức G-20 cũng như các quốc gia thuộc những khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, như quần đảo Marshall hay Maldives, vùng đói nghèo ở châu Phi như Mali, Ethiopia… Đây là hội nghị tiền đề, trước khi Liên Hợp Quốc tổ chức hội nghị về khí hậu tại thành phố Bonn (Đức) trong tháng 11 tới.

Hồi tháng 6, Mỹ đã chính thức tuyên bố rút khỏi thoả thuận chống biến đổi khí hậu Paris, được ký năm 2015 với sự tham gia của hơn 200 quốc gia. Tuy nhiên Reuters cho biết tại hội nghị Montreal, Washington vẫn cử Phó giám đốc Uỷ ban Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng, Everett Eissenstat tham dự. Đây được cho là một tín hiệu, cho thấy Mỹ vẫn quan tâm tới diễn biến của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này. Thêm vào đấy, trước hội nghị ở Montreal, Cao uỷ châu Âu về khí hậu và năng lượng, Miguel Arias Canete cho biết, Mỹ sẽ không đàm tái đàm phán thoả thuận Paris. Tuy nhiên, Washington có thể xem xét một số điều khoản có thể tham gia. Theo ông Canete, thông tin này được một đại diện đặc biệt của Mỹ hé lộ với ông.

Mặc dù sau đó, Nhà Trắng đã bác bỏ khả năng đàm phán lại thoả thuận Paris, nhưng theo Reuters, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders trong email gửi báo chí đã để ngỏ việc tái tham gia, với điều kiện các điều khoản của thoả thuận có lợi cho Mỹ. Theo giới phân tích, đây là một sự thay đổi nếu so với thái độ cương quyết của ông Donald Trump và giới chức Mỹ trước đây.
 

Không thể tách kinh tế khỏi môi trường

Thoả thuận chống biến đổi khí hậu được ký tại thủ đô Paris (Pháp) năm 2015 bởi hơn 200 quốc gia. Mục tiêu đặt ra là thế giới sẽ kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình trái đất ở ngưỡng 1,5 độ C vào năm 2050 so với thời tiền công nghiệp. Mỹ là một thành viên của thoả thuận Paris, cho tới khi chính quyền ông Trump lật ngược quyết định của người tiền nhiệm Barack Obama.

Theo Reuters, quá trình rút lui khỏi thoả thuận Paris của Mỹ chỉ hoàn tất tại thời điểm tháng 11/2020. Tại hội nghị Montreal, bộ trưởng các nước Canada, Hội đồng châu Âu và nhiều quốc gia khác vẫn mong muốn Washington tiếp tục tham gia.

“Vị trí của Mỹ trong thoả thuận Paris theo đánh giá của chúng tôi, là không hề thay đổi. Chúng tôi vì vậy rất hy vọng họ sẽ tiếp tục tham gia”-Bộ trưởng Môi trường Canada, Catherine McKenna cho biết.

Theo bà McKenna, các nước tham dự hội nghị Montreal đều cam kết sẽ thực thi đầy đủ các điều khoản của thoả thuận Paris. “Tất cả đều thống nhất rằng môi trường và kinh tế song hành với nhau. Chúng ta không thể chỉ lo phát triển kinh tế mà không quan tâm tới bảo vệ môi trường”-bà McKenna nói.

Theo AFP, đại diện Trung Quốc tham dự hội nghị khẳng định, đang hướng tới cấm các loại ô tổ sử dụng gas và dầu diesel, theo sau quyết định liên quan của Anh và Pháp vào năm 2040. Hội đồng châu Âu cũng cam kết sẽ thúc đẩy các nước thành viên áp đặt các biện pháp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong lĩnh vực giao thông. Đại diện Trung Quốc Xie Zhenhua cho biết, thoả thuận Paris “không thể đàm phán lại”, và các nước cần đồng lòng để có thể đạt được mục tiêu chung.

Reuters cho biết, hội nghị Montreal diễn ra gần ngay sau khi Mỹ hứng chịu hơn trận siêu bão, Harvey và Irma, lần lượt tấn công các bang Texas, Florida với thiệt hại lên tới hàng trăm tỉ USD. Ông Trump có lẽ sẽ phải thay đổi lập trường về vấn đề khí hậu khi tự tay cung cấp đồ cứu trợ cho người dân vùng bão lũ ở Mỹ?

(Theo Reuters, AFP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.