| Hotline: 0983.970.780

Bão mạnh cấp 11, 12 chuẩn bị đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh

Thứ Năm 17/07/2014 , 10:33 (GMT+7)

Nhiều khả năng ngày 19/7, bão số 2 (Rammasun) sẽ đổ bộ vào Hải Phòng – Quảng Ninh với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11, là cơn bão rất mạnh./ Hải Phòng: Dừng phương tiện thủy, sơ tán dân trước 18h

+ Đưa hết tàu thuyền vào bờ trong hôm nay (17/7)
+ Yêu cầu ngừng gieo cấy

Nhiều khả năng ngày 19/7, bão số 2 (Rammasun) sẽ đổ bộ vào Hải Phòng – Quảng Ninh với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11. Vì vậy ngày hôm nay (17/7), mọi tàu thuyền trên Vịnh Bắc Bộ phải cơ bản vào bờ.

Tại cuộc họp BCĐ PCLB Trung ương chiều qua (16/7), Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết, bão Rammasun đã vượt qua Philippines, đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 2.

Vào lúc 17h chiều qua, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ vĩ bắc, 118,3 độ kinh đông, với cường độ mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16 và còn có khả năng mạnh thêm do đường đi của bão đang di chuyển qua các vùng nước ấm nhất trên Biển Đông.

Như vậy so với dự tính trước đó, bão đã đi vào Biển Đông sớm hơn và có cường độ mạnh hơn.

Theo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tới chiều qua, vẫn còn 45 tàu đang hoạt động ở khu vực Quần đảo Hoàng Sa (Quảng Bình 7 tàu, Đà Nẵng 4 tàu, Quảng Ngãi 9 tàu, Khánh Hòa 2 tàu và Bình Định 23 tàu). Trong số này, có khoảng 20 tàu của Bình Định tham gia bảo vệ chủ quyền tại Quần đảo Hoàng Sa. Đến chiều qua, toàn bộ 45 tàu này đã nhận được thông tin và bắt đầu di chuyển tránh bão, dự kiến sẽ vào bờ trong chiều hoặc tối 17/7.

Nguyên nhân là sau khi đổ bộ vào Philippines, bão không di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc như dự kiến mà có xu hướng di chuyển thiên về hướng tây, đồng thời tăng thêm cường độ.

Dự báo của các trung tâm dự báo lớn trên thế giới cũng như của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho thấy, bão sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, hướng về đảo Hải Nam (Trung Quốc), sau đó tiếp tục di chuyển hướng vào Vịnh Bắc Bộ.

Dự kiến khoảng sáng ngày mai 18/7, bão sẽ đổ bộ vào đảo Hải Nam, với sức gió mạnh cấp 12, cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16, sau đó có thể bão sẽ giảm xuống 1 đến 2 cấp trước khi đi vào Vịnh Bắc Bộ.

Khi đi vào Vịnh Bắc Bộ vào ngày 18/7, bão số 2 sẽ vẫn mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Như vậy sớm nhất vào khoảng sáng ngày 19/7, dự báo bão sẽ trực tiếp đổ bộ vào ven biển các tỉnh Đông Bắc bộ, trong đó trọng tâm là từ Quảng Ninh đến Hải Phòng với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, sau đó di chuyển nhanh vào đất liền thuộc các tỉnh trung du Bắc bộ và suy yếu nhanh thành ATNĐ.

Hầu hết các dự báo đều cho thấy có tới 70% xác suất bão sẽ đi vào khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh.

Trung tâm dự báo KTTV Trung ương cũng cảnh báo không loại trừ khả năng bão sẽ tiếp tục giữ cường độ sau khi đi qua đảo Hải Nam, và đổ bộ vào nước ta với sức gió mạnh tới cấp 11, giật cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, mưa lớn với lượng 200 – 300 mm sẽ diễn ra từ các ngày 18 – 20/7, tâm mưa lớn vào khoảng chiều ngày 19 và 20/7, tập trung ở vùng đồng bằng trung du Bắc bộ và một phần ven biển Bắc Trung bộ, sau đó lan sang vùng núi phía Bắc.

Từ ngày hôm nay (17/7), vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa sẽ có gió bão mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão ở phía Bắc quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17, biển động dữ dội.

Tại cuộc họp chiều qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát - Trưởng BCĐ PCLB Trung ương đánh giá: Với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 11, 12 khi đổ bộ vào ven biển, bão số 2 là cơn bão rất mạnh. Dự báo, từ trưa ngày 19/7, bão có thể đã vào bờ, vì vậy mọi công tác phòng chống bão phải được hoàn thành kể cả trên biển và trên đất liền trước ngày 18/7.

Trưởng BCĐ PCLB Trung ương đề nghị các bộ, ngành và địa phương phải cơ bản hoàn tất việc đưa tàu thuyền vào bờ trong ngày hôm nay (17/7). Tất cả tàu thuyền trên Vịnh Bắc Bộ sẽ phải vào bờ neo đậu an toàn, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch, công trình nổi, lồng bè... cũng yêu cầu phải sơ tán và neo đậu an toàn trước ngày 18/7.

Trên đất liền, Trưởng BCĐ PCLB Trung ương yêu cầu các địa phương, bộ, ngành liên quan cần hết sức cảnh giác triển khai phòng chống đối với các cầu cảng, bãi than, hầm lò...

Đối với nông nghiệp, hiện vùng đồng bằng trung du Bắc bộ còn hơn 100 nghìn ha lúa mùa chưa cấy, đề nghị dừng hoàn toàn hoạt động gieo cấy, tháo cạn nước chân ruộng ở các vùng dự báo có mưa lớn.

Ở các tỉnh trung du MNPB, nhiều ngày nay đã có mưa lớn, đất đã sũng, nhiều sông nước đã dâng cao, vì vậy cần hết sức đề phòng lũ quét, sạt lở đất...

Xem thêm
Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.

Bình luận mới nhất