| Hotline: 0983.970.780

Báo NNVN phối hợp với DN cứu trợ bà con vùng lũ

Thứ Bảy 09/10/2010 , 09:29 (GMT+7)

Ngày 8/10, Báo NNVN phối hợp cùng TCT Lương thực Miền Bắc và Cty CP lương thực Bình trị Thiên (đơn vị trực thuộc TCT Lương thực Miền Bắc) đã vượt qua chặng đường dài 150 cây số trong lũ để đưa 10 tấn gạo đến cho bà con vùng lũ Minh Hóa.

Quảng Bình: Những bát gạo đầu tiên đã đến với bà con vùng lũ Minh Hóa

Với những thông tin thiệt hại về lũ lụt mà Báo NNVN đã cập nhật. nhiều doanh nghiệp đã phối hợp cùng Báo NNVN tổ chức cứu trợ cho bà con vùng lũ. Ngày 810, Báo NNVN phối hợp cùng TCT Lương thực Miền Bắc và Cty CP lương thực Bình trị Thiên (đơn vị trực thuộc TCT Lương thực Miền Bắc) đã vượt qua chặng đường dài 150 cây số trong lũ để đưa 10 tấn gạo đến cho bà con vùng lũ Minh Hóa.

Sáng 8/10, chúng tôi lên đường trong tâm trạng càng đến càng sớm càng tốt. Chiếc xe tải chở 10 tấn gạo rồ máy bươn bả qua những con dốc quanh co, những chặng đường bị xói lỡ trên tuyến đường vào Minh Hóa. Hai bên đường, dù lũ rút vẫn còn nguyên dấu ấn với những ngôi nhà bị nhuốm màu bùn, những hàng cây xiêu vẹo, hàng cột điện phủ bởi rác rến.... 

Lãnh đạo Cty CP lương thực Bình Trị Thiên trao những bao gạo đầu tiên cho bà con vùng lũ

Khoảng 12 giờ trưa, chúng tôi đến được xã Minh Hóa. Xe vừa dừng, ông Trương Văn Minh đã chạy đến bươn bả: “May quá, các anh lên tận rồi. Nói thật đây là thông tin chúng tôi mong đợi nhất bởi từ sau lũ đến giờ đây là chuyến xe cứu trợ đầu tiên mang gạo đến cho bà con vùng lũ. Bà con thiếu gạo lâu rồi, nay mới có được...”.

Xe dừng, lập tức hàng chục thanh thiếu niên hỗ trợ bốc gọa xuống xe tập kết vào một ngôi nhà sát đường và vừa khô nước lũ. Thanh niên Trương Minh nói trong hơi thở: “Dù vác gạo mệt nhưng chúng em vẫn xung phong vì đây là hạt gạo nghĩa tình của báo ủng hộ cho bà con vùng lũ...”.

Trước lúc lên đường, ông Trương Văn Tuynh- Giám đốc Cty CP lương thực Bình Trị Thiên đã có sáng kiến đóng gạo thành bao 25 cân để trao cho bà con ngay. Ông chia sẽ: “Nghe tin bà con bị lũ nặng, tôi rất cảm thông và nhận được thông tin từ TCT Lương thực Miền Bắc và báo NNVN là lập tức tổ chức lên đường để mang gạo đến cho bà con sớm nhất..”.

Ngôi nhà của anh Thái Văn Luyên (thôn Tân Sơn (xã Minh Hóa) lũ vừa rút, anh cùng vợ con thu dọn nhà cửa, nghe tin có gạo cứu trợ anh hồ hởi: ‘Nói thiệt với mấy anh mấy hôm nay cái chi cũng ướt hết, gạo, thóc, ngô lạc chi cũng ngấm nước. Có mì tôm cứu trợ đỡ đói nhưng thèm cơm mà không có gạo. Nay có được gạo cứu trợ là mừng lắm rồi. Thiệt là cảm ơn báo và TCT Lương thực Miền Bắc...”.

Cuối xóm là nhà bà Thái Thị Tuấn. Nhà bà Tuấn thấp nhỏ, xung quanh trát phên đất đã bị lũ làm lỡ lói. Khu chái bếp sập xệu vẫn chưa sửa sang được. Nhà có 5 miệng ăn nhưng chỉ còn khoảng 1 yến gạo bị lũ ngâm cho mấy ngày. Có nắng hửng lên, bà mang ra sân phơi mong có thể dùng được. Nhận gạo cứu trợ, nước mắt bà cứ vòng quanh và lấy luôn mấy bơ đổ vào nồi bắc lên bếp. Một chút, cơm sôi bà quấy nồi cơm đều tay và thắc thỏm: “May thiệt, mấy hôm nay không có hạt cơm nào. Nồi cơm chín là tôi gọi mấy đứa con về ăn ngay chứ chúng nó cũng đói và thèm cơm rồi, tội lắm. Thiệt là một miếng khi đói, ăn để mà nhớ ơn đó mấy chú à...”.

Khoảng hai giờ đồng hồ, số gạo đã được chuyển đến địa chỉ cần thiết. Ông Trương Văn Minh nói với chúng tôi: “Ngoài số gạo cấp phát ngay cho bà con, số còn lại trong ngày hôm nay chúng tôi sẽ chuyển đến cho bà con thôn Kim Bảng và một số vùng của thôn Tân Lý, Lạc Thiện còn ngập trong lũ. Vừa qua, Minh Hóa có 786 hộ dân với gần 3.900 nhân khẩu đều bị lũ nhấn chìm và đang trong cảnh thiếu đói trầm trọng. Số gạo này sẽ giúp bà con cứu đói trong những ngày tới...”. Ông Trần Hữu Diện- Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cầm tay chúng tôi: “Thật cảm động khi chuyến xe chở gạo đầu tiện của Báo và TCT Lương thực Miền Bắc lên với bà con vùng núi bị lũ lụt. Tấm lòng của các anh, nhân dân Minh Hóa ghi nhận và cảm ơn nhiều lắm...”.

Chúng tôi tạm biệt Minh Hóa, phía vùng thấp, bà con vẫn còn chìm trong lũ và đang cần lắm những tấm lòng.

15 tấn gạo được trao cho đồng bào vùng lũ ở Hà Tĩnh

Sáng 8/10, Báo NNVN phối hợp với Cty CP lương thực Hà Tĩnh đã trực tiếp đến các vùng lũ của 2 huyện Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) trao 15 tấn gạo do Tổng Cty lương thực miền Bắc (10 tấn) và Cty Cp lương thực Hà Tĩnh (5 tấn) hỗ trợ cho bà con.  

Ông Đoàn Văn Thạnh, đại điện Tổng Cty lương thực miền Bắc trao quà cho gia đình anh Hương, xóm 4 xã Hà Linh (Hương Khê)

Đây chính là nghĩa cử "lá lành đùm lá rách" trong lúc hoạn nạn mà các tổ chức, đơn vị, cá nhân dành cho bà con nhân dân vùng lũ ở Hà Tĩnh. Được biết, tính đến trưa 8/10, Hà Tĩnh đã đón nhận trên 7,2 tỷ đồng, trên 30 tấn gạo, 13 tấn mì tôm, 5 tấn lương khô, 15 nghìn bộ quần áo cùng các vật dụng gia đình khác từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước. Toàn bộ lương thực, thực phẩm hỗ trợ đã được phân phát, hỗ trợ kịp thời cho bà con các xã vùng lũ. Sau khi lũ rút các xã đang tập trung huy động các tổ chức đoàn, hội, những hộ dân không bị ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng ít đến giúp đỡ những hộ dân bị thiệt hại nặng sửa sang lại nhà cửa, xử lý nguồn nước sinh hoạt...

Cuộc sống của bà con vùng ngập lũ ở Hà Tĩnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sự đồng cảm, sẻ chia, hỗ trợ của các nhà hảo tâm lúc này là rất cần thiết để giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

Một số hình ảnh do PV NNVN ghi lại: 

Khẩn trương đưa gạo về vùng lũ

Những thanh niên xung phong bốc dỡ gạo để đưa đi cứu trợ

Niềm vui của các chú bé được nhận gạo cứu trợ

Dù nặng nhưng anh thanh niên tình nguyện vẫn vui cười

Bà mẹ Tuấn vội nấu nồi cơm đầu tiên sau lũ cho các con

10 tấn gạo do Tổng Cty lương thực miền Bắc hỗ trợ đồng bào lũ lụt huyện Hương Khê

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.