| Hotline: 0983.970.780

"Bão" suy thoái không trừ đất Phật

Thứ Năm 22/03/2012 , 10:46 (GMT+7)

Cuối tháng hai âm lịch, du khách đến chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn rất đông, nhất là vào những ngày cuối tuần. Nhưng xem ra, kinh tế khó khăn đã khiến lễ hội chùa Hương năm nay bớt phần náo nhiệt.

Cuối tháng hai âm lịch, du khách đến chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn rất đông, nhất là vào những ngày cuối tuần. Các bãi giữ xe vẫn chật cứng xế hộp. Trên suối Yến, đò vẫn rất dầy và cáp treo chưa lúc nào vắng khách. Theo Ban tổ chức, thì chỉ từ ngoài rằm tháng ba âm lịch trở đi, lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất nước này mới vãn.

Cũng như mọi mùa hội khác, cả tháng trước Tết Nhâm Thìn này người ta đã tíu tít dựng quán, căng lều. Và hàng núi hàng hóa đã được tập trung về đất Phật để sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu của hàng triệu con người cõi tục từ tứ xứ đổ về. Hàng hóa rất phong phú, nhưng đại thể có thể chia làm 3 loại là hàng ăn: Hàng giải khát, bánh trái; Hàng bán đồ lưu niệm, đồ mỹ nghệ, đồ chơi trẻ em; Tạp hóa. Sáng ngày mùng 1 Tết là mọi thứ đã chỉnh tề, còn chủ hàng thì cũng đã sẵn sàng chờ một mùa thu hoạch lớn.

Thế nhưng những ngày này, ngược hẳn với dòng người nhộn nhịp trẩy hội là cảnh đìu hiu, vắng vẻ đến thê thảm của những hàng quán, dù các “chiêu” quảng cáo, khuyến mãi đã được tung ra hết cỡ. Dọc con đường gần sáu cây số dốc từ bến Thiên Trù lên động Hương Tích, dòng người cứ ngược xuôi, bỏ lại phía sau một rừng những quán ăn không một bóng khách, những quầy tạp hóa chỏng chơ, những quầy đồ lưu niệm, đồ “mỹ ký” lóa mắt… và những lời mời, lời chào oai oái. Lác đác đã có quầy hàng đóng cửa, che bạt kín bên ngoài. 

Một quầy tạp hóa ở chùa Hương đóng cửa ngay từ tháng 2 vì ế ẩm

- Mở hàng cho em đi bác ơi. Mở hàng cho em lấy may. Sáng đến giờ em chưa mở hàng.

Đang nhoay nhoáy nhắn tin trên điện thoại di động, thấy tôi dừng lại bên quầy, chị chủ cửa hàng "bánh đặc sản củ mài mật ong" gần chùa Thiên Trù vội bỏ dở cuộc, đứng lên, giọng mời vừa tha thiết vừa não nề. Nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ, tôi ái ngại:

 - Đến giờ mà cô vẫn chưa mở hàng ư?

- Khổ quá bác ạ. Gần hết tháng hai rồi mà vẫn chưa đủ tiền thuê mặt bằng. Năm nay cầm chắc đến chín phần mười là lỗ.

- Việc kinh doanh, buôn bán ở hội năm nay xem chừng kém so với năm ngoái, phải không cô?

- Gọi là ế ẩm mới đúng chứ kém đã là phúc. Năm ngoái mười phần, năm nay may chỉ được ba bốn thôi bác ạ. Mà tiền thuê mặt bằng thì vẫn thế.

- Giá mặt bằng được tính như thế nào?

- Một là tính theo vị trí kinh doanh, thuận lợi hay không thuận lợi, hai là tính theo diện tích. Nhưng tất cả phải đấu giá. Ban tổ chức đưa ra một cái giá sàn, rồi mọi người đấu, ai bỏ giá cao thì người ấy được. Cao nhất là cánh hàng ăn, có hàng ăn gần cửa động giá thuê một mùa hội đến hơn hai trăm triệu đồng.

Còn cách động Hương Tích chừng non trăm mét, tôi và người bạn vào hàng giải khát gọi ấm trà. Một dúm trà loại tầm tầm cho vào cái chuyên cũng thuộc loại tầm tầm với vài lần chế nước sôi, có giá ba chục ngàn đồng. Bạn tôi kêu đắt, anh chủ quán vội phân bua:

- Bác tính, cái gì cũng phải “cõng” từ bến Thiên Trù, leo sáu cây số dốc lên đây. Tất cả là thuê hết. Hai chục quả dừa thuê gánh từ bến lên đây, năm ngoái hai trăm tư, năm nay phải ba trăm, vị chi mỗi quả dừa đã đội lên 15 ngàn. Một khối nước tám trăm ngàn. Rồi còn tiền thuê mặt bằng, tiền thuê dựng quán… chứ chúng em có muốn bán đắt đâu. Sáng đến giờ, mới có các bác là lượt khách thứ ba đấy, mà cũng chỉ uống có ấm trà thôi chứ chả ai mua gì. Khổ, năm nay hàng họ ế ẩm quá, hàng quán nào cũng như chùa Bà Đanh.

- Sao không thuê cáp treo cho đỡ tiền vận chuyển?

- Thuê được thì đã phúc. Cáp treo họ chỉ chở người chứ nhất định không nhận chở hàng.

- Giá mặt bằng ở đây thế nào?

- Cùng mặt bằng như nhau, ở đối diện nhau qua đường nhưng mà giá khác nhau. Như quán của em đây lưng quay xuống vực, giá hai chục triệu. Quán bên kia (lưng quay vào vách núi), giá gấp ba.

Gần 12 giờ, xuống đến cạnh chùa Thiên Trù, chúng tôi vào một quán ăn. Quán rộng mênh mông với hàng trăm ghế nhưng chỉ có hai chúng tôi. Chả bù cho những mùa hội trước, giờ này, quán nào quán nấy đã chật kín người, đầu bếp xoay trần giữa giá rét còn nhân viên chạy bàn thì chân không bén đất. Đã vào hàng ăn ở đất Phật là túi phải khá tiền. Báo chí đã rất nhiều lần phanh phui những “trò bẩn” của một số quán ăn này. Nào thịt bê giả thịt hươu thịt nai, nào chó bị rút hết xương đầu, kéo dài mõm ra thành cầy vòi, nào đĩa thịt lợn rừng xào lăn nóng hổi kia được làm từ thịt lợn xề chính hiệu, nào thỏ cắt tai biến thành don rừng, canh rau ngót giả làm canh rau sắng, mơ xứ Lạng ngâm rượu trở thành rượu đặc sản ngâm mơ Hương Tích…

Nhưng có hề gì. Đám khách đi “xế hộp”, ví căng phồng nhưng “thực bất tri kỳ vị” kia vẫn chiếm số đông nhất trong lượng khách nơi đây, và vẫn là những kẻ cống nộp cho nhà hàng những món lãi lớn. Năm nay khác hẳn. Sau một tiếng thở dài khi được hỏi, chủ quán cho biết, năm nay, ngay tháng giêng là tháng đông vui nhất hội mà lượng khách vào quán cũng chỉ bằng non nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng hai trở đi, khách vào quán mỗi ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay:

- Tại suy thoái đấy. Tiền nong khó kiếm nên người ta cũng chặt chẽ hơn trong chi tiêu. Chỉ có cánh quan chức là vẫn “vô tư”, vì họ đi có người đưa, kẻ đón, có người chiêu đãi. 

Rất đông du khách nhưng những quầy hàng vẫn vắng hoe

"Cái đận suy thoái này nó khiến cho không biết bao nhiêu là người giầu bỗng hóa người nghèo. Hội, là nơi người ta đến để du hí, để tiêu tiền. Tiêu tiền để khoe giàu khoe sang, khoe sự thành đạt, để thể hiện đẳng cấp và để tỏ lòng thành kính với Thần, với Phật. Nơi khác đã thế, đất Phật Hương Sơn này lại càng thế. Nhưng chỉ cần qua lượng khách vào những quán nhậu, quán đặc sản ở đây, là có thể đo ngay được sự khó khăn trong việc làm ăn của thiên hạ đến mức nào", lời chủ quán.

Rồi ông kể, đã hơn mười năm ông kinh doanh hàng ăn ở đất Phật này. Có một vị khách rất giàu, nghe đâu là kinh doanh bất động sản, đã trở thành khách quen của ông. Rằm tháng Giêng năm nào vị khách ấy cũng đưa vợ con cùng rất nhiều bạn bè đến hội, cập bến Thiên Trù là vào quán của ông điểm tâm trước khi lên động, rồi khi ở động xuống lại vào quán của ông gọi toàn đặc sản với rượu Tây, ăn uống thả dàn. Có năm một bữa ăn của họ tới hai chục triệu. Năm nay, tình cờ gặp lại vị khách ấy, chỉ hai vợ chồng chứ chẳng có bạn bè nào, nét mặt vị khách kém tươi nhưng mà đồ lễ có vẻ hậu hơn. Ông mời vào quán, vị khách cười: “Vợ tôi đã chuẩn bị sẵn thức ăn mang theo rồi”.

Thanh toán xong hai bát phở lõng bõng nước, chỉ một dúm bánh và vài lát thịt gió thổi bay với giá tám mươi ngàn đồng, chúng tôi bước ra khỏi quán. Xung quanh “bếp trời” (Thiên Trù), la liệt những người trẩy hội đang giở những thứ chuẩn bị từ “bếp nhà” như cơm nắm, bánh chưng… để dùng cho bữa trưa, trước khi xuống đò rời khỏi “bầu Trời, cảnh Bụt”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.