| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn phố cổ Hà Nội, nền 'văn hóa kẻ chợ Thăng Long' có được lưu giữ?

Chủ Nhật 26/03/2017 , 13:15 (GMT+7)

Sau khi Sài Gòn rầm rộ ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, Hà Nội cũng khởi động chiến dịch lập lại trật tự trên những con phố. Chưa bao giờ vấn đề cảnh quan và môi trường đô thị được đặt ra gay gắt như bây giờ. Hà Nội xem chừng còn khó khăn hơn Sài Gòn, vì thủ đô có phố cổ đã hình thành trầm mặc theo thời gian! 

Muốn bảo tồn phố cổ, mà thật khó trả lời: hồn phố ở đâu?

08-32-02_trng-21
 

Người ta vẫn cứ bàn miên man về cái gọi là “Bảo tồn phố cổ” Hà Nội bấy lâu nay, với nhiều dự án và những chuyên gia nổi tiếng, nhưng tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy. Hết hội thảo này đến hội thảo khác, các nhà chuyên môn mải mê trao đổi, dựng sơ đồ, lập kế hoạch, và tràn đầy hy vọng, nhưng lại quên bẵng đi tâm tư và tiếng nói của dân!? Với người dân trong khu phố cổ, theo cách nghĩ của các nhà chuyên môn và quản lý, chỉ có mỗi việc ngồi nghe chỉ thị và di dời. Đụng đâu!? Định bảo tồn địa chỉ nào!? Thì giải tỏa, đền bù và...đi. Thế thôi.

Chính vì cái thế thôi ấy, mọi chuyện mới rối như canh hẹ, trong cơ chế thị trường mênh mông này. Dân không thông, chẳng muốn đi cũng không được nếu nhà nước đụng tới, nhưng chế độ chính sách ra sao, đền bù thế nào, đánh giá ra sao giữa nơi đi, nơi đến...? Tất cả vẫn còn là dấu hỏi to tướng. Hãy đợi đấy. Còn lâu.

Và đúng là còn lâu thật, tính từ năm 1994, nghĩa là 15 năm, sau chỉ thị của Bộ Chính trị về một số vấn đề quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội, trong đó có việc bảo tồn phố cổ; và cho dù đã có Ban quản lý phố cổ Hà Nội ra đời, mọi chuyện về bảo tồn vẫn còn ở phía trước.

Vậy là 15 năm, các nhà chuyên môn chăm chỉ hội thảo; các nhà quản lý thì dỏng tai nghe chứ chẳng quyết đến đầu đến đũa; còn dân ở phố cổ thì chầu rìa mà...run. Vậy là dân tự bàn và đầy lo lắng. Có người dân thắc mắc, không biết các nhà quản lý định bảo tồn phố cổ như thế nào, theo cách nào, và sau đó sẽ phát huy ra sao và để làm gì?

Và thật buồn cười, một việc nằm ngoài những hội thảo và dự án bảo tồn phố cổ, mà nhiều người không lường ra; đó là chuyện nhà vệ sinh chung trong các ngôi nhà cổ. Công việc phát sinh này làm cho đảo lộn mọi tiêu chí trong các dự án bề nổi. Thì ra cho đến thập kỷ đầu của thế kỷ 21, đến hơn 50% các ngôi nhà cổ ở khu phố này chưa có hố xí tự hoại. Nhiều ngôi nhà có tới cả trăm người vẫn sáng sáng thầm hát “bài ca hy vọng” nhanh chóng đến lượt mình được “ị” tại cái hố xí hai ngăn nặng mùi.

Chuyện ăn cơm trộn mọt ở những ngôi nhà cổ bị hỏng nặng đã trở nên xưa rồi, nay người ta chợt nhớ mình đã phải chan canh thoang thoảng hương... khẳm nữa. Thế mới chán. Bởi lẽ, những chủ nhân ở chính những ngôi nhà này không có quyền thay đổi hiện trạng nguyên bản của kiến trúc cổ.

Mặc dù có nhiều nơi, nhiều người đã dám chống lệnh cấm xây dựng theo ý mình, nhưng chuyện hố xí lại xem chừng chậm chạp hơn cả. Quanh khu phố cổ, nhiều nhà có từ 5 đến 6 hộ đều dùng chung một hố xí hai ngăn là phổ biến. Thậm chí không ít hộ ở phố Hàng Bạc còn đi nhà vệ sinh không có mái che. Chuyện một trong “tứ khoái” của dân phố cổ đã bị quên lãng. Ngẫm thấy lạ cho cái bản xứ cổ xưa của Hà thành kinh kỳ này.

08-32-02_trng-18
 

Xem ra mọi chuyện còn lình xình lắm trong khi hàng trăm ngôi nhà cổ bị xuống cấp nghiêm trọng. Riêng ngôi nhà cổ nhất Hà Nội, số 47 Hàng Bạc, đã qua gần 130 năm gió sương, mưa nắng, coi như sắp sập mà vẫn “hãy đợi đấy”. Tiếng là ngôi nhà rộng 206m2, nhưng 2/3 diện tích đã trở nên hoang phế, nên 25 người sống trong ngôi nhà này không được phép sửa chữa, cơi nới, tận dụng diện tích dù chỉ để cho dễ thở mà thôi.

Hầu hết hệ thống cột kèo của ngôi nhà chính đã bị mọt ăn rỗng. Cách đây dễ đến hơn 10 năm, nhiều đoàn khảo sát đã lập dự án khôi phục, nhưng cho đến nay, ngôi nhà 47 Hàng Bạc vẫn ở trong tình trạng “hoang phế ” y nguyên hiện trạng chung ở khu phố cổ: “Ăn cơm trộn mọt trong mưa. Ị chung một hố, tắm chờ khỏa thân”

Đó là hình ảnh mà ai cũng thấy rõ nếu có dịp dừng chân tại những số nhà cổ điển hình đã xuống cấp như: 99 Hàng Bạc, 16 Hang Bè, 15-17 Cầu Gỗ, 29 Hàng Thiếc, 46 Cầu Gỗ, 53 Hàng Buồm, 50 Hàng Bạc...Mà hãi nhất là ở ngôi nhà 53 Hàng Buồm có tới 50 hộ, khoảng 200 người chung sống.

Và, hiện tượng phần mái cao nhất trên tầng hai căn nhà cổ ở 100 Hàng Bạc bị đổ sập, hồi đầu năm nay không còn là chuyện hiếm nữa. Mới đây thôi, ngôi nhà vườn cổ duy nhất còn sót lại ở 115 Hàng Bạc có nguy cơ bị xóa sổ, với những chuyện lấn chiếm, kiện tụng lình xình từ lâu nay, cũng chẳng còn là chuyện hy hữu ở khu phố cổ. Nghĩa là, nếu ngó đến bất kỳ ngôi nhà nào trong vài trăm ngôi nhà có giá trị kiến trúc cần được bảo tồn, tôn tạo thì đều có chuyện để lo lắng.

Xét kỹ mới thấy, chúng ta ta vẫn chưa xác định trúng mục tiêu cơ bản của việc bảo tồn khu phố cổ, nên hết sức lúng túng về phương pháp và kế hoạch triển khai. Các nhà chuyên môn và quản lý chỉ bàn tới phần “vứng”, nghĩa là nghiêng về phần “xác” nhà, và chỉ có mỗi cách là di dân. Họ đã quên đi phần “mềm”; đó là phần “hồn” khu phố cổ, nên không có phương án chuẩn.

Nhiều chuyên gia, sau bao năm đi nước ngoài mới hay không gian văn hóa, dưỡng sinh văn hóa cổ mới là quan trọng. Mô hình “đô thị phố cổ thu nhỏ” của nhiều nơi đã hiện lên như một biện pháp hữu hiệu sống động, hội tụ được đầy đủ các nét sinh hoạt văn hóa cơ bản cho một “Bảo tàng phố cổ”.

Chỉ lấy ví dụ khu phố cổ ở Thượng Hải và Phố văn hóa nghệ thuật cổ ở Bắc Kinh của Trung Quốc, thì mới thấy đó chính là “tuyệt chiêu” về bảo tồn phố cổ với văn hóa ngàn năm, rất thích hợp với Hà Nội. Họ chọn một diện tích vừa phải ở vị trí đắc địa, mỗi chiều vuông chu vi chưa tới 1km, để dựng lên một khu phố, với kiến trúc nhất quán, giống như các ngôi nhà cổ điển hình nhất.

08-32-02_trng-19
 

Nhưng điều quan trọng hơn, chủ đề nổi bật trong khu đô thị thu nhỏ này là không gian văn hóa cổ, từ cách thức giao tiếp, buôn bán, sinh hoạt, lễ hội đến ngôn ngữ và các hình loại hàng hóa... Mô hình này tạo nên một không gian văn hóa “Sạch” đậm đặc chất cổ phong. Vậy nên, nếu cứ theo hướng cứng nhắc trong các cuộc hội thảo hiện nay, thì các nhà quản lý lúng túng khi “húc” đúng vào bức tường văn hóa lịch sử 1000 năm, thật khó tháo gỡ.

Vậy, điều quan trọng là xác định mục đích bảo tồn phố cổ trước hết, sau đó mới bàn đến chuyện phục chế, cải tạo, giữ gìn như thế nào, quy mô ra sao và có cần đến phương án đền bù giải tỏa cho dân hay không. Nhưng tất cả các nhà chuyên môn không chỉ nhiệt tình bàn mà chưa xác định được mục đích thật sự và chưa được sự ủng hộ của người dân. Nếu tham khảo những khu phố cổ ở nước ngoài như Nhật Bản, Xin-ga-po, Trung Quốc...mới hay, mục đích chính là bảo tồn phố cổ với phương án khai thác kinh tế du lịch.

Cái hồn cốt văn hóa nghìn năm được lưu giữ và quảng bá qua du lịch và được phát huy triệt để trong thị trường muôn mặt. Những nền nếp xưa, từ thời trang đến nghệ thuật giao tiếp trong ngôn ngữ, ứng xử trong tôn ty trật tự xã hội luôn luôn là thế mạnh trong tiếp thị và thu hút khách du lịch và biến họ thành người mua hàng dễ tính nhất.

Với khu phố cổ Hà Nội, nếu bảo tồn theo cách làm trên của các nước, nghĩa là kết hợp chùm ba ý tưởng: Văn Hóa- Du lịch- Kinh tế, thì có lẽ hợp lý hơn cả. Bởi khi ấy, các nhà quản lý bàn với người dân, xác định được nên bảo tồn, tôn tạo, hoặc xây dựng ở phạm vi nào, diện tích bao nhiêu thì đạt hiệu quả cao nhất cho mục đích chính. Và lực lượng làm nên chất lượng của nền Văn hóa- Du lịch- Kinh tế này, không ai khác chính là người dân đang sinh sống tại đó.

Ở đây, vai trò của nhà nước là tạo điều kiện cho sự vận hành đó, quản lý nó, điều tiết cho phù hợp từng giai đoạn, từng đối tượng, từng mặt hàng của khu phố nghề, và quy chế kinh doanh. Có lẽ, sau đó chăng mới cần đến bàn tay các nhà chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn di sản và các nhà kinh tế. Bởi lẽ khi xác định được mục đích như vậy, ta có thể xây mới hoàn toàn theo mẫu, dẫy phố nhà cổ, chợ cổ, thời trang cổ, họa tiết và trang trí theo mẫu cổ...

Khi đó các nhà cổ thật sự có tuổi thọ hàng trăm năm, hoặc các di sản cổ, chỉ cần tu bổ giữ nguyên trạng, tạo nên địa chỉ văn hóa, như ngôi nhà ở 87 Mã Mây, hay đền Quán Đế, tại 28 Hàng Buồm hiện nay chẳng hạn. Có làm được như thế, cái hồn cốt của một nền “văn hóa kẻ chợ Thăng Long” mới được lưu giữ, như nếp sống, phố nghề, phường hội, cách thức giao tiếp, buôn bán... Chúng sẽ trở nên hiện thực và sống động trong một môi sinh mới của thị trường du lịch.

(Kiến thức gia đình số 11)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.