| Hotline: 0983.970.780

Báo Trung Quốc dọa chiến tranh nếu Ấn Độ không rút quân

Thứ Sáu 21/07/2017 , 17:52 (GMT+7)

Bài xã luận hôm nay của Global Times tuyên bố Trung Quốc đã kiên nhẫn và bình tĩnh ở mức tối đa, song nếu Ấn Độ không rút quân, lựa chọn cuối cùng sẽ là chiến tranh. 

Bính lính Ấn Độ (trái) và binh lính Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung chống khủng bố ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Ảnh: People's Daily.
Bài xã luận của Global Times hôm nay cảnh báo chiến tranh và cáo buộc Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj "dối trá" khi phát biểu trước quốc hội nước này về xung đột ở cao nguyên Doklam, theo India Today.
 
Báo Trung Quốc bác bỏ đề nghị hai bên cùng rút quân khỏi khu vực đang có căng thẳng hai tháng qua, cho rằng đây là sự "ảo tưởng" của Ấn Độ.
 
Gobal Times còn đe dọa Bắc Kinh sẽ dùng biện pháp quân sự với New Delhi. "Trung Quốc đã thể hiện hết mức về sự kiên nhẫn và bình tĩnh. Nhưng nếu New Delhi không rút quân, lựa chọn cuối cùng cho Trung Quốc sẽ là chiến tranh chống lại Ấn Độ và kết thúc xung đột mà không dùng các biện pháp ngoại giao".
 
Trước đó, phát biểu trước quốc hội Ấn Độ hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Swaraj nói rằng New Delhi "phải can thiệp vào điểm tiếp giáp giữa ba nước, để ngăn chặn nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng, bởi điều này ảnh hưởng đến an ninh của chúng ta". Bà Swaraj cũng nói Ấn Độ "sẵn sàng đàm phán song các bên phải rút lực lượng vũ trang về vị trí ban đầu".
 
Tờ báo được nhiều người đọc ở Trung Quốc tuyên bố: "Bà Bộ trưởng Ngoại giao đã nói dối quốc hội Ấn Độ, bởi trước hết, Ấn Độ xâm lược lãnh thổ của Trung Quốc và thực tế là cuộc phiêu lưu của New Delhi khiến công động quốc tế ngạc nhiên, không nước nào ủng hộ việc này. Thứ hai, sức mạnh quân sự Ấn Độ kém xa Trung Quốc, một khi mọi thứ dẫn đến một lựa chọn quân sự, không nghi ngờ gì về việc Ấn Độ sẽ thua trận".
 
Bài viết bằng tiếng Trung của Global Times cũng cảnh báo sự leo thang ở các điểm chốt thuộc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa hai nước. "Nếu Ấn Độ vẫn giữ thái độ đối đầu, họ nên chuẩn bị chịu đựng hậu quả của việc leo thang căng thẳng". 
 
"Binh lính của chúng ta có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào ở biên kia biên giới nhờ khả năng hậu cần và tính cơ động vượt trội Ấn Độ. Biên giới Trung-Ấn sẽ trở thành sân khấu cho Trung Quốc thể hiện những thành tựu về rèn luyện vào cải cách quân đội", báo viết. 
 
Bài báo cũng khẳng định Trung Quốc sẽ không tham dự vào lời kêu gọi "hai bên cùng rút quân" của Ấn Độ, tuyên bố New Delhi cần "từ bỏ sự ảo tưởng lâu nay về khu vực Donglang (Ấn Độ gọi là Doklam)". "Nơi xảy ra đối đầu thuộc lãnh thổ Trung Quốc, Ấn Độ phải đơn phương rút quân".
 
Global Times tuyên bố thăm dò dư luận ở Trung Quốc cho thấy người dân ủng hộ hành động mạnh mẽ. "Không một tấc đất nào của Trung Quốc có thể bị mất đi, bởi đó là ước vọng của người Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ để mong ước của người dân bị xâm phạm, và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ không bao giờ khiến nhân dân thất vọng".
 
Tiếp tục giọng điệu cứng rắn thường thấy khi đề cập đến tranh chấp, Global Times tuyên bố Trung Quốc yêu chuộng hòa bình. "Song hòa bình không thể có được bằng cái giá của việc mất đi lãnh thổ, 1,4 tỷ người Trung Quốc không chấp nhận thứ hòa bình đó".
 
Bài báo khẳng định với GDP gấp 5 lần và khả năng vận chuyển, phân phối mạnh mẽ, quân đội Trung Quốc có thể thay đổi quân số trong vòng một ngày, bất chấp thực tế Ấn Độ đang có số quân thường trực lớn hơn. Global Times tuyên bố Trung Quốc có khả năng tấn công tầm xa, và sự chênh lệch sức mạnh sẽ được thể hiện ở biên giới. 
 
Phụ san của People's Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định Ấn Độ sẽ không có được sự hỗ trợ từ Mỹ hay Nhật Bản khi xung đột xảy ra, ám chỉ các cuộc tập trận Malabar lớn nhất lịch sử giữa ba nước này hồi tháng 6.
 
"Sự hỗ trợ chỉ là ảo tưởng. Nếu Ấn Độ nghĩ rằng họ có một con bài chiến lược ở Ấn độ Dương, thì điều đó thật ngây thơ. Trung Quốc có nhiều lá bài có thể làm tổn thương Ấn Độ", báo viết. 
 
Bài xã luận của Global Times kết thúc bằng việc nhắc tới chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, cho rằng đây là "sự đánh giá sai lầm" của Ấn Độ về "sự quyết tâm bảo vệ lãnh thổ" của Trung Quốc. "Chúng tôi hy vọng New Delhi sẽ không lặp lại sai lầm tương tự", báo viết. 
 
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu nhau từ tháng 6 ở vùng cao nguyên Doklam thuộc Bhutan. Nguyên nhân được Ấn Độ tuyên bố là Trung Quốc điều  công binh và máy móc tiến vào vùng tranh chấp ở Doklam để xây dựng các công trình giao thông.
 
Bhutan sau nhiều lần phản đối bất thành với Bắc Kinh, đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản Trung Quốc.
 
Cao nguyên Doklam, nơi có biên giới ba nước Ấn Độ, Bhutan, Trung Quốc. Đồ họa: BBC.
 
 

Theo India Times

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất