| Hotline: 0983.970.780

Bão vào Nam Bộ và bài học Linda 20 năm trước

Thứ Sáu 03/11/2017 , 09:10 (GMT+7)

Những ngày này 20 năm trước, bão Linda đã càn quét qua khu vực bán đảo Cà Mau, gây nên thiệt hại thảm khốc cho các tỉnh ĐBSCL với trên 3.100 người chết. Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ...

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ, người trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão Linda trên cương vị Trưởng BCĐ Phòng chống lụt bão TƯ lúc bấy giờ đã có những trăn trở khi trở về những quá khứ đau thương.

16-08-00_dscf4742
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ

Đã 20 năm trôi qua, điều gì khiến ông còn day dứt nhất về thiệt hại nặng nề mà cơn bão Linda để lại?

Đó có lẽ là bệnh chủ quan. Tháng 10/1997, tôi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, kiêm Trưởng BCĐ Phòng chống lụt bão TƯ. Mới chân ướt chân ráo về Bộ thì cuối tháng 10, đầu tháng 11/1997 cơn bão Linda xuất hiện. Tôi còn nhớ đó là buổi trưa ngày 1/11/1997, khi vừa đi công tác xa về, hỏi tình hình anh em ở Bộ những ngày qua có gì mới không thì được tin áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, nhiều khả năng sẽ đi vào các tỉnh ĐBSCL. Nhận thấy bão vào Nam Bộ là việc chẳng lành nên tôi lập tức cho họp khẩn BCĐ Phòng chống lụt bão, sau đó thì bay thẳng vào Cà Mau để đôn đốc công tác đối phó, đồng thời chỉ đạo anh em liên lạc khẩn cấp cho các địa phương phía Nam.

Hồi ấy, bão là một khái niệm mà có lẽ người dân ở ĐBSCL chẳng mấy ai nghĩ tới. Ngày 1/11/1997, những thông tin cảnh báo bão cũng đã được phát đi, nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Có lãnh đạo địa phương khi được thông tin về cơn bão còn bảo rằng: Các anh lãnh đạo ở Hà Nội vừa quan liêu, vừa kém hiểu biết! Vùng biển Cà Mau làm gì có bão? Cũng phải nói rằng, điều kiện về thông tin liên lạc, cứu hộ cứu nạn, thông tin tuyên truyền lúc ấy còn rất hạn chế. Rất nhiều tàu thuyền đã không thể kịp về bờ tránh trú trước sự di chuyển rất nhanh của cơn bão, gây nên một thảm kịch về nhân mạng trên biển.

Năm nay, Nam Bộ lại tiếp tục đứng trước nguy cơ đối mặt với bão lớn. Ông có thể đưa ra những bài học kinh nghiệm nào cho việc đối phó với bão ở vùng này?

Trước đây, Nam Bộ là nơi hàng trăm năm không có bão. Nhưng ngày nay, bão ở vùng này đã là việc bình thường, nên tư duy, tinh thần, nhận thức trong việc đối phó với bão đối với các tỉnh Nam Bộ cũng cần phải thay đổi. Nam Bộ là nơi xưa nay ít phải hứng chịu thiên tai bão lụt nên nhận thức, kinh nghiệm đối phó với những loại hình thiên tai này còn rất hạn chế.

Tôi còn nhớ hình ảnh hoang tàn ở Cà Mau trong buổi chiều ngày 2/11/1997, khi gió bão ập vào, những ngôi nhà vốn được xây dựng đơn giản của người dân nơi đây, lại không được chằng chống đã nhanh chóng bị san phẳng. Việc cần thiết nhất đối với vùng này là phải thay đổi nhận thức của người dân, của chính quyền đối với thiên tai bão lụt, nhất là kỹ năng ứng phó, kỹ năng phòng chống cho bà con.

Ví dụ như trước khi bão vào, ít nhất thì cũng làm sao để người dân hiểu, triển khai được việc chẳng chống nhà cửa, chất bao cát lên nóc nhà, hay chặt tỉa cành cây, vùng nào thì phải di dời dân... Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng tránh trú, neo đậu cho ngư dân khai thác, đánh bắt trên biển, đầu tư cho công tác cứu hộ cứu nạn ở vùng này cần phải đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.

16-08-00_bo_lind2
Một thanh niên may mắn sống sót trở về sau bão Linda năm 1997

Một trong những ám ảnh của cơn bão Linda 20 năm về trước đó là thiệt hại về nhân mạng quá khủng khiếp. Ông có thể chỉ ra đâu là nguyên nhân, lời khuyên nào cho khu vực Nam Bộ để tránh những thiệt hại về người khi có bão?

Thông tin liên lạc và cơ sở hạ tầng, cứu hộ cứu nạn cho ngư dân là những bài học lớn, đau đớn nhất từ cơn bão Linda mà cho dù thời gian qua, chúng ta cũng đã có những đầu tư, có bước tiến dài, nhưng đây vẫn là hai vấn đề cần phải đặc biệt chú trọng trong thời gian tới, đặc biệt là đối với các tỉnh Nam Bộ.

Thiệt hại về người của bão Linda chủ yếu trên biển. Khi tôi bay ra Côn Đảo kiểm tra tình hình, tình cảnh vô cùng hỗn loạn, bất lực! Hàng nghìn chiếc tàu cá của ngư dân không kịp chạy bão vào bờ, phải tạt vào Côn Đảo tránh trú tạm, nhưng những chiếc cầu cảng bé nhỏ không thể neo đậu nổi.

Ngư dân chưa có kinh nghiệm neo đậu tránh bão nên từng dàn tàu cá kết thành bè, thành mảng với nhau. Một chiếc bị sóng đánh chìm kéo theo hàng trăm chiếc chìm theo, tan vỡ. Hàng trăm ngư dân trôi dạt về Côn Đảo không chỗ ở, người bị thương quá tải. Ở trên biển, hàng nghìn tàu cá với hàng nghìn ngư dân không kịp chạy vào bờ, bị bão nhấn chìm, mất tích. Ở Cà Mau cũng vậy, tàu vào bờ không nơi neo đậu, bị đánh đắm la liệt...

ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản của cả nước. Trước đây, thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận gió hòa thì nay, SX, nhất là đối với hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản phải thay đổi cách tiếp cận theo hướng đầu tư SX phải gắn với an toàn làm trên hết. Chúng ta khuyến khích cho ngư dân ra khơi, đánh bắt xa bờ, nhưng không có âu tàu, cầu cảng, không có nơi neo đậu tránh trú bão đảm bảo an toàn, không nắm bắt được thông tin cảnh báo nguy hiểm để tránh xa vùng nguy cơ thì rất nguy hiểm...

Xin cảm ơn ông!

Bão Linda (từ ngày 1 - 3/11/1997), quét qua khu vực phía nam bán đảo Cà Mau đã gây tổn thất nghiêm trọng về nhân mạng với hơn 3.100 người chết và mất tích. Rất nhiều thủy thủ và ngư dân đã phải bỏ mạng ngoài khơi do không thể thoát khỏi quỹ đạo di chuyển của cơn bão. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhanh chóng thành lập các đội tìm kiếm và cứu hộ, đặc biệt ưu tiên cho các ngư dân đang còn mất tích, và có tổng cộng 3.513 người được giải cứu sau bão. Bên cạnh đó, đã có hàng trăm thi thể bị sóng cuốn vào bờ ở Việt Nam và Thái Lan được phát hiện trong vòng vài tuần sau cơn bão...

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất