| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ rừng giáp ranh

Thứ Hai 15/09/2014 , 09:40 (GMT+7)

Tổng cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm phối hợp quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) vùng giáp ranh và đề ra các giải pháp trong thời gian tới. 

Tham dự có lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp và các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà và Lâm Đồng.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, rừng giáp ranh có đặc điểm núi cao, độ dốc lớn, xa khu dân cư rất khó khăn trong công tác bảo vệ, trong khi trữ lượng gỗ còn phong phú nên các đối tượng phá rừng luôn nhòm ngó và thực tế rừng đang bị phá. Năm 2010 Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã ký quy chế phối hợp QLBVR với các tỉnh có rừng giáp ranh.

Kiểm lâm và chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các chính sách về BV&PTR và vận động nhân dân tham gia BVR, PCCCR cho gần 60.000 lượt người sống gần rừng, đồng thời ký cam kết với 1.905 hộ không vi phạm Luật BV&PTR.

Bên cạnh đó kiểm lâm Ninh Thuận thường xuyên phối hợp với công an, chính quyền địa phương khu vực giáp ranh tổ chức 3.063 đợt truy quét khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và phá rừng trái pháp luật tại các khu vực giáp ranh với trên 24.989 lượt người tham gia. Kết quả đã phát hiện 918 vụ vi phạm, tịch thu 432 m3 gỗ các loại cùng hàng trăm xe ô tô, xe máy vận chuyển lâm sản…

Theo ông Hoàng, quy chế phối hợp QLBVR đã tạo điều kiện cho lực lượng kiểm lâm và chủ rừng các tỉnh trao đổi, cung cấp thông tin tình hình phá rừng, danh sách đối tượng phá rừng, kịp thời xác định các điểm nóng về phá rừng và hỗ trợ tối đa lực lượng khi kiểm tra truy quét theo yêu cầu của mỗi bên, nhờ vậy đã góp phần ngăn chặn đáng kể tình hình phá rừng tại các vùng giáp ranh.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế sau 4 năm ký kết còn bộc lộ nhiều hạn chế, vẫn còn mang nặng hình thức; các quy định về phối hợp của từng đơn vị vùng giáp ranh chưa thực hiện thường xuyên; quy chế phối hợp còn nhiều bất cập, thiếu sót; việc trao đổi, cung cấp thông tin không kịp thời…

"Đối với kiến nghị của các tỉnh như hỗ trợ vũ khí cho chủ rừng, giao khoán rừng theo cơ chế đặc thù đối với người dân sử dụng đất đai có tính chất lịch sử nhưng quy hoạch thành rừng phòng hộ, rừng trước đây thuộc Ninh Thuận nay thuộc Lâm Đồng đã trồng cà phê, hồng, sắn… thì tỉnh Ninh Thuận tập hợp báo cáo Bộ NN-PTNT bằng văn bản", ông Cao Chí Công.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm đồng đánh giá: "Việc phối hợp BVR của các tỉnh đã góp phần làm giảm số vụ vi phạm Luật BV&PTR, song số vụ phá rừng có quy mô lớn, có tính chất phức tạp lại tăng, số vụ vi phạm ở rừng đặc dụng, vườn quốc gia trước đây ít nhưng nay thường xuyên, số vụ chống người thi hành công vụ quyết liệt hơn nguy hiểm đến tính mạng lực lượng BVR. Nhiều vụ truy quét liên ngành chưa hiệu quả cao do công tác thông tin rò rỉ.

Để nâng cao hiệu quả công tác BVR giáp ranh, theo ông Phạm S, 4 tỉnh phải có sự thống nhất quy chế phối hợp cấp tỉnh làm cơ sở cho các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật BVR hiệu quả hơn. Nghiên cứu khảo nghiệm các giống cây lâm nghiệp trồng trên đất rừng có hiệu quả, đồng thời nhân rộng mô hình lâm nghiệp có hiệu quả để người dân, người nhận khoán sống được từ rừng...

Ông Trần Xuân Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá: "Thực trạng rừng vùng giáp ranh tại 4 tỉnh diễn biến rất phức tạp và nhiều vụ phá rừng có quy mô lớn, đối tượng phá rừng hầu hết là người dân nghèo. Để phối hợp BVR hiệu quả cần có quy chế phối hợp cấp tỉnh để chỉ đạo thống nhất với quan điểm rừng là tài nguyên quốc gia. Do vậy hệ thống chính trị cấp cơ sở phải thống nhất trong BVR không tính ranh giới về địa phương thì mới bảo vệ được rừng.

Trách nhiệm BVR không chỉ của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng mà phải có lực lượng vũ trang. Nếu không có công an, bộ đội vào cuộc thì rất khó BVR. Đào tạo nghề cho người dân sống gần rừng để giải quyết công ăn việc làm nhằm giảm tác động vào rừng.

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá cao quy chế phối hợp BVR của Ninh Thuận và các địa phương vùng giáp ranh. Theo ông Công, rừng giáp ranh là đối tượng dễ bị xâm phạm nhất và luôn là điểm nóng về phá rừng cũng như cháy rừng do địa hình xa xôi hẻo lánh. Quy chế phối hợp BVR chưa có nội dung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, chưa có phương án phối hợp giữa Sở NN-PTNT các tỉnh, UBND các huyện có rừng giáp ranh...

Hội nghị đã thông qua việc ký kết quy chế bổ sung và phương án phối hợp trong công tác QLBVR vùng giáp ranh giữa tỉnh Ninh Thuận và 3 tỉnh trong thời gian tới.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.