| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ và phát triển rừng

Thứ Sáu 24/02/2012 , 09:15 (GMT+7)

Nhờ tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, hầu hết người dân đã ý thức được tầm quan trọng và giá trị của Tràm Chim.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim

VQG Tràm Chim thuộc vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), là một trong ba khu rừng ngập nước nổi tiếng (Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, U Minh) của vùng ĐBSCL, có diện tích lớn đến 700.000 ha nối liền giữa 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Đây là khu rừng bảo tồn được cả thế giới quan tâm.

Vùng đất đón sếu đầu đỏ

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim cho biết: Nay khu rừng này đã bị thu hẹp lại, hiện còn 7.000 ha (1/100 của Đồng Tháp Mười), nằm gọn trong huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Ngoài quần thể sinh, thực vật phong phú, đa dạng, đây còn là vùng đất đón chim sếu đầu đỏ.

Trước đây nhiều người xem Tràm Chim là “cánh đồng hoang, cánh đồng chết, không có giá trị”, nên phần lớn nhận thức dân trí và cả một số “quan trí” muốn biến Tràm Chim thành ruộng lúa. Nay nhờ tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, hầu hết đã ý thức tầm quan trọng và giá trị của Tràm Chim. Hơn nữa, năm nay Tổ chức Công ước bảo tồn vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới (Ramsar) sẽ công nhận Tràm Chim là “khu Ramsar”, nên việc bảo tồn những giá trị thiên nhiên, không phải của riêng ai, đòi hỏi cả thế giới chung tay.

Vì vậy, Tràm Chim và VN sẽ được tiếng vang và chúng ta cũng phải chơi theo luật của quốc tế. Tất nhiên, chúng ta sẽ có tiêu chí quản lý của quốc tế và điều ấy sẽ tốt hơn cho Tràm Chim, khách quốc tế sẽ đến Tràm Chim ngày một nhiều hơn...

Để được công nhận là khu Ramsar, phải có ít nhất 20.000 con chim trên một cánh rừng. Trong khi đó, Tràm Chim hiện còn giữ lại được tính đa dạng sinh học với 232 loài chim với ít nhất 32 loài quý hiếm; đặc biệt là sếu đầu đỏ. Riêng chim trích cũng đã có 50.000 con. Cũng có một số loài giảm mạnh như quạ gần như mất hẳn, sếu đầu đỏ thì ít về hơn, giảm đến hơn 90%. Trước đây, mỗi năm có khoảng 1.500 con về Tràm Chim, nay mỗi năm chỉ về khoảng 100 con. Đến giờ này, chỉ mới có 50- 60 con về. Dẫu gì thì tổ chức Ramsar cũng thừa nhận “Tràm Chim vẫn là vương quốc của chim”.

Ngoài ra, Tràm Chim còn có hệ sinh, thực vật phong phú. Thực vật bậc cao có gần 200 loài, trong đó có những quần xã quan trọng như cỏ năn (thức ăn chính của sếu), lúa ma (khoảng 1.000 ha), sen- súng, cỏ ống, cỏ móc. Hai nhóm sinh vật với 40- 50 loài lưỡng cư bò sát, 130 loài thủy sản, với những loại cá hiếm như hô, mè rỗ, nàng hai. Động vật ít, chỉ một số loài chuột, rái cá.

Hiện Tràm Chim đang tiến hành thực hiện 3 dự án quan trọng: Quy hoạch tổng thể, phát triển du lịch, an sinh xã hội. Muốn làm gì thì cũng phải có quy hoạch tổng thể hoàn chỉnh và tạo được một khu vườn thật yên tĩnh thì mới hy vọng thu hút được sếu đầu đỏ quay về mỗi năm ngày một đông hơn. Ông Nguyễn Văn Hùng tin tưởng điều này.

Còn phát triển du lịch, Tràm Chim cũng hướng tới du lịch “bậc cao” nhằm vào khách tham quan có ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường, để vừa đảm bảo được nguồn thu, vừa bảo vệ tốt hiện trạng tự nhiên. Vì đây là khu “bảo tồn”, nên không thể để tình trạng du khách gây ô nhiễm, xâm hại môi trường. Còn dự án an sinh xã hội làm cho người dân có ý thức cùng bảo vệ Tràm Chim, không thể chỉ có những người ở VQG mà có cả lực lượng bộ đội chi viện hỗ trợ.

 Thuận lợi Tràm Chim cũng có, nhưng khó khăn thì rất nhiều. Cụ thể tình trạng 50.000 dân sống bao quanh Tràm Chim, trong đó có khoảng 20% hộ nghèo; nhiều người xem Tràm Chim là “nồi cơm”. Với 100 CBCNV của cơ quan phải quản lý trên diện tích 7.000 ha, chu vi dài 96 km thì công tác bảo vệ rất khó khăn. Người nghèo cũng tìm cách khai thác, người giàu cũng lợi dụng xúi giục người nghèo khai thác để bán lại cho họ kiếm lời.

Quan điểm rõ ràng

Quan điểm bảo tồn của lãnh đạo VQG Tràm Chim rất rõ ràng. Trong khu rừng này, cái gì lấy mất đi là không được. Cái gì có thể tái tạo thì tổ chức cho khai thác. Đã 3 năm, đề án cho dân vào rừng tràm khai thác cá, cỏ và củi (3C), được cấp trên chấp nhận với phương châm thực hiện có tổ chức, có kiểm soát. Người dân được vào rừng khai thác phải có sự giới thiệu của chính quyền, đoàn thể địa phương với tiêu chí nghèo, chịu khó làm ăn và được giới hạn ở phạm vi cho phép.

Lãnh đạo VGQ cũng đang tính tới việc cho dân khai thác lúa ma trong tương lai, vì đây là nguồn lợi lớn; nhưng chưa tính hết được hiệu quả và tác hại nên chưa thể tiến hành. Thời gian qua, nhờ việc cho kết hợp khai thác và bảo vệ, dân nghèo có được thu nhập từ 70.000- 100.000 đ/ngày; đồng thời, ý thức tự bảo vệ rừng của họ cũng được nâng lên.

Nhiều năm qua, các mô hình khai thác này đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương xuống mức thấp và cũng tạo được thêm an ninh cho vườn. Ông Hùng tâm sự: "Nếu không nâng cao được ý thức bảo vệ rừng cho người dân chung quanh một cách hài hòa giữa quyền lợi và nhiệm vụ thì công tác bảo tồn, bảo vệ của chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn".

Trong tương lai gần, Tràm Chim sẽ thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu. Tin vui tới đây, VQG sẽ là khu Ramsar đất ngập nước thứ tư của VN, sau Xuân Thủy, Cát Tiên, Ba Bể và là điểm bảo tồn thiên nhiên có tầm quan trọng quốc tế lớn nhất ở ĐBSCL.

Điều quan trọng nữa là chuyện cháy rừng. Để rừng không cháy ở đây thì rất dễ, chỉ cần bơm nước ngập sâu vào mùa khô là “ngủ ngon” không sợ chuyện cháy rừng. Nhưng để bảo vệ rừng trong VQG một cách bền vững, tạo được hệ sinh thái đa dạng và thảm thực vật phong phú thì phải giữ tình trạng rừng giống với tự nhiên. Khi nào rừng ngập nước, thời gian nào khô, mức nước ở mỗi thời điểm? Phải duy trì thời điểm rừng khô, vì chim sếu không đậu trên cành, chỉ đậu trên đồng năn khô tìm củ.

Do phải duy trì hiện trạng khô nên dễ gây ra tình trạng cháy. Một sự bất cẩn của người dân, khách tham quan là có thể dẫn đến nạn cháy rừng. Vấn đề quan trọng là tập trung chữa, chớ không đổ thừa ai. Còn trách nhiệm thì dĩ nhiên họ cũng chịu phần trách nhiệm. Mặt khác, đây là nơi phải có sếu đầu đỏ về. Muốn vậy, phải duy trì tình trạng khô để có củ năn cho chim, đôi lúc cũng cần tạo hiện tượng cháy sinh học có kiểm soát, để năn phát triển mạnh hơn, tạo nguồn thức ăn sung túc, dẫn dụ chim về nhiều hơn.

Thuận lợi của VQG Tràm Chim là được Nhà nước và thế giới quan tâm đầu tư phát triển rừng hướng tới việc bảo tồn sinh học đa dạng, bền vững. Ngoài ra, VQG sẽ kết hợp phát triển du lịch tham quan theo hướng giáo dục môi trường, sinh thái.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.